Quảng Ninh thiếu cả cơ sở vật chất và đội ngũ khi thực hiện CTGDPT mới

11/06/2023 06:39
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ninh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khi triển khai chương trình GDPT 2018.

Trong giai đoạn 2011 – 2022, chất lượng giáo dục của tỉnh Quảng Ninh có bước chuyển biến tích cực khi đứng đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Để đạt được kết quả trên phải kể đến những nỗ lực của tỉnh khi luôn dành nguồn lực lớn đầu tư cho cơ sở vật chất nhằm mở rộng mạng lưới trường, lớp; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng nổ gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành giáo dục.

Nhất là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi toàn ngành phải có sự thay đổi, chuyển biến cả trong dạy và học, trong công tác quản lý.

Về cơ sở vật chất, hiện một số cơ sở giáo dục ở tỉnh Quảng Ninh còn thiếu so với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc xây dựng và giữ vững tiêu chí trường chuẩn quốc gia cũng còn gặp khó khăn do phần lớn cơ sở vật chất chưa bảo đảm về diện tích đất, nhiều trường được thành lập đã lâu, không có khả năng mở rộng nên không bảo đảm diện tích theo yêu cầu, nhất là trường ở khu vực trung tâm, đô thị.

Thiết bị dạy học được đầu tư, song do quy trình mua sắm khó khăn dẫn đến thiếu so với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đặc biệt là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thiếu phòng thực hành bộ môn, thiết bị đồ dùng dạy học theo quy định mới về trường đạt chuẩn quốc gia.

Về đội ngũ giáo viên và nhân viên, đến hiện tại, số lượng đội ngũ ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh còn thừa, thiếu cục bộ do có nhiều môn học mới, môn học tích hợp, môn học do học sinh lựa chọn.

Đối với cấp tiểu học, từ năm 2022- 2023 thực hiện dạy học đối với môn bắt buộc là Tiếng Anh và Tin học, tuy nhiên đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học hiện nay cũng chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng để có thể giảng dạy ở tất cả các trường.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng nổ gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành giáo dục (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng nổ gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành giáo dục (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Đối với cấp trung học cơ sở thiếu giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Tin học còn cấp trung học phổ thông thiếu giáo viên dạy môn Nghệ thuật, Quốc phòng–An ninh.

Hầu hết các trường không có giáo viên liên môn để dạy các môn trên, cơ bản chỉ bố trí giáo viên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý để dạy cho bảo đảm nội dung, chương trình. Vì vậy, các nhà trường phải điều chỉnh thời khóa biểu thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn vướng mắc, do thiếu nguồn để tuyển nhất là giáo viên giảng dạy các môn học đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới như giáo viên Tiếng Anh, giáo viên Tin học, giáo viên Công nghệ,...

Một số địa phương trên địa bàn như thành phố Móng Cái, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn...việc tuyển dụng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên Tiếng Anh cũng gặp khó khăn do không có hồ sơ đăng ký dự tuyển, mặc dù tỉnh đã thông báo công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặt khác, Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 đã nâng chuẩn yêu cầu về trình độ của giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, giáo viên tiểu học lên đại học nên nguồn giáo viên hiện có chưa kịp thời đáp ứng được yêu cầu về trình độ đào tạo theo quy định mới.

Về việc bố trí đội ngũ nhân viên,do không đủ số lượng nhân viên theo định biên, các địa phương, đơn vị đã linh hoạt trong trong phân công, bố trí, sử dụng đội ngũ nhân viên cho phù hợp để giải quyết các công việc bằng việc giao nhân viên kế toán, y tế, thư viện, thiết bị, văn thư... kiêm nhiệm các nhiệm vụ phù hợp.

Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên kiêm nhiệm ở một số công tác (y tế, thiết bị) còn khó khăn trong nhiệm vụ do đặc thù chuyên môn. Tại nhiều địa phương, đội ngũ nhân viên y tế các trường cũng thiếu so với nhu cầu do không có nguồn để tuyển.

Những khó khăn trên xuất phát từ nguyên nhân gì?

Lý giải những khó khăn, hạn chế trên phải kể đến những biến đổi do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong những năm gần đây đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã khiến ngành giáo dục và đào tạo của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói chung gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, do tiêu chuẩn về cơ sở vật chất trường học phổ thông theo quy định của Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2022 của Bộ GDĐT “Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường có nhiều cấp học” và Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GDĐT “Quy định phòng học bộ môn cơ sở giáo dục phổ thông” có những thay đổi cao hơn so với trước đây.

Trong khi đó, các trường học trên địa bàn tỉnh chủ yếu được đầu tư xây dựng từ những năm trước năm 2020, cần có lộ trình đầu tư xây dựng, nâng cấp trong thời gian tới.

Về vấn đề thừa thiếu cục bộ giáo viên, nguồn cung nhân lực không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng, nhất là các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật.

Hiện cũng chưa có mã ngành đào tạo giáo viên cho một số môn học mới như các môn dạy tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Việc hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP hoặc hợp đồng thỉnh giảng giáo viên về hưu cũng gặp khó khăn vì giáo viên phải đảm bảo trình độ chuẩn đại học mới được thực hiện hợp đồng. Theo đó, còn tình trạng giáo viên phải dạy thêm giờ vì cơ sở giáo dục chưa đủ giáo viên theo định mức biên chế.

Xác định nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong ngành giáo dục, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực khắc phục trong giai đoạn tới (Ảnh minh hoạ: CTV)

Xác định nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong ngành giáo dục, tỉnh Quảng Ninh nỗ lực khắc phục trong giai đoạn tới (Ảnh minh hoạ: CTV)

Xác định nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, hạn chế trên, trong giai đoạn tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quán triệt việc thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; căn cứ các văn bản của Trung ương, kịp thời tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn, …phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, địa phương và các cơ sở giáo dục.

Từ đó, đảm bảo đồng bộ và thống nhất giữa các cấp, đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tăng cường công tác truyền thông tới các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, học sinh cùng cha mẹ học sinh và toàn xã hội về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những đổi mới của ngành, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.

Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh tập trung quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo ở các cấp.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải xây dựng các kế hoạch cụ thể, chi tiết, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian và thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện.

Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành có liên quan với ngành giáo dục; trong đó định kỳ thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu từ cấp tỉnh, địa phương và các cơ sở giáo dục trong việc phối hợp, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ sở giáo dục đẩy mạnh việc đổi mới trong công tác quản lý giáo dục. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên trực tiếp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các khối lớp.

Thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức tập huấn tới cán bộ quản lý, giáo viên về các nội dung liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện chương trình mới. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, định kỳ tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia đầu ngành trao đổi, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến ngày 14/06/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phạm Linh