LTS: Là nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chỉ ra bài học về cải cách giáo dục tại xứ sở cờ hoa năm 1983.
Qua đó, tác giả đưa ra những đánh giá, nhìn nhận nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam tham khảo, để cuộc đổi mới giáo dục tại nước ta hiệu quả hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Việt Nam đang trên con đường tìm kiếm đổi mới giáo dục như một động lực phát triển đất nước.
Một số bài học từ cải cách giáo dục Mỹ vào năm 1983 có lẽ có thể hữu ích cho chúng ta, khi nhìn từ lịch sử của nước Mỹ.
Năm 1983, dưới thời của Tổng thống Reagan, một báo cáo có tên “Quốc gia lâm nguy – Yêu cầu cấp bách về đổi mới giáo dục” [1] đã được đệ trình lên Tổng thống và Quốc hội Mỹ.
Báo cáo này bàn về những thực trạng của giáo dục Mỹ, từ cấp quận – bang và liên bang, đồng thời đưa ra những khuyến nghị cần phải cải cách để phát triển đất nước.
Báo cáo "Quốc gia lâm nguy" đã được đệ trình lên Tổng thống Mỹ Ronard Reagan . (Ảnh: Wikipedia) |
Báo cáo này được lập bởi Hội đồng Quốc gia về Giáo dục xuất sắc (Hội đồng), gồm 18 cá nhân từ Chính phủ, khu vực tư nhân và chuyên gia giáo dục, những cá nhân xuất sắc về nghiên cứu trong nhiều mảng khác nhau dưới góc độ chính sách giáo dục – giáo dục phát triển, giáo dục kinh tế và dựa trên nguyên lý “Những giá trị cơ bản của giáo dục trong xã hội chúng ta hiện đang yếu kém đi bởi sự gia tăng quản lý của các bang với giáo dục, và điều này đe dọa tương lai của chúng ta như một Đất nước và như là con người” [1].
Như tên của báo cáo nêu ra, Hội đồng, từ những quan sát của mình, đã đánh giá về việc hệ thống giáo dục Mỹ hiện đang chưa đáp ứng được yêu cầu lao động của thị trường và người tuyển dụng lao động.
Bản báo cáo cũng cần phải đánh giá rõ về “chất lượng dạy và học” trong các hệ thống trường học của Mỹ, từ cấp 1, cấp 2 đến các cấp sau phổ thông, trong cả hệ thống công lập và tư thục, nhằm để có dữ liệu nghiên cứu và so sánh với “trường và đại học ở Mỹ với các nước phát triển khác”.
Báo cáo được thực hiện qua khảo sát và tìm ra những điểm về học thuật mà học sinh đã không thể đạt được ở cấp quốc gia và ở cấp quốc tế.
Theo đó, Hội đồng đưa ra 38 kiến nghị, chia ra trong 5 nhóm ưu tiên gồm: Nội dung chương trình; Chuẩn mực và Mong muốn; Thời gian; Giảng dạy; Năng lực lãnh đạo và Hỗ trợ tài chính.
Trong 5 nhóm ưu tiên này, chất lượng giảng dạy được đề xuất bổ sung những mục tiêu: nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua nâng cao mức lương cạnh tranh cho giáo viên chuyên nghiệp, chương trình thu hút giáo viên giỏi và chương trình hỗ trợ giảng dạy.
Ngoài ra, mảng về Năng lực lãnh đạo và Hỗ trợ tài chính, vai trò của chính quyền liên bang rất quan trọng trong việc cung cấp các khoản hỗ trợ cho những đối tượng cần được ưu tiên, ví dụ như những tài năng, những đối tượng khuyết tật, học sinh thiểu số và sử dụng ngôn ngữ không phải là tiếng Anh.
Chính quyền liên bang cũng phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn lực cho đào tạo nghiên cứu trong các trường học và đại học.
Báo cáo “Quốc gia lâm nguy - Yêu cầu cấp bách cải cách giáo dục” năm 1983 đã buộc Quốc hội Mỹ, các hệ thống chính quyền bang buộc phải nhìn nhận lại thực trạng yếu kém trong hệ thống giáo dục của mình.
