Nơi ấy cần nhiều tình thương

06/09/2015 07:59
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Hàng triệu ánh mắt đang băn khoăn vừa mừng vừa lo hướng về phía bên kia cổng trường khi năm học nữa lại khai trường.

LTS: Chẳng có thứ gì cảm hóa và làm thay đổi nhận thức, hành động của con người hiệu quả hơn tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô dành cho con, cho học trò.

Cảm nhận về điều này trong ngày khai trường, thầy giáo Nguyễn Văn Lự đã gửi tới tòa soạn bài viết. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Có nơi nào như thế? 

Hạnh phúc lớn nhất của mỗi người là con cháu được ăn no, được học hành và trưởng thành trong môi trường giáo dục tốt. 

Hầu hết, các phụ huynh đều xây dựng và củng cố rất thành công khu nhà kính gia đình an toàn trước sự nhiễm độc của cuộc sống bên ngoài và đặt nhiều hy vọng vào nhà trường, nơi con của họ sống gần chục giờ mỗi ngày đi học.

Có nơi nào những trẻ thơ, từ khi 3 tuổi đến trưởng thành, lưu lại nhiều ấn tượng cả tốt và chưa tốt như nơi này? Bạn bè, thầy cô và mái trường tuổi trẻ không dễ gì diễn tả hết, kể hết.

Người lớn hài lòng gửi con em với niềm tin "trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò", hay "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" và "thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo"... 

Nhà trường chúng ta 70 năm qua đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang trồng người, dù khó khăn đến đâu. Thành tựu lớn lao ấy không thể hoài nghi hay phủ nhận.  
Cơn bão giàu sang còn ngoài khơi xa, nơi gieo ươm tài năng và đào tạo con người vẫn thanh sạch để "em sẽ lớn lên như tôi đã từng khôn lớn". Không ít người biện luận rằng trường học đâu phải giáo đường và thầy cô đâu là thần thánh!? 

Nơi ấy cần nhiều tình thương ảnh 1
Nơi cần nhiều tình thương hơn hết là gia đình và Nhà trường (Ảnh: Xuân Trung)

Đúng là nơi ấy không thiêng liêng và sang trọng như nơi Chúa ngự và thầy cô đều là người trần thế với tất cả lo toan và nhu cầu thường nhật.

Nơi ấy không có hàng rào và cánh cổng, không có ánh nhìn theo của mẹ cha và người thân; nơi ấy không phải là nơi duy nhất ta trở về trong vòng tay trìu mến mỗi lúc bại cùng khổ tận. 

Bạn thân, thầy cô và tri thức cùng với thời gian đã giúp nhiều thế hệ học trò lớn lên nên người cũng từ nơi rất đáng tự hào và kiêu hãnh ấy. 

Vài năm gần đây, Nhà trường có còn xứng đáng với niềm tin yêu và tự hào của phụ huynh và học sinh? Hình như câu chuyện trường lớp và thầy cô, chuyện học hành của con trẻ đến đâu ta cũng nghe được và đương nhiên, những điều tuyệt vời bao giờ cũng ít. 

Hàng ngàn bài báo về Nhà trường và giáo dục mỗi tháng, trong đó, không ít bài kêu than và bức xúc về nơi dạy người dạy chữ. 

Nhà trường "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" thật hoàn hảo trong các báo cáo, nhất là báo cáo thành tích. Thực tế, "một số trường không nhỏ" đã chệch đường về mục tiêu và hành động, đã vô tình (hay hữu ý) làm cho kỷ cương yếu đi, tình thương nhẹ bớt, trách nhiệm nhạt nhòa và nơi ấy, "một số không nhỏ" thầy không ra thầy, trò không ra trò!

Trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) đăng tải một số bài viết như: Trường học không phải là nơi kinh doanh (ngày 01/9/2015); Hiệu trưởng trường dân tộc nội trú "ăn" cả thước, bút, tẩy của học sinh (Ngày 30/12/2014),...

