Nỗi niềm của giáo viên luân chuyển công tác nơi xã đảo Quảng Ninh

20/07/2023 06:36
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong muốn được cống hiến nhưng với mức lương thấp, chưa có chính sách hỗ trợ đang là nỗi niềm của những giáo viên luân chuyển công tác nơi xã đảo.
  1. Những ngôi trường nơi xã đảo vẫn còn vô vàn khó khăn

Năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Ngọc Vừng (xã Ngọc Vừng, Quảng Ninh) có 8 giáo viên và 4 nhóm lớp (44 trẻ) nhưng do khoảng cách khu dân cư nằm cách xa 7km nên trường hiện được chia thành 2 điểm.

Số lượng trẻ ít nên các lớp đang phải ghép chung 3 độ tuổi (3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi). Hai điểm trường nằm cách xa nhau nên việc tập trung, tập huấn công tác chuyên môn và chăm sóc, giáo dục trẻ còn rất nhiều khó khăn.

Cô Châu Thị Bích Liễu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Vừng cho biết: “Khó khăn nhất trong công tác chuyên môn phải kể đến việc trẻ ở các độ tuổi khác nhau nhưng học chung 1 lớp. Một giáo viên phải chuẩn bị giáo án dạy cho cả 3 độ tuổi.

Ví dụ, mỗi một chủ đề, giáo viên đều phải soạn câu hỏi theo 3 mức độ khác nhau, câu hỏi khó dành cho trẻ 5 tuổi, vừa phải cho 4 tuổi và ở mức nhận biết cho trẻ 3 tuổi.

Nhiều cô giáo khi luân chuyển ra đây rất lúng túng trong việc soạn giáo án bởi một lớp học có cả 3 độ tuổi chưa từng có ở các trường trong đất liền.

Tách ra hai điểm trường học sinh cũng rất thiệt thòi vì cơ sở vật chất ở điểm chính sẽ đầy đủ hơn, có sân chơi cho trẻ.

Không chỉ vậy, trường có hai điểm trường nhưng chỉ có 1 cô nhân viên nấu ăn. Để chuẩn bị bữa trưa, cô phải nấu xong ở điểm chính rồi chở thức ăn sang điểm trường lẻ cùng với thực phẩm cho bữa phụ chiều.

Đến giờ nghỉ trưa, các cô ở điểm trường lẻ sẽ phân công nhau một người trông trẻ ngủ trưa còn một người chuẩn bị bữa phụ buổi chiều”.

Một lớp học với 3 độ tuổi khác nhau tại Trường Mầm non Ngọc Vừng (Ảnh: NTCC)

Một lớp học với 3 độ tuổi khác nhau tại Trường Mầm non Ngọc Vừng (Ảnh: NTCC)

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Vừng, hiện nhà trường có tất cả 13 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đó có 6 người được luân chuyển công tác từ các trường trong đất liền: “Hầu hết giáo viên đang công tác tại nhà trường đều trong độ tuổi trẻ nên khi luân chuyển ra xã đảo, các cô phải đưa con theo để thuận tiện chăm sóc và học tập.

Có trường hợp cô giáo khi luân chuyển phải đưa hai con, 1 cháu học tiểu học và 1 cháu ở độ tuổi mầm non theo cùng. Để kịp thời gian cho con đi học tiểu học thường chiều chủ nhật 3 mẹ con cô giáo phải di chuyển ra trường trong khi sáng thứ 7 mới được về đất liền.

Mỗi sáng vừa chuẩn bị cho con đi học tiểu học xong là vội vàng đến trường rồi cứ thế tất bật đến chiều muộn. Buổi tối sau khi kèm con làm bài tập và thủ tục đi ngủ xong lại tranh thủ thời gian soạn giáo án.

Cứ theo guồng thời gian như vậy từ thứ hai đến hết tuần thực sự vất vả. Trong khi đó, so với các bậc học phổ thông thì mức lương của mầm non đang thấp nhất.

Hiện, giáo viên đang công tác ở trường đều trong độ tuổi trẻ nên thu nhập mỗi tháng của các cô trung bình khoảng 6 triệu đồng”.

Nỗi niềm của những giáo viên luân chuyển

Bước sang năm thứ 3 luân chuyển công tác, cô giáo Nguyễn Thị Năm (sinh năm 1991) nhớ lại những ngày đầu tiên tới đảo Ngọc Vừng: “Những ngày đầu tiên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc soạn giáo án và dạy học.

