Những trăn trở của người thầy trong bối cảnh đổi mới

20/11/2022 06:41
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong ba đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, nhất là trong bối cảnh đổi mới, phát triển và hội nhập đất nước, chúng ta cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Việt Nam là “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.”

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang về sứ mệnh của giáo dục cũng như những định hướng phát triển giáo dục trong bối cảnh đổi mới.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: Doãn Nhàn)

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, trong dịp lễ đặc biệt – ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy có chia sẻ gì về sứ mệnh của giáo dục và đào tạo?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh: Ngược dòng lịch sử nước ta hơn 950 năm trước (1070), Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng và người học trò đầu tiên chính là Hoàng thái tử, sau này là Vua Lý Nhân Tông – người tiếp tục hoàn thiện Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây được xem là trường đại học đầu tiên của Đại Việt, là cái nôi đào tạo cho đất nước nhiều bậc quân vương, quan lại tài giỏi, yêu nước, thương dân, góp phần quan trọng tạo nên một Đại Việt hùng cường với các triều đại lẫy lừng như nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê …

Đúng 120 năm trước (1902), Trường Đại học Y Hà Nội được xây dựng do công đầu của bác sĩ Alexandre Yersin, một học trò xuất sắc của nhà bác học lừng danh Louis Pasteur. Đây cũng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam ở thời hiện đại, mở ra nền giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho nước nhà trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.

Sau đó 5 năm (1907), Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được cụ Phan Châu Trinh cùng một số sĩ phu yêu nước thành lập với hiệu trưởng là nhà giáo dục Lương Văn Can. Mục tiêu của trường là bỏ lối học từ chương, du nhập những tư tưởng tiến bộ mới, phát triển văn hóa, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục, báo chí, tuyên truyền, đồng thời kêu gọi chấn hưng thực nghiệp, phát triển công thương…

Đặc biệt, học sinh học ở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục không phải mất tiền mà xã hội sẽ chung tay đóng góp để nuôi dạy những nhân tài tương lai cho đất nước. Từ đây, phong trào “khai dân trí”, “chấn dân khí”, “hậu dân sinh” và “giành dân quyền” được ra đời và ngày càng phát triển.

Vào năm 1945, sau khi nước nhà giành được độc lập trong bối cảnh còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tổ chức phong trào “bình dân học vụ” nhằm xóa mù chữ cho đa số người dân Việt Nam. Chưa đầy một năm sau, hàng triệu người dân Việt đã được xóa mù chữ, mở đầu cho việc “khai dân trí”.

Song song đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới lãnh đạo nước nhà đã tập trung vào công tác giáo dục “chấn dân khí” với việc đề ra tư tưởng “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết…”, “đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, …. Từ đó tinh thần đoàn kết, bất khuất, tự lực tự cường, lòng yêu nước của nhân dân được dâng cao. Nhờ đó quân dân Việt Nam với sự hỗ trợ của các nước anh em đã đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.

Đúng 40 năm trước (1982), sau 7 năm đất nước được thống nhất, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, ngày 20/11 hàng năm được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chọn là ngày lễ mang tên “ngày Nhà giáo Việt Nam”. Điều này cho thấy giáo dục tiếp tục được coi trọng với sứ mệnh thiêng liêng, là quốc sách hàng đầu!

Giáo dục và đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Giáo dục và đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu. (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay, hơn bao giờ hết, giáo dục có vai trò cực kỳ quan trọng với sứ mệnh giúp cho từng con người phát triển nhân cách hài hòa, đồng thời giúp xã hội phát triển bền vững. Cụ thể là:

Phát triển cá nhân: Giáo dục giúp mọi công dân nói chung và người học nói riêng hướng đến làm người tốt toàn diện, có tình người, có trí tuệ sáng suốt, có sức khỏe thể chất - tinh thần và nghị lực mạnh mẽ; làm nghề giỏi phù hợp với bản thân để tạo kế sinh nhai, thể hiện trách nhiệm với gia đình và góp phần phục vụ xã hội.

Phát triển xã hội: Giáo dục giúp “khai dân trí”, “chấn dân khí”, nâng cao đạo đức, sức khỏe, nghị lực, trí tuệ cho công dân, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; cung cấp nhân lực, sản phẩm khoa học công nghệ cho xã hội; hội nhập quốc tế phù hợp với xu thế thời đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, độc lập tự chủ của các dân tộc nhằm không ngừng xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, tiến bộ.

Thưa thầy, trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt chúng ta đang trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, rất nhiều thách thức đặt ra với toàn ngành, thầy có kiến nghị gì cho con đường phát triển giáo dục hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh: Về giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh phổ thông các cấp. Cách tiếp cận này rất phù hợp trong thời đại ngày nay, cũng là cụ thể hóa Nghị quyết số 29 của Trung ương.

Tuy nhiên hệ thống các giải pháp bước đầu xem ra chưa được đồng bộ. Chương trình đã được triển khai mấy năm rồi nhưng đội ngũ giáo viên nhìn chung chưa được chuẩn bị kỹ, chưa sẵn sàng chuyển sang giảng dạy theo hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực thay cho hướng tiếp cận nội dung như chương trình cũ trước đây. Điều này có nguyên nhân do công tác bồi dưỡng trước mắt và công tác đào tạo có tính căn cơ, chiến lược còn bất ổn.

