Những tiết học lịch sử lý thú ở bảo tàng

13/01/2019 07:27
An Nguyên
(GDVN) - Thông qua hiện vật độc đáo, học sinh được tiếp cận với những di sản văn hóa, nghệ thuật độc đáo, gắn liền với cuộc sống của người dân hàng trăm năm trước.

Để tránh con số thống kê khô khan, những trận đánh, chiến dịch trên bàn giấy, những giáo viên bộ môn Lịch sử ở Đà Nẵng đã đưa học sinh đến với bảo tàng.

Nơi các em được tận mắt chứng kiến những hiện vật, những di sản gắn liền với từng cuộc chiến, từng nét văn hóa tồn tại suốt hàng trăm năm qua... để vừa học, vừa tham quan.

Đến bảo tàng học Lịch sử

Ở Đà Nẵng có hai bảo tàng lớn luôn thu hút học sinh đến ngoại khóa là Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng điêu khắc Chăm.

Học sinh hứng thú với những tiết học lịch sử ở bảo tàng. Ảnh: AN
Học sinh hứng thú với những tiết học lịch sử ở bảo tàng. Ảnh: AN

Vừa tham gia một buổi học về lịch sử của vùng đất Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng) xưa tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, em Nguyễn Ngọc Linh (học sinh lớp 7 trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo) hào hứng khoe:

“Chúng em được cô hướng dẫn tìm hiểu về các di tích Chăm, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia cũng được trưng bày tại đây như: Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1 và Đài thờ Trà Kiệu.

Tất cả những bảo vật này đều rất tinh xảo, nó là di sản độc đáo của con người xứ này từ cả ngàn năm trước. Được xem tận mắt, sờ tận tay những bảo vật này sẽ giúp chúng em có hứng thú tìm hiểu hơn về lịch sử vùng đất mà mình sinh sống.

Dạy Lịch sử, phải sáng tạo

Nếu cứ đọc sách giáo khoa hay qua những bài giảng của cô thầy thì cũng không thể hình dung hết sự kỳ vĩ của nền văn minh một thời”.

Cũng như Linh, nhiều học sinh khối 7 của trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo cũng hứng thú với tiết học lịch sử độc đáo, kỳ thú này.

Các em còn tranh luận với nhau về sự ra đời của các cổ vật, cách tạo dựng nên chúng, tại sao chúng lại có thể tồn tại qua hàng ngàn năm, trước nắng mưa của lịch sử...

Những kiến thức ấy được các bạn tiếp nhận một cách hứng thú, không còn khô cứng và “khó nhằn” như những trang sử trong sách.

Để tạo niềm đam mê, yêu thích học Lịch sử cho học sinh, nhà trường còn phối hợp với Bảo tàng tổ chức các trò chơi dân gian, lồng ghép vào đó là những bài học về văn hóa, lịch sử. 

“Đến bảo tàng, chúng em được chơi trò chơi ‘con số may mắn’. Theo đó, những lớp nào chọn phải những con số không may mắn thì sẽ phải trả lời những câu hỏi liên quan đến các sự kiện lịch sử cũng như các hiện vật có trong bảo tàng.

Nó đòi hỏi chúng em phải nắm vững kiến thức mới có câu trả lời chính xác”, em Nguyễn Thùy Trang (học sinh trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo) chia sẻ.

Ngoài những trò chơi dân gian của người Chăm xưa như: đội nước lên đầu, hứng bóng... thì những câu chuyện thần thoại bằng phim hoạt hình cũng giúp các em cũng cố những kiến thức lịch sử.

Tại bảo tàng Đà Nẵng, hầu như tuần nào cũng có các đoàn học sinh từ các trường trên địa bàn đến ngoại khóa, tham quan các dấu tích của đất nước qua ngàn năm.

Những bức phù điêu được khắc chạm tinh tế “tái hiện” lại truyền thuyết con rồng cháu tiên hay những hình ảnh về các làng nghề thủ công tiêu biểu của Đà Nẵng đã tồn tại qua nhiều đời nay.

Phương pháp và kỹ thuật nào để dạy tốt môn Lịch sử?

Em Trần Đình Gia Bảo (học sinh trường trung học phổ thông Trần Phú) chia sẻ: “Mỗi phòng, mỗi tầng của bảo tàng Đà Nẵng là một câu chuyện lý thú về một thời kỳ của lịch sử.

Ở đây, những câu chuyện lịch sử được kể bằng tranh rất sinh động. Đó là bức tranh về Đà Nẵng thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay Đà Nẵng trong những năm đầu phát triển”.

Theo Bảo tàng Đà Nẵng thì hàng năm, đơn vị sẽ giới thiệu đến các trường học những nội dung dự kiến trưng bày để học sinh đăng ký tham gia học ngoại khóa.

Những câu chuyện về lịch sử như vậy sẽ được truyền tải một cách sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn hơn.

Hoàng Sa qua những câu chuyện bằng tranh, bản đồ

Ngoài hai bảo tàng nói trên thì nhà trưng bày Hoàng Sa nằm bên bờ Biển Đông cũng là nơi các trường học thường xuyên đưa học sinh đến ngoại khóa.

Học sinh Đà Nẵng tìm hiểu lịch sử trong một lần triển lãm ở nhà trưng bày Hoàng Sa.
Học sinh Đà Nẵng tìm hiểu lịch sử trong một lần triển lãm ở nhà trưng bày Hoàng Sa.

Ở đây, các em sẽ có một cái nhìn xuyên suốt về lịch sử đấu tranh, gìn giữ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) qua các thời kỳ từ thời chúa Nguyễn đến hiện đại.

Tới đây, nhân 45 năm sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề "nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn hiện nay".

Cô giáo Liệu, người truyền cảm hứng cho học sinh yêu môn Lịch sử

Đại diện ban tổ chức hy vọng hội thảo sẽ góp phần làm cho công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức chủ quyền, thực trạng chủ quyền và bảo vệ chủ quyền trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong thời gian đến được hiệu quả hơn.

Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Huệ đánh giá  những buổi học ngoại khóa Lịch sử ở bảo tàng đã phát huy nhiều tác dụng.

Những kiến thức về lịch sử đã được truyền đạt đến các em một cách lý thú, tạo sự hứng khởi cho học sinh khi học bộ môn Lịch sử, một môn học lâu nay vẫn được đánh giá là khô cứng.

An Nguyên