Những trăn trở về giáo dục cho học sinh nông thôn của chàng trai trẻ

19/06/2023 06:40
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp vào nỗ lực rút ngắn khoảng cách trong cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cho mọi trẻ em” - Đức Anh khẳng định.

Phạm Nguyễn Đức Anh hiện là giáo viên ngoại khóa bộ môn tiếng Anh kết hợp nhóm kỹ năng thế kỷ 21 tại Trường Trung học cơ sở Quế An, xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam theo Chương trình Phát triển Nhà giáo dục tiên phong của doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận Giảng dạy vì Việt Nam (Teach For Viet Nam).

Chàng trai trẻ dành sự quan tâm đặc biệt tới các vấn đề bất bình đẳng và thiếu dung hợp trong môi trường giáo dục, đặc biệt là việc cải thiện điều kiện học tập và tiếp cận tri thức của học sinh ở khu vực nông thôn.

Đức Anh sinh năm 1998 tại tỉnh Bình Định, tốt nghiệp loại giỏi ngành Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2018, anh là đại biểu Việt Nam trẻ tuổi nhất trong 28 thành viên được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tuyển chọn để tham gia chuyến hải trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản lần thứ 45 (SSEAYP).

Anh cũng góp mặt trong nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế và từng là sinh viên trao đổi tại Đại học Quốc gia Singapore. Mới đây, Đức Anh đã trở thành diễn giả tại buổi diễn thuyết TEDx “THE RIPPLE EFFECT: Diversity of Impact" được tổ chức bởi Swinburne Việt Nam tại Đà Nẵng.

Phạm Nguyễn Đức Anh là giáo viên ngoại khóa bộ môn tiếng Anh kết hợp nhóm kỹ năng thế kỷ 21 tại Trường Trung học cơ sở Quế An, xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phạm Nguyễn Đức Anh là giáo viên ngoại khóa bộ môn tiếng Anh kết hợp nhóm kỹ năng thế kỷ 21 tại Trường Trung học cơ sở Quế An, xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Công việc của một thầy giáo trẻ

Sau khi tốt nghiệp đại học, bỏ lại nhiều cơ hội công việc tại thành phố, Đức Anh đăng ký tham gia chương trình Phát triển Nhà giáo dục tiên phong mùa thứ 6 (2022 - 2024) của doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận Giảng dạy vì Việt Nam (Teach For Viet Nam).

Chương trình tuyển chọn những bạn trẻ tốt nghiệp từ nhiều lĩnh vực để tham gia giảng dạy tại các trường công lập ở khu vực nông thôn và thực hiện dự án cộng đồng tại địa phương trong vòng hai năm.

Khi trúng tuyển, các bạn trẻ tham gia chương trình, còn được gọi là fellow, sẽ được đào tạo nghiệp vụ sư phạm và các năng lực tổng hợp khác để đủ điều kiện đứng lớp. Sau đó, các fellow sẽ được lựa chọn hoặc phân công giảng dạy một trong hai môn: Tiếng Anh kết hợp nhóm kỹ năng thế kỷ 21 hoặc STEM.

Giảng dạy vì Việt Nam là thành viên độc lập của mạng lưới giáo dục toàn cầu Teach For All gồm 61 quốc gia. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung là xóa bỏ bất bình đẳng giáo dục và xây dựng nền giáo dục hoàn thiện cho trẻ em trên toàn thế giới.

Thầy giáo Đức Anh và các em học sinh lớp 6 của Trường Trung học cơ sở Quế An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy giáo Đức Anh và các em học sinh lớp 6 của Trường Trung học cơ sở Quế An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Thêm, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quế An cho biết, năm học 2022 - 2023 là năm thứ ba chương trình Giảng dạy vì Việt Nam được triển khai tại trường.

Thầy Thêm nhận thấy chương trình có nhiều ưu điểm bởi nội dung giảng dạy phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các học sinh của trường cũng thể hiện sự thích thú đặc biệt với lớp học của các fellow.

Năm học đầu tiên khi trở thành fellow, Đức Anh phụ trách giảng dạy môn Tiếng Anh ngoại khóa cho 4 lớp khối 6, 7 và 8 tại Trường Trung học cơ sở Quế An. Sĩ số mỗi lớp từ 25 đến 38 em học sinh.

Nội dung của mỗi buổi học do anh tự biên soạn, bám sát khung chương trình sẵn có mà Giảng dạy vì Việt Nam thiết kế, đặc biệt tập trung vào hai kỹ năng Nghe và Nói.

Đức Anh cũng giúp học sinh làm quen các nhóm kỹ năng thế kỷ 21 như: đặt mục tiêu, cách ghi chú, cách làm việc, thảo luận nhóm hay cách thuyết trình bằng tiếng Anh.

