Ninh Bình kiến nghị NXB giới thiệu SGK sớm hơn để GV có thời gian nghiên cứu

13/02/2023 11:42
Lan Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, ở cấp THPT của tỉnh chưa có giáo viên Mỹ thuật và Âm nhạc, khó đáp ứng nguyện vọng học môn tự chọn của học sinh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cho hay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản số 219 báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, trong báo cáo đã nêu và phân tích thuận lợi cũng như những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp, kiến nghị trong quá trình thực hiện 2 Nghị quyết nêu trên.

Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 có tính khả thi cao

Theo đó, Ninh Bình đánh giá, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương để triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 nói chung kịp thời, rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế, có tính khả thi cao.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục tuyên truyền, triển khai, quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhân dân, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội trong tỉnh đồng tình tin tưởng vào việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Chuẩn bị các điều kiện (về nguồn lực, cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ) đáp ứng cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Trong giai đoạn năm 2020 - 2022, tỉnh Ninh Bình chi kinh phí thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 196.779,940 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh bố trí cho các công trình, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2020-2022 là 326,099 tỷ đồng, cho 30 lượt dự án.

Ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn kịp thời, cụ thể cho các đơn vị thực hiện; triển khai lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo đúng quy định; biên soạn tài liệu giáo dục địa phương các lớp đảm bảo theo đúng quy trình và sớm được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt...

Chất lượng giáo dục học sinh được nâng cao, phát huy được năng lực, phẩm chất học sinh. Học sinh biết tự học và giải quyết các vấn đề đơn giản. Tích cực, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp. Được tăng cường khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.

Các trường làm tốt công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân, phụ huynh tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục và tài trợ nhân lực, vật lực đạt hiệu quả cao.

Chưa có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc khối trung học phổ thông

Ninh Bình đánh giá, năm học 2020 - 2021 và năm học 2021 - 2022 do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc tập huấn sử dụng sách giáo khoa của các nhà xuất bản (chủ yếu bằng hình thức trực tuyến) đôi khi bị gián đoạn, ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ, chất lượng, giáo viên ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Hiện nay, số lượng giáo viên biên chế ở cấp Tiểu học, Trung học phổ thông còn thiếu so với định mức quy định, cấp Trung học cơ sở cơ bản đủ so với quy định, cụ thể:

Cấp Tiểu học: Thiếu về số lượng (thiếu giáo viên văn hóa (372), Thể chất (38), Âm nhạc (65), Mỹ thuật (31), Tin học (33)).

Cấp Trung học cơ sở: Số lượng giáo viên cơ bản đủ, tuy nhiên còn tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở một số bộ môn như thừa giáo viên Toán, Ngữ văn; thiếu môn Tin học, Công nghệ, Thể dục, Địa lí.

Cấp Trung học phổ thông: Toàn tỉnh chưa có giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đánh giá hiện đang thiếu cơ sở trong việc xác định số lượng giáo viên của từng môn học trong các trường Trung học phổ thông để có căn cứ chuẩn bị đội ngũ. Thực trạng đội ngũ giáo viên Trung học phổ thông và phương thức giao biên chế hiện nay khó đáp ứng nguyện vọng học môn tự chọn học sinh.

Môn Khoa học tự nhiên chưa có giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng dạy “tích hợp” các phân môn nên khó khăn đối với các trường. Đối với cấp Trung học phổ thông, học sinh lựa chọn một số môn học khác nhau giữa các trường dẫn đến khó khăn khi chuyển trường và chuyển lớp, chuyển khối lớp (nếu học sinh học lại năm sau)...

Giải pháp, kiến nghị

Từ thực tiễn triển khai, Ninh Bình đã có nhiều giải pháp về quản lý trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, giải pháp về đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.

Trong đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tổ chức hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết, đánh giá (đã làm được, hạn chế), rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp tiếp theo một cách có hiệu quả.

Thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo đủ các phòng học, phòng chức năng cho các cơ sở giáo dục; từng bước trang bị đủ bộ đồ dùng, thiết bị dạy học theo lộ trình cho các lớp của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuyển dụng giáo viên biên chế đảm bảo theo định biên, đặc biệt giáo viên Tin học, chuẩn bị tốt điều kiện giáo viên cho các năm học tiếp theo.

Tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn, con em quê hương để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường.

Tiếp tục tổ chức các tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của tỉnh.

Tỉnh đề xuất với Chính phủ nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị để bổ sung biên chế, đảm bảo đủ nhân lực cho ngành giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cuối cùng, tỉnh đề xuất, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Tham mưu Chính phủ tăng cường biên chế giáo viên cho các cở sở giáo dục để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ban hành quy định về định mức biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục phổ thông để thay thế các quy định không còn phù hợp. Chỉ đạo các đơn vị xuất bản sách giáo khoa hằng năm triển khai sớm hơn công tác giới thiệu sách giáo khoa để các cơ sở có thời gian nghiên cứu, đề xuất lựa chọn".

Lan Phương