Những học trò nghèo của tôi ngày ấy và bây giờ…

11/02/2019 07:08
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Trong chặng đường 23 năm gắn bó với ngôi trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng tôi luôn cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào về các thế hệ học trò của mình.

Tính đến nay, tôi đã có 23 năm gắn bó với Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi).

Đối với tôi, 23 năm ấy biết bao nhiêu kỷ niệm, ân tình với nhà trường, đồng nghiệp, đặc biệt với các thế hệ học trò thân yêu.

Mặc dù chất lượng đầu vào của trường tôi không cao, có nhiều học sinh học yếu, đạo đức sa sút trong chặng đường 26 năm hình thành và phát triển nhưng tôi luôn cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào về các thế hệ học trò của mình.

Sau khi rời mái trường, các em tiếp tục học đủ mọi ngành nghề và bước vào công việc, cuộc sống với những cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ.

Nhiều học trò của tôi giờ đã gặt hái được những thành công nhất định và làm được những việc rất có ý nghĩa.

Những học trò nghèo của tôi ngày ấy và bây giờ… ảnh 1Lớp học đặc biệt của thầy giáo quân hàm xanh ở Sóc Giang

Đó là em Từ Tấn Phúc, hiện là giáo viên, môn Hóa học, Trường trung học phổ thông Võ Nguyên Giáp, thành phố Quảng Ngãi.

Phúc là học sinh nhà nghèo, chăm ngoan, học giỏi nhất lớp, nhất trường niên khóa 1995-1998.

Năm 1997, tôi từng có bài viết giới thiệu về em, một tấm gương “nhà nghèo, học giỏi” trên báo, đài phát thanh của tỉnh Quảng Ngãi.

Tốt nghiệp Đại học sư phạm Quy Nhơn năm 2002, em Phúc được tổ chức phân công về giảng dạy tại Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, ngôi trường cũ mà em từng học bậc trung học phổ thông.

Với bản tính chăm chỉ, cần cù, năng động, sáng tạo, em nhanh chóng trở thành một giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh được đồng nghiệp tin tưởng, học sinh quý mến.

Là thành viên của tổ nghiệp vụ bộ môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, em Phúc có nhiều đóng góp cho hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Hóa học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Nhiều năm liền, thầy giáo Từ Tấn Phúc được Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

Thầy Phúc rất mãn nguyện và tự hào khi được tiếp tục sự nghiệp trồng người cùng các thế hệ thầy cô giáo ở Trường Huỳnh Thúc Kháng.

Em Lâm Đình Hiếu, hiện là thượng úy, trạm trưởng trạm Nghĩa An, thuộc đồn biên phòng Sa Kỳ (Quảng Ngãi).

Hiếu học niên khóa 1996-1999, tôi chủ nhiệm em hai năm lớp 10 và 11.

Tôi giao cho em nhiệm vụ là lớp trưởng. Có những lúc, Hiếu mắc lỗi, quản lý lớp chưa tốt, từng bị tôi cho ăn roi.

Hiếu phải đi xe đạp cà tàng, hay đóng trễ học phí, không có tiền ăn trưa, phải chịu nhịn đói những ngày học 2 buổi.

Cảm phục về ý chí, nghị lực của em trong học tập và vào quân ngũ vừa làm tròn trách nhiệm người línhm, vừa tranh thủ thời gian ôn tập thi vào ngành sĩ quan biên phòng.

Hiếu ra trường, hết xông pha ở cảng Sa Kỳ, lại “chinh chiến” tại đất đảo Lý Sơn, rồi can trường nơi biển cảng Dung Quất, Nghĩa An.

Cô giáo kể niềm vui khi dạy trẻ 2 năm một lớp

Vì tính chất công việc của người lính biên phòng nên thi thoảng em mới có ngày nghỉ về thăm vợ con.

Các con thơ ở quê đều do vợ chăm nom, anh rất thương và thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của vợ mình.

Đồng đội đánh giá cao năng lực làm việc, tác chiến của thượng úy Hiếu. Bạn bè các lớp thời học phổ thông thì ghi nhận Hiếu là một người bạn chí tình, chí nghĩa, luôn hết lòng vì bạn bè, thầy cô giáo.