Mang theo rất nhiều kỳ vọng khi xây dựng chương trình, nhưng trong quá trình triển khai, Đức Anh gặp phải muôn vàn áp lực, đôi lúc muốn dừng lại.

Việc sử dụng tiếng Anh là công cụ chính giúp học sinh phát triển các nhóm kỹ năng khác, tuy nhiên, nhiều khi năng lực ngoại ngữ của các em chưa đủ để triển khai những hoạt động này.

“Những ngày bắt đầu tham gia, công việc không hề dễ dàng và ngập tràn màu hồng như tôi từng tưởng tượng. Tưởng rằng với hừng hực sức trẻ, tôi sẽ được vận dụng và chia sẻ thật nhiều kiến thức và kinh nghiệm mà bản thân đã tích góp suốt thời sinh viên, nhưng thực tế đã khiến tôi có chút hụt hẫng.

Công việc dạy tôi phải học cách kiên nhẫn, bao dung với cả bản thân và cộng đồng, phải chủ động quan sát và giao tiếp với các bên nhiều hơn để thấu hiểu. Tôi cần phải trở thành một phần của cộng đồng trước khi có thể thay đổi điều gì đó ở nơi đây”, Đức Anh trải lòng.

Cùng với các hoạt động giảng dạy trên lớp, anh cùng các fellow khác tại khu vực huyện Quế Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động bổ ích: trải nghiệm lễ Halloween, cuộc thi đố vui, giao lưu với diễn giả, hoạt động hướng nghiệp cho học sinh khối 8.

Đức Anh làm MC tại sự kiện Olympic Tài năng tiếng Anh (OTE) cấp huyện do Phòng Giáo dục và Đào tạo Quế Sơn, tháng 2/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Anh làm MC tại sự kiện Olympic Tài năng tiếng Anh (OTE) cấp huyện do Phòng Giáo dục và Đào tạo Quế Sơn, tháng 2/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Phạm Thêm cũng chia sẻ, Đức Anh là gương mặt MC quen thuộc trong nhiều chương trình ngoại khoá không chỉ ở trường Quế An mà còn rất “nổi tiếng” ở huyện Quế Sơn.

Sự tự tin, năng lượng cùng những trải nghiệm, vốn sống phong phú khiến cho các giáo viên, học sinh và cả phụ huynh của trường đều rất yêu quý anh.

Vào tháng 4/2023, Đức Anh cùng các đồng đội công tác cùng trường đã tổ chức thành công sự kiện “Định hướng con đường sự nghiệp trong tương lai của bạn: Bắt đầu từ bên trong” cho hơn 60 học sinh khối 8 của Trường Trung học cơ sở Quế An.

Ngoài ra, anh cũng tham gia hỗ trợ cho nhiều sự kiện cộng đồng của các trường khác cùng huyện. Những hoạt động kể trên đã đánh dấu năm đầu tiên đầy màu sắc của Đức Anh tại dải đất miền Trung đầy nắng và gió.

Đức Anh cùng diễn giả và các em học sinh khối 8 của Trường Trung học cơ sở Quế An tại sự kiện hướng nghiệp diễn ra hồi tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Anh cùng diễn giả và các em học sinh khối 8 của Trường Trung học cơ sở Quế An tại sự kiện hướng nghiệp diễn ra hồi tháng 4/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những trăn trở và mong ước xa hơn về giáo dục

Quãng thời gian trưởng thành của Đức Anh đã có nhiều câu chuyện khiến anh dần hình thành suy nghĩ muốn được cống hiến nhiều hơn cho giáo dục, đặc biệt ở những nơi điều kiện còn khó khăn.

Khi Đức Anh học cấp hai, gia đình chuyển từ thành phố Quy Nhơn vào Bình Phước sinh sống. Điều kiện không mấy khá giả nên anh không có cơ hội tiếp xúc với nhiều phương tiện phục vụ học tập hiện đại như các bạn cùng trang lứa.

Lúc đó, cậu bé Đức Anh đặc biệt yêu thích môn tiếng Anh và cũng học rất khá. Vì ở nhà chưa có máy tính nên nhiều hôm, cậu ngồi lì ở quán Internet chỉ để chinh phục hết các vòng thi tự luyện hàng tuần của một cuộc thi tiếng Anh trên mạng.

Nhờ thành tích học tập tốt, Đức Anh thi đỗ thủ khoa đầu vào lớp chuyên tiếng Anh và trở thành học sinh khóa đầu tiên (2013-2016) của Trường Trung học phổ thông chuyên Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Đức Anh là diễn giả tại sự kiện TEDx “THE RIPPLE EFFECT: Diversity of Impact" được tổ chức bởi Swinburne Việt Nam tại Đà Nẵng vào tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Anh là diễn giả tại sự kiện TEDx “THE RIPPLE EFFECT: Diversity of Impact" được tổ chức bởi Swinburne Việt Nam tại Đà Nẵng vào tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuộc sống nội trú trong ngôi trường chuyên mới với nhiều đầu tư về cơ sở vật chất, cũng như được học tập cùng các thầy cô tâm huyết và bạn bè giỏi đã khiến anh có những thay đổi tích cực.

