Những con số giật mình về trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia

10/08/2015 08:05
Phạm Huy Đức
(GDVN) - Nghệ An rà soát 241 trường Mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chỉ có 63 trường còn đạt được cả 5 tiêu chuẩn.

Các trường còn lại không đạt từ 1 đến 3 tiêu chuẩn phải nhanh chóng bổ sung đội ngũ giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và tăng cường cơ sở vật chất cho các Nhà trường mới có thể sớm khắc phục tình trạng này. 

Từ năm học 2002-2003 đến hết năm học 2013-2014, Nghệ An có 249 trường Mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 12 trường nhận đạt chuẩn mức độ 2.

Xác định việc xây dựng trường chuẩn là nhiệm vụ trọng tâm và thực tế đang còn nhiều bất cập, bước vào năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT Nghệ An đã đề ra nhiệm vụ: 

Các Phòng GD&ĐT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trường mầm non đầu tư các điều kiện bảo đảm đúng theo các tiêu chuẩn quy định; tổ chức rà soát, kiểm tra các trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn cách đây 5 năm trở lên, đối chiếu các tiêu chuẩn để bổ sung hoàn thiện, bảo đảm tiếp tục đạt chuẩn đúng thời hạn,…”.

Những con số giật mình về trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia ảnh 1
Trường Mầm non Vinh Tân (TP.Vinh) được công nhận đạt chuẩn mức độ 2 năm học 2011-2012 và hiện đang duy trì kết quả này

Thực hiện nhiệm vụ nói trên, ngay từ đầu năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT rà soát lại các trường mầm non đã từng được công nhận đạt chuẩn quốc gia. 

Việc rà soát được thực hiện xong ở 241 trường (trừ 7 trường ở 3 huyện vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và 1 trường ở huyện Đô Lương).

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, một trường Mầm non muốn được công nhận đạt chuẩn quốc gia phải đạt được 5 tiêu chuẩn:

- Tổ chức quản lý nhà trường (tiêu chuẩn 1).

- Đội ngũ giáo viên và nhân viên (tiêu chuẩn 2).

- Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ (tiêu chuẩn 3).

- Quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị (tiêu chuẩn 4).

- Xã hội hoá giáo dục (tiêu chuẩn 5) với tổng số 24 tiêu chí.

Tổng hợp kết quả rà soát (tại thời điểm nói trên) đã cho những con số giật mình. 

Trong số 241 trường được rà soát, chỉ có 63 trường (26,14%) còn đạt cả 5 tiêu chuẩn, nhưng có đến 80 trường không đạt 1 tiêu chuẩn, 96 trường không đạt 2 tiêu chuẩn và 2 trường không đạt 3 tiêu chuẩn. 

Cả 241 (100%) trường đều đạt tiêu chuẩn 1 về tổ chức quản lý nhà trường; 240 (99,59%) trường đạt tiêu chuẩn 3 về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; 238 (98,76%) trường đạt tiêu chuẩn 5 về xã hội hoá giáo dục.

Nhưng có đến 123 (51,04%) trường không đạt tiêu chuẩn 2 về đội ngũ giáo viên, nhân viên và 151 (62,66%) trường không đạt tiêu chuẩn 4 về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị. 

Được biết, tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 4 lại là hai tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng, bởi đây là hai điều kiện tiên quyết đối với việc bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục của một nhà trường.

Những con số giật mình về trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia ảnh 2
Trường Mầm non Diễn Kỷ (Diễn Châu) công nhận đạt chuẩn mức độ 2 năm học 2010-2011 nhưng vẫn còn nợ tiêu chuẩn 2

Tỷ lệ các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia hiện còn đạt được cả 5 tiêu chuẩn của các địa phương cụ thể như sau:

Cửa Lò 8/8 (100%); Quỳ Châu 5/7 (71,43%); Nam Đàn 7/11 (63,63%); Anh Sơn 8/13 (61,54%); Thái Hoà 3/6 (50%); Đô Lương 7/14 (50%); Con Cuông 4/9 (44,44%); Tân Kỳ 3/7 (42,86%); Nghi Lộc 6/16 (37,5%); Nghĩa Đàn 3/10 (30%); Hoàng Mai 1/4 (25%); Hưng Nguyên 2/10 (20%); Quỳnh Lưu 2/15 (13,33%); Vinh 2/24 (8,33%); Thanh Chương 1/19 (5,26%); Qùy Hợp 0/11 (0%); Diễn Châu và Yên Thành cùng 0/28 (0%); trường trực thuộc Sở 1/1 (100%).

Theo kết quả rà soát, chất lượng tốt nhất phải nói là thị xã Cửa Lò rồi đến huyện vùng cao Quỳ Châu. 

Quỳ Châu có 7/12 (58,33%) trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, hiện còn tới 5/7 (71,43%) trường đạt cả 5 tiêu chuẩn; chỉ có hai trường, mỗi trường không đạt một tiêu chuẩn (một trường không đạt tiêu chuẩn 2, một trường không đạt tiêu chuẩn 4).

Kém nhất là ba huyện: Quỳ Hợp, Diễn Châu và Yên Thành – tất cả đều không có một trường nào hiện còn đạt cả 5 tiêu chuẩn. 

Trường Mầm non thị trấn Anh Sơn được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 năm học 2009-2010 nhưng vẫn còn nợ tiêu chuẩn 4
Trường Mầm non thị trấn Anh Sơn được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 năm học 2009-2010 nhưng vẫn còn nợ tiêu chuẩn 4

Thành phố Vinh, một địa phương có rất nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng kết quả rà soát lại gần đội sổ.