Tôi quen sao được em Nguyễn Hồng Tịnh, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em.

Khi học phổ thông, em chỉ có một bộ đồ duy nhất, lâu ngày chiếc áo trắng ngả màu, lên phong kim chi chít.

Khi học đại ở Sài Gòn, Tịnh phải bươm chải làm nhiều nghề để có tiền trang trải học phí, ăn uống, chi tiêu hằng ngày.

Sau mấy năm đi làm thuê, năm 2009, em mạnh dạn mở công ty riêng chuyên cung cấp thiết bị và thi công về lĩnh vực điện lạnh với số vốn ít ỏi, phải đi vay đi mượn đủ người.

Buổi ban đầu đầy gian khó dần qua đi, công ty của em dần dần ổn định và phát triển tốt, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn chục công nhân.

Có cuộc sống tốt, em sống thơm thảo, nghĩa tình với hàng xóm láng giềng ở ấp Lân Tây, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tịnh còn là người khởi động và có đóng góp lớn giúp hàng chục hộ dân ở cận kề nhà em có đoạn đường bê tông sạch sẽ, cao ráo thay thế cho đoạn đường thấp, đầy bùn nước trước đây.

Nơi nào có khó khăn, người nào cần giúp đỡ, ủng hộ, em Tịnh luôn sẵn lòng.

Các thế hệ học sinh Trường Huỳnh Thúc Kháng thường nhắc đến em với tình cảm khâm phục, ngưỡng mộ về ý chí, nghị lực cũng như sự năng động, giỏi giang trong học tập trước đây và công việc làm ăn sau này.

Nguyễn Hồng Tịnh, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (đứng bên trái). Ảnh: tác giả cung cấp
Nguyễn Hồng Tịnh, quê ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (đứng bên trái). Ảnh: tác giả cung cấp

Đỗ Văn Cường, sinh năm 1981, học trò cũ của tôi giảng dạy và chủ nhiệm niên khóa 1996-1999, từng học hóa dầu, rồi đi làm công ty sản xuất xăng E5 ngoài khu kinh tế Dung Quất.

Khi điều kiện kinh tế gia đình và bản thân vững vàng, dư giả, em chuyên đi làm từ thiện giúp đỡ bà con, học sinh nghèo vùng cao, nơi bị bão lụt tàn phá.

Tháng 7/2017, thầy và trò chúng tôi có chuyến đi ủng hộ học sinh nghèo tại Trường trung học cơ sở Sơn Tinh, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) với 150 xuất quà (gồm vở và bút bi), riêng Cường đóng góp 7 triệu đồng.

Tết trung thu năm nay, em bỏ ra 20 triệu đồng cho hàng ngàn thiếu nhi nghèo ở một số huyện thuộc Quảng Ngãi có những xuất quà trung thu thơm ngon, ấm áp, ý nghĩa.

Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 12, nhiều vùng ở Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng, em cùng với các Mạnh Thường Quân ở đây và ngoại tỉnh đóng góp, mua mấy tấn gạo đến các xã ở huyện Bình Sơn, phối hợp chính quyền xã cấp phát cho hàng trăm hộ dân nghèo có cái ăn, sớm thoát khỏi cơn bỉ cực.

Tính đến nay, cá nhân em Đỗ Văn Cường đã chi ra gần trăm triệu đồng từ thu nhập của mình để làm thiện, giúp đỡ người nghèo khổ nơi này.

Đỗ Văn Cường đi làm từ thiện ở Bình Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Đỗ Văn Cường đi làm từ thiện ở Bình Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Nơi nào có khó khăn, thiên tai là có tình thường, tấm lòng của em đến sẻ chia, hỗ trợ.

Từ lâu, mọi người ở đây đã dành cho em biệt hiệu đáng quý: “Cường từ thiện”.

Em bộc bạch với tôi: “Nếu có điều kiện, em sẽ làm từ thiện suốt đời”.      

SÔNG TRÀ