LTS: Chia sẻ quan điểm về tình trạng chạy điểm, nâng điểm để có được những quyển học bạ đẹp cuối cấp như hiện nay, tác giả Thạch Hoàng Sa cho rằng, cần xem lại nó thực hư như thế nào và những hệ lụy về sau.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kể từ khi có quy định dùng điểm tổng kết cuối năm lớp 12 tham gia vào việc xét tốt nghiệp cũng như quy định của một số trường xét tuyển vào đại học bằng học bạ thì khắp nơi có những học bạ “đẹp” đến ngỡ ngàng!
Kể ra, nếu có học bạ đẹp đúng nghĩa của nó thì chúng ta rất mừng vì học sinh học càng ngày càng giỏi giang, “con hơn cha là nhà có phúc” là vậy! Nhưng “học bạ đẹp” ngày nay thì cần xem lại nó thực hư như thế nào và những hệ lụy về sau…
Học bạ của học sinh (Ảnh minh họa: trungcaptruongson.edu.vn). |
Hàng năm, các trường nhộn nhịp nhất, vất vả nhất là vào tháng cuối của năm học. Đó là thời điểm thi học kỳ 2, chấm điểm, tổng kết điểm, đánh giá hạnh kiểm, ghi học bạ…
Học bạ, điểm số, bảng tổng hợp kết quả của lớp 12 phải hoàn thành trước để nộp về trên đúng thời gian.
Đây là lúc “giao thời” nên học sinh lớp cuối cấp thường vi phạm nội quy, thậm chí vi phạm lỗi nặng thì giáo viên chủ nhiệm cũng như nhà trường không thể kỷ luật được vì… học bạ đã hoàn tất. Có người nói “chưa khỏi vòng đã cong đuôi” thật chẳng sai chút nào.
Trở lại với chuyện “học bạ đẹp” thì đây cũng là thời điểm vô cùng “tế nhị” của nhà trường. Máy điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, của hiệu trưởng cứ réo từng hồi liên tục, chừng như liên tu bất tận…
Mở ra toàn người quen, người có thân thế, người có “máu mặt” mời cơm trưa, mời cà phê máy lạnh; có hẹn điểm trước, xong việc nhớ chạy đến, đây đang chờ…
Những “bữa cơm chạy học bạ” không phải là hiếm mà đã và đang diễn ra. Nghe ra thì có thật nhiều “hoàn cảnh” cần sự “giúp đỡ”, sự “thông cảm” của nhà trường.
Nào là con trai út anh Tư cần vô đại học; nào là cháu chú Ba làm bên Sở X. rất cần vô học đại học này, đại học kia nhưng nghe cháu về có nói thiếu vài ba phẩy gì đó mới được xếp loại “giỏi”…
Tiếp theo là giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng “chủ động” gặp riêng từng giáo viên, “nhỏ to tâm sự” nào là cần có sự “quan hệ” với “bề trên”, với ngành ngang ngành dọc, với các “mạnh thường quân” từng "hỗ trợ" nhà trường nên cần giúp em A., em B. để các em có được học bạ “chuẩn”!
Một khi lãnh đạo nhà trường, bạn đồng nghiệp “mở lời” thì các giáo viên bộ môn không nỡ chối từ và “mở rộng hải hà” giúp các em bằng “tình thương mến thương”…
Khi đã “xong xuôi” công việc, các em cầm học bạ và ghi danh xét tuyển ở những trường đại học có hội đủ các yêu cầu về học lực, hạnh kiểm…
Rồi các em cũng vào học đại học như ai, cũng “sánh vai” cùng các bạn khác ở khắp mọi miền đất nước.
Nhưng thời gian đã sàng lọc tất cả với sự nghiêm khắc của nó! Có nhiều em theo học không nổi, phải nghỉ giữa chừng, bỏ phí biết bao thời gian, tiền bạc và công sức…
Có em đành phải trở về nhà, đợi một năm sau sẽ ôn thi thực chất, chứ không ham kiểu xét học bạ “đẹp”, học bạ ảo như thế này vừa tốn tiền học phí vừa mất thời gian.
Đúng là “thương nhau như vậy bằng mười hại nhau”!