Khi soạn giáo án cho 3 độ tuổi khác nhau, giáo viên cũng phải đặt ra 3 mục tiêu khác nhau. Bên cạnh đó, các độ tuổi khác nhau sẽ khả năng nhận biết, tương tác khác biệt.

Bản thân tôi phải tìm tòi rất nhiều và hỏi các giáo viên đã từng công tác ở trường để cô và trò dần thân thiết, cởi mở hơn.

Mặc dù khó khăn nhưng điều tôi trăn trở nhất là làm sao để đem đến cho trẻ sự chăm sóc tốt, những tiết học thú vị, bổ ích bởi các con thiệt thòi rất nhiều so với các bạn đang sinh sống tại vùng thuận lợi.

Có những trẻ 3 tuổi nhưng rất ngại giao tiếp, nhiều khi cô giáo đặt câu hỏi nhưng các bạn ai nấy đều rụt rè không dám trả lời. Tôi chỉ mong có thể giúp các con trau đồi nhiều kỹ năng sống hơn và luôn khoẻ mạnh, vui vẻ ”.

Cô giáo Năm phải đưa theo 2 con nhỏ khi luân chuyển công tác ra xã đảo (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Năm phải đưa theo 2 con nhỏ khi luân chuyển công tác ra xã đảo (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Năm chia sẻ thêm những khó khăn khi phải đưa con theo ra đảo: “Do công việc của chồng cùng ông bà bận rộn nên chuyến luân chuyển công tác chỉ có tôi và 2 con (một cháu lớp 3, một cháu 4 tuổi)".

Di chuyển ra đảo Ngọc Vừng hiện chưa có tàu cao tốc nên ba mẹ con cô Năm di chuyển bằng tàu gỗ. Để ra đến đảo nếu thuận lợi phải mất 2 tiếng 30 phút còn nhiều khi phải gần 3 tiếng mới tới nơi.

"Sáng thứ 7 về nhà nhưng để kịp thời gian cho con lớn đi học tiểu học thường từ 12h30 ngày chủ nhật, 3 mẹ tôi phải di chuyển ra trường. Như vậy, trung bình mỗi tuần sẽ mất khoảng 400.000 – 500.000 đồng để đi lại.

Với mức lương hơn 6 triệu đồng thực sự chỉ đủ chi phí đi lại, ăn uống cho 3 mẹ con chứ các khoản phí sinh hoạt khác hiện vẫn phải nhờ sự hỗ trợ của chồng và ông bà”.

Để có thêm động lực cống hiến, cô giáo Năm mong mỏi những giáo viên đang công tác tại những địa phương khó khăn như xã đảo, vùng núi sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chính phủ: “Thời gian làm việc của các cô giáo mầm non luôn nhiều hơn giờ quy định nhưng với mức lương hiện tại, chúng tôi rất khó có thể trang trải cuộc sống, lo cho con cái.

Tôi rất mong mỏi nghề giáo viên sẽ có mức lương tốt hơn, mang lại đời sống tốt hơn để các thầy cô giáo yên tâm công tác.

Đối với các giáo viên luân chuyển ra xã đảo, rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ phương tiện để việc di chuyển được thuận lợi hơn, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho giáo viên”.

Cô giáo Lê Thị Loan mong muốn giáo viên luân chuyển nhận được sự quan tâm, hỗ trợ để có động lực công tác (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Lê Thị Loan mong muốn giáo viên luân chuyển nhận được sự quan tâm, hỗ trợ để có động lực công tác (Ảnh: NVCC)

Cùng bước sang năm thứ 3 luân chuyển tới đảo Ngọc Vừng, cô Lê Thị Loan (sinh năm 1983), nhân viên hành chính Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Ngọc Vừng tâm sự: “Hiện tại, con út học lớp 5 đang học ở ngoài đảo do cùng mẹ ra công tác còn con lớn lớp 9 ở lại đất liền cùng với bố.

Mỗi tháng, hai mẹ con mất khoảng 2 triệu đồng để đi lại, với mức lương hiện tại thực sự chỉ đủ chi phí đi lại và sinh hoạt hằng ngày cho hai mẹ con.

Bên cạnh khó khăn về kinh tế, phải xa con trong giai đoạn quan trọng khi con lớn chuẩn bị thi vào 10 là điều mà tôi rất trăn trở. Bởi vậy, tôi rất mong có thời gian luân chuyển công tác đúng quy định (5 năm đối với cán bộ quản lý và 3 năm đối với giáo viên, nhân viên) để tôi có thể trở về chăm lo cho gia đình”.

Phạm Linh