Họ buộc phải nhìn nhận thực tế về việc sẽ không thể có học sinh giỏi với giáo viên trung bình, và với một vài thập kỷ cả nước Mỹ tập trung nhiều vào khoa học kỹ thuật, mức lương thấp của giáo viên đã không đủ để thu hút học sinh giỏi, học sinh có năng lực học và theo đuổi nghề giáo suốt đời.
Điều này đòi hỏi về tư duy về một chính sách ưu đãi cho giáo viên, ví dụ, học và được miễn tiền học đại học nếu sau khi tốt nghiệp, phục vụ 5 năm ở khu vực khó khăn, hay chính sách lương ưu đãi khi về hưu sau 30 năm dạy học, và chính sách xóa nợ cho những người học sư phạm hay làm nghề giáo…
Sau Báo cáo 1983 này, cả hệ thống buộc phải nhìn lại thực trạng giáo dục của mình, và nó được công bố công khai cho toàn dân tham khảo.
Những ý kiến đóng góp về những kiến nghị của Hội đồng đã buộc Tổng thống và Quốc hội tăng cường ngân sách cho giáo dục, xây dựng các chính sách khuyến khích người học làm nghề giáo và chính sách lương cho giáo viên, các tổ chức nghiên cứu so sánh và đánh giá các chương trình và giáo dục nước ngoài được thành lập…
Thực sự, từ một báo cáo nghiêm túc, nước Mỹ đã làm được nhiều hơn một cuộc cải cách giáo dục.
Từ những bước làm trong Báo cáo 1983, cá nhân tôi luôn suy nghĩ về những cải cách giáo dục của Việt Nam.
Điều gì làm chúng ta, mặc dù cải cách và đổi mới nhiều (3 lần), cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy mô hình phát triển giáo dục phù hợp?
Liệu chúng ta có làm nghiên cứu giáo dục, mặc dù là chính sách giáo dục cho cả nước, nhưng phải có khảo sát cẩn thận của từng địa phương cụ thể để tìm ra được, đâu là vấn đề cản trở phát triển học tập của học sinh?
Liệu chúng ta, khi làm so sánh và đối chứng với một số hệ giáo dục đào tạo của nước ngoài, chúng ta có tìm ra được cả điểm mạnh, điểm yếu của họ và điểm chung mà chúng ta có thể học hỏi?
Nước Mỹ có một Trung tâm Quốc gia về Giáo dục và Kinh tế (NCEE), mà Mark Tucker làm giám đốc.
Trung tâm này có nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá giáo dục dưới góc độ phát triển kinh tế của nước Mỹ, bằng việc so sánh và đánh giá các nước phát triển về giáo dục trên thế giới.
Gần 20 năm làm nghiên cứu về giáo dục của nước ngoài, những báo cáo và nghiên cứu các ví dụ thành công của NCEE đã được chia sẻ rộng rãi trên khắp các bang của nước Mỹ, duy chỉ có một điều, rất nhiều khuyến cáo đã không được giới chính trị lắng nghe thấu đáo.
Và như Mark có chia sẻ gần đây về việc cắt giảm ngân sách và chính sách tư nhân hóa giáo dục Mỹ, “Khi nền giáo dục được xem xét chỉ dựa trên những con số, những gì tốt đẹp của chúng ta chỉ còn đếm theo ngày”.
Tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp tất cả chúng ta cùng suy ngẫm, về việc thực ra, giáo dục có yếu kém đâu chỉ bởi những người làm giáo dục.
Khi gắn giáo dục vào kinh tế, hầu hết mọi người chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế, và coi giáo dục như phần buộc phải làm, vì chưa nhìn ra được tương lai “sinh lời” như thế nào.
Chỉ còn có một ví dụ đã được minh chứng rõ, không chỉ ở Mỹ, mà ở 10 nước có nền giáo dục phát triển tốt nhất trên thế giới, đó là họ đều không tư nhân hóa nền giáo dục phổ thông, có chính sách hỗ trợ tài chính cho các trường đại học nghiên cứu và mọi quyết sách về giáo dục đều vì một nền xã hội tốt, một hệ thống giá trị nhân bản tốt.
Mong là Việt Nam chúng ta cũng sẽ tìm ra được con đường để phát triển giáo dục cho một xã hội tốt đẹp.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/A_Nation_at_Risk