Sự việc cô giáo, Trường Trung học phổ thông Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cầm kéo cắt tóc một nữ sinh tại lớp trước sự chứng kiến của cả lớp nhằm cảnh cáo về việc em học sinh nhuộm tóc, dù đã được cô nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chưa khắc phục, đang khiến nhiều người bức xúc.
Hai cô trò cùng xin lỗi và hàn gắn trước sự chứng kiến của tập thể lớp và phụ huynh học sinh. Ảnh: vinhphuc.edu.vn. |
Chuyện không mới
Đây không phải lần đầu tiên trong ngành giáo dục xảy ra chuyện này. Năm 2021, tại một trường trung học cơ sở thuộc tỉnh Nam Định, một học sinh lớp 8, cũng bị cô giáo chủ nhiệm dùng kéo cắt tóc ngay trên lớp học vì cho rằng kiểu tóc của em như "đầu gấu".
Sự việc trên lập tức gây nên những phản ứng trái chiều từ dư luận. Tuy nhiên, người đồng tình, cảm thông với hành động của cô giáo thì quá ít. “Không có những thầy cô nghiêm khắc thì trường học thành gánh xiếc à? Mềm không được thì phải rắn.
Ngày xưa chúng tôi sợ thầy cô một phép, giờ làm bố rồi mới thấy biết ơn cô, không có cô thì học sinh cá biệt ngày đó như tôi chưa biết có thành người tử tế được như ngày hôm nay”.
Thế nhưng người phản ứng, lên án hành động cắt tóc học sinh của cô trước tập thể lớp mới đáng sợ vô cùng. Nhiều người được dịp rủa xả thầy cô. Trên các diễn đàn xã hội, một làn sóng chửi bới theo kiểu lên đồng.
Người ta dùng đủ loại ngôn từ gọi tên, người ta gán cho cô biết bao biệt danh như con điên, con ngáo, con thần kinh. Người trước chửi, người sau hùa vào, tạo thành một làn sóng chửi rủa thậm tệ.
Hãi hùng hơn, người ta không chỉ chửi riêng cô, còn dùng bao lời phỉ báng, thoá mạ các thầy cô giáo khác, rồi còn lên án cả ngành giáo dục với đủ loại ngôn từ dung tục mà chỉ đọc thôi đã thấy rùng mình.
Xót xa nhất, có không ít người lôi cả chuyện ngày xưa từng bị thầy cô giáo phạt vì mắc sai lầm gì đó. Họ lạnh lùng gọi những người đã từng dạy mình là “thằng thầy, là con cô”.
Chưa hết, có người còn lớn tiếng “cắt tóc con ông (con bà) thì tao cho biết tay…”, hay cổ xuý cho nạn bạo lực “con bé học sinh ấy đứng im là ngoan đấy. Phải tao thì…”.
Một đồng nghiệp của tôi xót xa lên tiếng: “Một nhát nhẹ băng/ Cắt phăng sự nghiệp/Một phút hồ đồ/Xô theo bao thầy cô mang tiếng”.
Giáo viên chịu rất nhiều áp lực
Hành động cắt tóc học sinh của cô giáo trước tập thể là sai, là vi phạm quy tắc ứng xử sư phạm trong trường học. Nhưng cách mà dư luận đang dùng những lời lẽ cay nghiệt để lên án, để luận tội cô giáo, lôi tất cả thầy cô và ngành giáo dục ra chửi cũng không lấy làm văn minh lắm.
Nhiều người cho rằng, cô cần phối hợp với phụ huynh để yêu cầu học sinh phải thực hiện đúng nội quy. Nếu em đó không nghe thì không cho em vào lớp đến khi nào nhuộm lại tóc đúng quy định.
Là giáo viên nên người viết hiểu, trong những trường hợp học sinh vi phạm nội quy thì biện pháp đầu tiên các thầy cô giáo áp dụng, là nhắc nhở học sinh, vài lần không biến chuyển sẽ liên hệ trực tiếp với phụ huynh để yêu cầu hợp tác.
Tuy nhiên, sẽ không ít gia đình mặc kệ hoặc chính họ cũng đã bất lực vì không thể nói được con cái.
Giáo viên chịu rất nhiều áp lực khi trong một lớp có một vài em như vậy. Quy định của các trường học hiện nay, học sinh không được nhuộm tóc nhiều màu tới lớp. Đã là quy định thì buộc các học sinh, các lớp phải tuân thủ. Lớp nào vi phạm, tuần nào cũng sẽ bị trừ điểm thi đua của lớp và giáo viên cũng bị ảnh hưởng theo.
Có những thầy cô không màng tới thành tích nhưng là giáo viên chủ nhiệm mà để lớp vi phạm thì bản thân thầy cô cũng bị nói khá nhiều.
Một học sinh vi phạm nhưng giáo viên du di hoặc bất lực trong xử lý sẽ dễ dàng có thêm khá nhiều học sinh trong lớp bắt chước làm theo. Khi đó, lớp học sẽ không còn ra lớp học nữa mà nhiều người gọi vui là “vỡ trận”.
Đừng để cho người khác suy diễn sai hành động của mình
Sau sự việc cô giáo cắt tóc học trò trước lớp xảy ra, bản thân cô cũng đã hứng chịu biết bao búa rìu dư luận với những lời chửi rủa thậm tệ, những lời kết án đanh thép của xã hội.
Giây phút cô cầm kéo cắt tóc học trò, chắc chắn cũng không nghĩ rằng việc ấy là xúc phạm quyền thân thể con người, là không tôn trọng danh dự hay hạ nhục các em.Tôi tin lúc ấy, cô chỉ muốn dạy cho cô bé kia phải biết tôn trọng nội quy của nhà trường lớp, muốn làm gương cho những học sinh khác biết tuân thủ nội quy.
Những lời lẽ mạt sát, thoá mạ ấy học sinh đọc vào sẽ nghĩ gì về thầy cô của mình? Mất đi sự tôn nghiêm, học sinh có còn nghe lời thầy cô nữa không? Nhiều đồng nghiệp nhìn gương cô sẽ e dè hơn trong việc răn dạy học sinh, e dè đến mức mặc kệ để đỡ mang vạ vào thân thì thật đáng lo ngại.
Có lẽ giờ này cô giáo cũng đã rút ra cho mình một bài học, cần bình tĩnh trước mọi việc để xử lý tốt hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.