Nơi ấy cần nhiều tình thương ảnh 2

Thầy, cô giáo và những khát khao ngày khai giảng năm học mới

(GDVN) - Mong sao trong ngày khai giảng năm học mới, các vị đại biểu cấp trên dành thời gian tọa đàm với thầy, cô giáo để nghe, hiểu nguyện vọng và kiến nghị của họ.

Hàng trăm chuyện lùm xùm nghe mà đau lòng: thầy cô đánh mắng trò, thầy giáo đánh bài ăn tiền, thầy cô "cung bọ cạp"; thầy cô ép học thêm; chuyện chuyển lớp, chuyển chỗ ngồi, chuyện kỷ luật học sinh; đánh giá xếp loại; thu tiền và sử dụng trái quy định; ép mua bảo hiểm, ép dùng sổ liên lạc điện tử, đồng phục, sách vở; chuyện trường xây kém, bàn ghế, trang thiết bị vừa thiếu, vừa kém chất lượng; chuyện trình độ giáo viên; chạy trường chạy chức...

Hình như cái tư tưởng "làm nghề gì ăn nghề nấy" đã lạc qua cổng trường học hay sao để việc gì người ta nói cũng có "mùi tiền".

Những điều đọc được, biết được chỉ là rất nhỏ trong những chuyện ngày thường ở trường mà bạn biết, tôi biết nhưng không thể nói cho ai. Thế là, tất nhiên, con chúng ta không thể không đến trường với bao nhiêu khát vọng và niềm vui tuổi thơ.

Mong ước gửi về nơi ấy

Bạn sẽ gửi mong ước gì về nơi con mình đang học? Bạn sẽ gửi mong ước gì cho người có quyền và trách nhiệm cao nhất nơi ấy? 

Một quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khơi lại niềm tin cho hàng vạn gia đình khi con không "được" mua bảo hiểm và đồng phục! 

Chúng ta hoàn toàn có quyền mong ước các thầy cô được trao trọng trách, lấy tình thương làm trọng, lấy kỷ cương làm chính và coi trách nhiệm hơn tiền bạc để trả lại môi trường giáo dục sự thanh trong và lương thiện bằng những hành động cảm thông và chia sẻ với khó khăn của phần rất lớn phụ huynh từ thành thị đến nông thôn.

Nơi ấy cần nhiều tình thương ảnh 3

Chưa nghỉ hè đã thông báo mua đồng phục

(GDVN) - Phụ huynh có con em đang học tại Trường THCS Trần Quốc Toản xã Thạnh Phú, H.Cái Nước, Cà Mau bức xúc cho rằng, chưa nghỉ hè, trường đã ra thông báo thu tiền

Nếu các vị (công chức) từ bỏ % hoa hồng (khoảng 1/3 số thu) các dịch vụ được dán nhãn "phục vụ học sinh"; nếu như trang thiết bị đảm bảo chất lượng; nếu thầy cô dạy giỏi có những lớp dạy thêm miễn phí hoặc giảm học phí; nếu "tất cả vì học sinh thân yêu"; nếu thầy cô như "mẹ ở trường"; nếu như mỗi thầy đều cố gắng mẫu mực cả về tri thức, nhân cách, nghiệp vụ...

Từ bỏ khoản "thu nhập bẩn", "một bộ phận không nhỏ" chỉ như bớt đi bữa ăn sáng mà được rất nhiều cho nhân dân và đất nước!

Chúng ta chân thành gửi về nơi ấy lời cảm ơn và sự kính trọng dành cho "một bộ phận nhỏ" các thầy cô thương trò thật, giúp trò chu đáo, tận tụy yêu trò yêu nghề. Họ không được nhiều giấy mực ghi nhận nhưng những thầy cô ấy luôn sống trong tâm trí học trò dù tuổi theo mùa đi mãi.

Chúng ta mong ước nơi ấy, ngôi trường con mình học, cần nhiều tình thương hơn tất thảy mọi nơi.

Nguyễn Văn Lự