Những năm tháng sinh viên, Đức Anh từng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, trong đó có nhiều chương trình giáo dục hướng tới các bạn học sinh: Dự án chuỗi lớp học kỹ năng “Lá Lá Land” dành cho các em học sinh tại Chùa Lá, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cùng Câu lạc bộ tình nguyện IR4C khoa Quan hệ quốc tế;

Trại hè kỹ năng PYoung Bootcamp tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cùng tổ chức PYoung Education;

Trại hè thể thao dành cho học sinh trung học cơ sở tại xã Vị Thủy, huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cùng tổ chức Coach For College;

Dự án Giáo dục giới tính cho các em học sinh tại Làng trẻ em SOS thành phố Thủ Đức cùng dự án Sex Education For You;

Tình nguyện viên giáo dục của tổ chức ECO Vietnam Group tại thư viện cộng đồng xã Gia Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, lắng nghe nhiều tâm tư, anh nhận ra cuộc sống nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất nhiều hạn chế và nền tảng tri thức chính là chìa khóa có thể giúp cho trẻ em nơi đây mở cánh cửa ngày mai tươi sáng hơn.

Đức Anh tại Tòa nhà xanh Một Liên Hợp Quốc Hà Nội khi tham gia chương trình Room XX - Phiên mô phỏng cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về Nhân quyền vào tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đức Anh tại Tòa nhà xanh Một Liên Hợp Quốc Hà Nội khi tham gia chương trình Room XX - Phiên mô phỏng cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về Nhân quyền vào tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong những tháng ngày sắp rời ghế giảng đường đại học, Đức Anh đã được gợi mở về con đường phía trước.

Hồi đó, giảng viên môn Báo chí và Thông tin đối ngoại trước khi chào tạm biệt lớp đã chia sẻ với Đức Anh và các bạn về quan điểm lựa chọn nghề nghiệp.

Cô đã hỏi rằng các bạn rồi sẽ lựa chọn một công việc nhàn nhã, dễ dàng và kiếm được nhiều tiền, hay sẽ chọn một công việc dù có thể không mang lại nhiều nguồn lực về tài chính nhưng sẽ cho bản thân nhiều trải nghiệm phong phú và bài học quý giá về cuộc sống.

Mỗi khi nhớ lại câu hỏi của cô, Đức Anh như được tiếp thêm động lực cho lựa chọn cuộc sống hiện tại. Anh đã và đang lựa chọn một cuộc sống thật đa màu sắc ở một cộng đồng, một vùng đất mới.

Đó là nơi anh được sống và cống hiến trí lực của mình cùng những người đồng đội chung giá trị và chí hướng: thực hiện hóa hoài bão vì một nền giáo dục hoàn thiện hơn cho mọi học sinh Việt Nam.

Trong một năm trở thành fellow của Giảng dạy vì Việt Nam, Đức Anh cũng nắm bắt cơ hội tham gia thêm một số chương trình ngắn hạn khác, chủ yếu xoay quanh lĩnh vực giáo dục và lãnh đạo trẻ.

Trong những lần vi vu từ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, ngược ra Hà Nội hoặc bay sang Ấn Độ, anh thường nhờ các fellow khác hỗ trợ công việc hoặc lên lớp thay.

Khi trở về, Đức Anh đem những trải nghiệm quý báu đó làm ví dụ cho bài học thêm sinh động, hấp dẫn. Trong bài học về quốc gia trên thế giới, anh trình chiếu những hình ảnh thời sinh viên đi trao đổi tại Đại học Quốc gia Singapore để minh họa.

Hay trong chuyến đi Ấn Độ hồi tháng 12/2022, Đức Anh ghi lại từng khoảnh khắc trong chuyến đi và gửi trực tiếp trong nhóm chat của lớp.

Từ lúc tại sân bay, khi đến nơi nghỉ, gặp gỡ bạn bè quốc tế và các hoạt động trong chương trình. Các em học sinh tỏ ra vô cùng hào hứng vì cảm giác như được đi du lịch trực tuyến cùng thầy giáo.

Đức Anh tại Ấn Độ khi tham gia chương trình UNLEASH India vào tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Anh tại Ấn Độ khi tham gia chương trình UNLEASH India vào tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức Anh cho rằng việc chưa thấy được lợi ích của ngoại ngữ khiến nhiều học sinh nông thôn thiếu động lực và chưa xem trọng việc học tiếng Anh.

Thông qua những chuyến đi, anh muốn mang đến nguồn cảm hứng tích cực, để các em học sinh thấy được việc học tốt ngoại ngữ có thể đưa chúng ta đi xa đến đâu.

