LTS: Những bất cập trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa đây khiến nhiều người kiến nghị bỏ kỳ thi "2 trong 1".
Cô giáo Mai Hoa chỉ ra những lợi ích của kỳ thi này và nhấn mạnh đến việc cần thay đổi cách làm để đảm bảo hiệu quả.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc hợp nhất 2 kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi đại học thành kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đã giảm khá lớn áp lực thi cử cho học sinh và tiết kiệm cho xã hội cả về thời gian và ngân sách.
Thế nhưng việc tổ chức thi và chấm thi tại các địa phương đã bộc lộ khá nhiều kẻ hở dẫn đến tiêu cực lớn xảy ra như thời gian vừa qua.
Dư luận bắt đầu lên tiếng việc bỏ kỳ thi “2 trong 1” và giao quyền tuyển sinh trực tiếp cho các trường đại học, cao đẳng.
Cần thay đổi cách làm để giữ lại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Ảnh minh hoạ: TTXVN |
Trong bài phỏng vấn của phóng viên Trần Phương - Báo Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho rằng không thể bỏ kỳ thi “2 trong 1” lúc này, cái cần hiện nay là cần xem lại cách làm.
Đúng vậy, việc gộp hai kỳ thi làm một đã không sai, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hôm nay chính là “sai ở cách làm”.
Vậy việc cần xem lại cách làm để biết được mình đang sai ở đâu.
Từ đó khắc phục, điều chỉnh sẽ hiệu quả hơn nhiều việc cứ mỗi năm một thay đổi xoành xoạch.
Giáo viên Trung học phổ thông và thí sinh kể chuyện thi, coi thi và chấm thi
Tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn toàn giao cho các địa phương chủ trì.
Giám đốc Sở Giáo dục sở tại chính là Chủ tịch hội đồng thi.
Trưởng Ban chấm thi do lãnh đạo Hội đồng thi kiêm nhiệm. Phó trưởng Ban thường trực là lãnh đạo đơn vị chủ trì cụm thi.
Các uỷ viên gồm Trưởng môn chấm thi và cán bộ chấm thi toàn là cán bộ, giáo viên các trường phổ thông trong tỉnh.
Tại các Sở Giáo dục, để tiết kiệm chi phí đi lại cho ngân sách tỉnh người ta không luân chuyển giáo viên các huyện thị với nhau mà luân chuyển giáo viên trong cùng địa bàn.
Việc điều giáo viên từ trường A sang trường B coi thi đôi khi hai trường Trung học phổ thông chỉ cách nhau có vài trăm mét.
Chưa nói đến việc có những giáo viên đã công tác ở trường A mấy năm, nay mới chuyển về trường B được dăm tháng, giờ lại được điều sang trường A làm giám thị.
Chưa nói đến “gà riêng” thì tinh thần của từng địa phương vẫn luôn nhắc nhở giáo viên cần nhẹ tay với học sinh tỉnh nhà, không làm khó trên tinh thần giúp đỡ các em là chính.
Điều đáng nghi ngờ nhất là những giáo viên đã từng mang tiếng là coi thi khó, chấm thi khó thì mùa thi sau chắc chắn sẽ được ở nhà “ngồi chơi xơi nước” hoặc được điều đi tỉnh khác làm thanh tra.
Và tâm lý của những thầy cô giáo hay thương trò (nhất là những học sinh quen mặt biết tên, học sinh cùng chung làng xóm” theo kiểu “12 năm học chỉ trông vào 2 ngày” nên có phần du di dễ dãi.
Mặc dù từng địa phương cũng có giáo viên của một số trường đại học, cao đẳng về coi và giám sát thi cử.
Thay vì vào phòng thi, một giảng viên sẽ coi chung với một giáo viên bậc Trung học phổ thông.
Nhưng một số giáo viên coi thi về kể rằng, nhiều phòng thi chỉ bố trí giáo viên tỉnh nhà, giảng viên được phân công là giám thị 3 nên chuyện học sinh “làm phép” trong khi thi không thể nào tránh khỏi.
Một số học sinh cũng tiết lộ việc các em nghi ngờ sự không minh bạch trong phòng thi của một số thí sinh nhưng do không có thiết bị quay nên không thể lấy được bằng chứng để tố giác.
Khi làm bài trắc nghiệm có học sinh trong phòng được giám thị đến gần một cách bất thường… chuyện cứ được lập lại gần như các môn trắc nghiệm.
Một số giáo viên Trung học phổ thông đi chấm thi về có rỉ tai nhau việc được chỉ đạo từ ai đó để trực tiếp nhận diện một số bài thi đã được học sinh đánh dấu khác biệt.
Có giám khảo trực tiếp sửa kết quả bài làm của học sinh nhưng chẳng ai dám lên tiếng phản đối gì.
Giữ kỳ thi phải thay đổi cách làm
Nếu giữ kỳ thi 2 trong 1 buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đổi cách làm như hiện nay:
Thứ nhất, Chủ tịch hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi, trưởng các điểm thi, giám khảo phải được luân chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Dù thế nào, không thể phủ nhận những ưu điểm của kỳ thi quốc gia |
Riêng phó các điểm thi và cán bộ coi thi là người trong tỉnh nhưng luân chuyển từ huyện này qua huyện khác.
Thứ hai, không tổ chức chấm thi tại địa phương mà tổ chức chấm tập trung theo miền (Bắc, Trung, Nam).
Thứ ba, giảng viên các trường đại học, cao đẳng cũng được tham gia vào việc chấm thi theo tỷ lệ 50/50 như việc bố trí giám thị.
Có như thế, cái tư tưởng “phải tạo điều kiện cho tỉnh nhà” hoặc việc Chủ tịch hội đồng coi thi, Trưởng ban chấm thi không thể có cơ hội ưu ái cho “gà cưng” của mình.
Và như thế sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực trong thi cử xảy ra.