Một trong những giải pháp chiến lược được triển khai nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên đủ phẩm chất và năng lực để tham gia chương trình giáo dục phổ thông mới là Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 năm 2020. Điểm nhấn của Nghị định này là ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên ngành sư phạm, với điều kiện sau này tốt nghiệp, các em công tác trong ngành giáo dục. Thành công bước đầu của chính sách này đã thấy rõ qua thực tiễn khi nhiều sinh viên giỏi đăng ký vào ngành sư phạm…

Ước tính chi phí ngân sách nhà nước đầu tư cho mỗi sinh viên từ lúc học đến khi tốt nghiệp là khoảng 200 triệu đồng. Theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29 tháng 04 năm 2016 của Chính phủ thì cần đào tạo khoảng 130.000 giáo viên thay thế giáo viên nghỉ hưu và đào tạo tăng thêm khoảng 60.000 giáo viên. Như vậy ước tính chi phí cho việc đào tạo khoảng 190.000 giáo viên này từ ngân sách nhà nước nhằm phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị định 116 là khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Nếu chia bình quân cho 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) thì mỗi tỉnh cần hơn 500 tỷ đồng cho công tác này. Một con số không hề nhỏ với các địa phương, nhất là những tỉnh còn nhiều khó khăn.

Qua hai năm triển khai theo Nghị định 116, thực tế cho thấy đa số sinh viên sư phạm học ở các trường đại học, cao đẳng tại các địa phương chưa nhận được sinh hoạt phí. Phải chăng nguyên nhân chính do các địa phương chưa sẵn sàng hay chưa thể cân đối nguồn ngân sách của tỉnh để chi cho hoạt động này?

Với tầm quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới nói riêng và sứ mệnh giáo dục nước nhà nói chung, nên chăng các cấp có thẩm quyền cần cân đối nguồn ngân sách Trung ương để phân bổ trọn gói, đầu tư cho nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm tổng chỉ tiêu đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 nên cần nắm tổng ngân sách trọn gói này và phân phối lại nhanh chóng cho các tỉnh. Điều này cũng sẽ giúp Bộ thuận lợi trong việc điều phối giáo viên (được đào tạo theo Nghị định 116) từ tỉnh này sang tỉnh khác nhằm góp phần khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như lâu nay.

Về phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tự chủ đại học thực chất đang là điểm nghẽn mà nguyên nhân chính là do thể chế còn bất cập, chồng chéo giữa các luật. Vì vậy các cấp có thẩm quyền cần có giải pháp hiệu quả hơn để sớm hoàn thiện thể chế, đảm bảo cơ chế tự chủ đại học được thực thi một cách thông thoáng, thực chất, tạo điều kiện cho nền giáo dục đại học của Việt Nam sớm cất cánh…

Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp cần phát triển song hành với tác động tương hỗ lẫn nhau và chỉ nên do một bộ quản lý để hệ thống giáo dục nước nhà được thống nhất. Giáo dục nghề nghiệp cũng cần sớm được tự chủ thực chất. Thực hiện cơ chế tự chủ nhưng nhà nước cũng cần phải cân đối nguồn lực công để tăng cường đầu tư công cho các loại trường này.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đang hướng tới mục tiêu học tập suốt đời, cá nhân hóa giáo dục, phát triển con người. Thầy có chia sẻ gì về điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh: Trong thời đại công nghiệp 4.0, tri thức, công nghệ, kỹ năng, việc làm, … thay đổi rất nhanh. Vì vậy, để thích ứng tốt thì con người cần có năng lực tự học và có ý thức học suốt đời để không ngừng hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu công việc thay đổi. Do đó, nền giáo dục phải hướng đến cá nhân hóa. Điều này cũng rất thuận lợi trong thời đại ngày nay khi công nghệ số ngày càng phát triển, con người với năng lực tự học tốt có thể học tập mọi lúc, mọi nơi …

Khoa học cho thấy từ lúc được thụ thai cho đến trước khi chào đời, thai nhi lúc còn trong bụng mẹ chịu ảnh hưởng từ sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của bố mẹ, đặc biệt là tâm trạng, tình cảm của mẹ bé và môi trường xung quanh như dinh dưỡng, không khí, âm nhạc, tình thương, … Vì vậy ngành giáo dục, y tế và gia đình, xã hội cần phối hợp tích cực nhằm xây dựng chương trình quốc gia áp dụng thai giáo phù hợp trên diện rộng để khi sinh ra, các bé có được sức khỏe thể chất, trí tuệ, tinh thần tốt. Từ đó nhân cách của bé sẽ phát triển thuận lợi hơn khi bé lớn lên.

Mục tiêu vào khoảng năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là khát vọng của cả dân tộc ta! Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã và đang chủ trương đẩy mạnh “chấn dân khí” thông qua lời hiệu triệu “Nâng cao ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” nhằm khích lệ mọi người dân Việt cùng nỗ lực vượt khó, vươn lên.

Giáo dục đại học và nghề nghiệp trong 5-10 năm tới sẽ đào tạo ra làn sóng nhân lực chất lượng cao thứ nhất, trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển đất nước trên bước đường tiến đến đài vinh quang. Giáo dục phổ thông trong 10-20 năm tới, cùng với giáo dục đại học và nghề nghiệp tiếp nối sẽ đào tạo ra làn sóng nhân lực chất lượng cao thứ hai để tiếp tục đưa đất nước chạm đến đài vinh quang. Chương trình thai giáo sẽ cho thấy giá trị sau 20 năm nữa, góp phần quan trọng để đào tạo nên làn sóng nhân lực chất lượng cao thứ ba, tiếp tục giúp đất nước giữ vững đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu một cách bền vững.

Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, cũng là một trong ba đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đầu tư cho giáo dục và khoa học là đầu tư phát triển nên cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đào tạo và triển khai thực hiện với tinh thần quyết liệt và trách nhiệm hơn!

Trân trọng cảm ơn thầy!

Nguyên Phương