LTS: Nhìn lại năm 2016, ngoài những tấm gương xuất sắc trong ngành giáo dục thì đâu đó vẫn còn những cái tên bị dư luận lên án.
Thầy giáo Nguyễn Cao có tổng kết những Hiệu trưởng gây xôn xao trong dư luận trong năm qua.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Ở bất kì một đơn vị trường học nào thì vai trò của Hiệu trưởng cũng vô cùng quan trọng.
Nếu như người Hiệu trưởng có tâm, có tầm, biết cống hiến và phấn đấu vì sự nghiệp chung của ngành, của trường thì sẽ nâng được uy tín, vị thế, danh dự đơn vị và cho địa phương sở tại.
Ngược lại, nếu như những Hiệu trưởng chỉ biết lo lợi ích cho bản thân, chỉ biết sống cho mình thì không chỉ tự làm mất uy tín của cá nhân mà làm liên lụy đến đơn vị và địa phương.
Trong bài viết này, chúng tôi xin điểm lại một số Hiệu trưởng “đình đám” đã được báo chí “quan tâm” nhiều trong năm 2016.
Và, chính họ - những người đã và đang làm cho bức tranh của ngành giáo dục thêm xấu xí. Tiếc rằng, họ lại là những người đang đứng đầu một đơn vị giáo dục.
Tháng 4/2016, Công an huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết đã tiếp nhận đơn của ông Lê Văn Sum (sinh năm 1970, ngụ ấp Mỹ Tân, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) tố cáo việc con gái của ông bị thầy Trần Văn Toàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học C xã Vĩnh Phú Đông sàm sỡ ngay tại trường.
Ngôi trường nơi thầy Trần Văn Toàn có hành vi sàm sỡ học sinh. (Ảnh: baodatviet.vn) |
Sự việc này được em Lê Thị Anh T (11 tuổi), nữ sinh lớp 5B (con gái của ông Sum) kể lại:
“Em đã hai lần bị thầy hiệu trưởng có hành động khó hiểu, một lần trong nhà vệ sinh của trường và lần khác bị thầy hiệu trưởng ôm lúc đó em rất sợ và vùng vẫy chạy ra nhưng thầy đã kéo em lại và sờ vào những vùng nhạy cảm của em”.
Và, hành động này đã được em N.T.M.E dùng điện thoại ghi lại.
Dư luận cả nước đã có một thời gian “dậy sóng” về việc cô Nguyễn Thị Kim Liên, Hiệu trưởng của trường Tiểu học Phù Ninh – Phú Thọ xuất hiện trong chương trình "Ai là triệu phú?", phát sóng tối ngày 14/6/2016, đã khiến nhiều khán giả xem truyền hình bất ngờ bởi vì cô hiệu trưởng trả lời 8 câu hỏi thì 4 câu phải nhờ… trợ giúp.
Trong đó, có câu cô trả lời "Nghĩa trang Hàng Dương nằm ở Quảng Trị"! Sự đúng, sai của một chương trình giải trí của đài truyền hình không có gì ghê gớm nhưng có điều trước khi chương trình bắt đầu, cô hiệu trưởng đã khoe thường xuyên đạt các giải nhất và 'ít nhì' trong các cuộc thi từ tiểu học, đến cao học, thi về quản lý...
Có điều, với một Hiệu trưởng “liên tục giỏi” như thế mà không trả lời được một số câu hỏi cơ bản trong phần đầu của chương trình thì dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về kiến thức của vị Hiệu trưởng này có thực sự “giỏi” và có nhất thiết phải cần khoe nhiều thế không?
Đã điều chuyển ông hiệu trưởng 30 năm “độc quyền” đi trường khác |
Dư luận cũng chưa quên sự việc ông Phan Văn Hưng vẫn tự nhận mình có học hàm là giáo sư, học vị là Tiến sĩ và là hiệu trưởng của Học viện Kinh tế Sáng tạo ở Hà Nội.
Nhưng, với hành động đứng lên bàn (cho dù là bàn của mình), chống nạnh, chỉ trỏ và xưng hô “mày – tao” với học viên được xem là hành động phản cảm nhất trong năm vừa qua.
Và, người “Hiệu trưởng” này cũng đã trở thành đề tài khai thác liên tục cho hàng loạt các tờ báo trong một thời gian dài.
Ngoài những Hiệu trưởng được báo chí “quan tâm” nhiều như đã liệt kê ở trên thì trong năm 2016 cũng đã có hàng loạt các Hiệu trưởng được nhiều tờ báo chỉ tên, điểm mặt về những vi phạm như thầy Hiệu trưởng độc quyền 30 năm ở Cà Mau;
Chuyện một nữ Hiệu trưởng vi phạm trong thu chi “bị” kỉ luật là… điều chuyển về Phòng giáo dục ở Nghệ An;
Chuyện một nữ Hiệu trưởng hai lần vi phạm trong thu chi của đơn vị được điều chuyển đi làm Hiệu trưởng… ở một trường khác ở Quảng Trị…
Chúng ta biết rằng ngành giáo dục là ngành đào tạo con người.
Dù cho năm 2016 đi qua ngành đã có nhiều những điểm sáng nhưng vẫn có những mảng tối mà ở đó là sự vô tình hoặc cố ý mà nhiều thầy cô giáo đã gây nên. Trong đó, có cả những Hiệu trưởng nhà trường!
Hi vọng, bức tranh của ngành giáo dục năm 2017 sẽ là những gam màu sáng.
Và, những hiệu trưởng nhà trưởng thực sự là những người dẫn dắt, là linh hồn cho mỗi đơn vị trường học phát triển.