Trong một lần thăm nhà học sinh, anh được biết ở khu vực mình đang dạy, nhiều phụ huynh của các em thường kết hôn khi còn rất trẻ, sau đó ly hôn sớm rồi đi xa làm việc, để lại các bạn nhỏ chỉ sống cùng ông bà.

“Các bạn nhỏ ở độ tuổi ham chơi, không có ai định hướng, dẫn tới sa sút chuyện học. Dù ở trường mình cố gắng nhiều thế nào, nhưng nếu không có ai theo dõi, tác động khi ở nhà thì các em rất khó tập trung học. Điều này thật sự thiệt thòi cho các em”, Đức Anh tâm sự.

Riêng với anh, những chuyến đi cũng khiến anh mở rộng góc nhìn và “sạc” năng lượng cho bản thân. Vì có nhiều lúc việc dạy học không theo đúng tiến trình mong đợi, hay việc tổ chức và quản lý lớp bị quá tải khiến anh dần thấy thất vọng và vơi đi sự nhiệt huyết ban đầu.

Đã có một số khoảnh khắc Đức Anh tự hỏi bản thân ở đây để làm gì, các bạn học sinh có cần anh không, hay anh có thật sự đam mê với sự nghiệp giáo dục đến vậy không?

Nhưng mỗi khi tham gia một chương trình, hội thảo hay khóa tập huấn, việc đầu tiên anh phải làm là giới thiệu bản thân: tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi làm gì, tại sao tôi làm công việc này.

Mỗi lần như vậy, dường như anh cũng đang tự nhắc nhở chính mình. Bởi có lẽ mỗi khi muốn từ bỏ, ta đều nên nhớ lại lý do đã thôi thúc mình bắt đầu.

Rất nhiều người dù chưa biết về Giảng dạy vì Việt Nam, khi nghe Đức Anh giới thiệu đều tỏ ý khen ngợi sáng kiến rất ý nghĩa. Thậm chí họ còn muốn giới thiệu chương trình để triển khai ở các tỉnh, thành khác.

Những lời hỏi thăm khiến anh nhận ra, ở ngoài kia vẫn còn rất nhiều địa phương đang cần sự hỗ trợ, vậy nên anh không thể bỏ cuộc dễ dàng như vậy được.

Anh khẳng định: “Dù trực tiếp hay gián tiếp, tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể đóng góp vào nỗ lực tiếp tục rút ngắn những khoảng cách trong cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cho mọi trẻ em Việt Nam, đặc biệt là các em nhỏ ở khu vực nông thôn.”

Vào tháng 7 sắp tới, Đức Anh sẽ vinh dự đại diện thanh niên Việt Nam đến Tokyo, Nhật Bản tham gia chương trình “2023 ASEAN-Japan Special Youth Forum for Promoting the Rule of Law” (Diễn đàn Thanh niên Đặc biệt ASEAN - Nhật Bản 2023 nhằm Thúc đẩy Pháp quyền).

Chương trình do Bộ Tư pháp Nhật Bản (Ministry of Justice of Japan) và Học viện Tư pháp Thái Lan (Thailand Institute of Justice) đồng tổ chức.

Đây là chương trình được tổ chức bên lề sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - Nhật Bản Đặc biệt (ASEAN - Japan Special Meeting of Justice Ministers) do Bộ Tư pháp Nhật Bản tổ chức.

Đây là một cơ hội quý giá và ý nghĩa để thanh niên các nước ASEAN và Nhật Bản cùng nhau thảo luận về pháp quyền và thấu hiểu lẫn nhau hơn nhằm hướng đến xây dựng mạng lưới kết nối thanh niên bền chặt.

Ngay sau đó, Đức Anh tiếp tục có chuyến đi học tập một tuần tại San Francisco, Mỹ theo chương trình “LeadNext: Ambassadors for a Global Future” (Đại sứ cho một tương lai toàn cầu).

Đây là chương trình học tập về năng lực lãnh đạo và tinh thần công dân toàn cầu trong bối cảnh những thách thức xã hội của thế kỷ 21.

Chương trình được tài trợ toàn phần bởi Quỹ Châu Á (The Asia Foundation), tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực phát triển.

Đức Anh là một trong 20 lãnh đạo thanh niên được tuyển chọn từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hoa Kỳ. Anh cũng là đại diện Việt Nam duy nhất trong chương trình năm nay.

Theo đúng kế hoạch, Đức Anh sẽ tiếp tục giảng dạy tại Trường Trung học cơ sở Quế An trong năm học 2023 - 2024. Sau khi kết thúc 2 năm làm fellow của Giảng dạy vì Việt Nam, anh dự định vẫn sẽ tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực phát triển và giáo dục để thực hiện hoá những hoài bão của bản thân.

Trịnh Trang