Thành phố này có 24/49 (48,98%) trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có tới 5 trường được công nhận đạt chuẩn ở mức 2, nhưng chỉ còn 2 trường (Mầm non Vinh Tân và Mầm non Hưng Đông) hiện đang đạt cả 5 tiêu chuẩn, song có tới 12 trường không đạt 1 tiêu chuẩn; 10 trường không đạt 2 tiêu chuẩn (17 trường không đạt tiêu chuẩn 2; 15 trường không đạt tiêu chuẩn 4). 

Ngay trong số 5 trường đã được công nhận đạt chuẩn mức 2 thì Mầm non Hưng Dũng 2 và Mầm non Quang Trung 1 hiện không đạt 1 tiêu chuẩn; Mầm non Sao Mai hiện không đạt 2 tiêu chuẩn.

Được biết, ngay sau khi kết thúc rà soát, nhiều phòng GD&ĐT như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương đã tích cực chỉ đạo, về tận cơ sở làm việc với UBND các xã để cùng bàn cách tháo gỡ khó khăn, tìm nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường mầm non đã đạt chuẩn nhưng còn nợ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất. 

Quỳnh Lưu thì tìm kiếm dự án, huy động sự đóng góp của nhân dân; Yên Thành thì sử dụng nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới; Thanh Chương thì vận động sự đóng góp của những người con quê hương đang thành đạt ở nơi xa;…. 

Bằng cách ấy, trong thời gian vừa rồi, nhiều cơ sở đã và đang tiến hành xây dựng thêm phòng học như các trường mầm non: Quỳnh Đôi; Quỳnh Lương; Quỳnh Diễn; Quỳnh Hậu; Hoa Thành; Phúc Thành; Thọ Thành; Vĩnh Thành; Thanh Lương; Thanh Chi;…  

Đối với đội ngũ giáo viên và nhân viên, UBND tỉnh cũng đã quyết định cho phép tuyển dụng hợp đồng thêm 1.601 giáo viên. 

Tuy vậy, việc khắc phục tình trạng nợ chuẩn của các trường mầm non đã đạt chuẩn vẫn đang còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc, Người phát ngôn của Sở GD&ĐT Nghệ An. 

Theo ông Thái Huy Vinh, hiện còn một số trường mầm non tuy đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng hiện tại lại chưa đạt một số tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, mà chủ yếu là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên, nhân viên. 

Chẳng hạn như phòng học chưa đủ diện tích tối thiểu; công trình vệ sinh còn xa lớp học; giáo viên chưa đủ về số lượng và nhiều giáo viên hợp đồng chưa được hưởng đúng theo chế độ chính sách đã quy định; nhân viên y tế cũng còn thiếu;…

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng nêu trên, ông Thái Huy Vinh cho biết, trong năm học 2015-2016 này, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện 4 giải pháp lớn: 

Thứ nhất, ngay từ đầu năm học, phải tuyển đủ giáo viên theo định biên đã được UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện đúng chế độ chính sách cho các cô giáo. 

Thứ hai, ưu tiên bố trí giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng cho các trường đã được công nhận đạt chuẩn và những trường đang có kế hoạch xây dựng để đạt chuẩn. 

Thứ ba, ưu tiên các nguồn lực (từ các chương trình mục tiêu, dự án; từ xã hội hoá giáo dục,…) để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường mà qua rà soát nhưng chưa đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất. 

Thứ tư, sang học kỳ II, Sở tập trung kiểm tra những trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia cách đây từ 5 năm trở lên.

Những con số giật mình về trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia ảnh 4

Trường chuẩn Quốc gia ra học trường tạm bợ: Muốn nhanh cứ phải từ từ

(GDVN) - Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, việc xây dựng 10 phòng học kiên cố tại trường Tiểu học Châu Hạnh 2 dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 01/2015.

rên cơ sở đó sẽ đề nghị UBND tỉnh công nhận lại cho những trường đạt cả 5 tiêu chuẩn, đồng thời đưa ra khỏi danh sách trường đạt chuẩn quốc gia đối với những trường nào vẫn còn chưa đạt cả 5 tiêu chuẩn. 

Kế hoạch, quyết tâm của Sở thì như vậy, nhưng việc thực thi để trở thành hiện thực thật không dễ. Đối với giáo viên, tuyển thêm kịp thời sẽ đủ về số lượng, nhưng chất lượng liệu có bảo đảm, nhân viên thiếu nhưng vẫn chưa có chỉ tiêu tuyển dụng. 

Về cơ sở vật chất, dù rất cố gắng xoay xở nhưng một số trường vẫn chưa tìm ra nguồn vốn để đầu tư (như các trường mầm non: Quỳnh Tam; Quỳnh Thuận; Quỳnh Bá; Tân Thành; Quang Thành; …). 

Bà Vũ Thị Hiền, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quỳnh Lưu; ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Thành, ông Đặng Văn Hoá, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Chương đều cho rằng: 

Các huyện, các trường đã, đang và sẽ cố gắng đến mức tối đa, song để tất cả các trường mầm non từng được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng vẫn đang nợ chuẩn, trả hết nợ vào học kỳ 2 của năm học 2015-2016 là điều hết sức khó khăn, là điều gần như không thể.   

Phạm Huy Đức