Nữ giảng viên tiêu biểu năm 2023 mong muốn khơi dậy tinh thần NCKH ở sinh viên

19/11/2023 06:27
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp đam mê nghiên cứu khoa học, mong muốn khơi dậy tinh thần nghiên cứu trong sinh viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp, sinh năm 1983, Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp (Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quy Nhơn) là 1 trong 33 thầy, cô được vinh danh trong chương trình Nhà giáo tiêu biểu của năm 2023 bậc đại học.

Hành trình từ sinh viên trở thành giảng viên cao cấp

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Mộng Điệp bày tỏ niềm vui khi được vinh danh trong chương trình này: “Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét chọn Nhà giáo tiêu biểu năm 2023, đối với tôi, đây là một vinh dự đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao. Đặc biệt vinh dự hơn khi tôi là 1 trong 33 giảng viên được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2023 bậc đại học trước thềm kỉ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp - Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp (Trường Đại học Quy Nhơn). Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp - Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp (Trường Đại học Quy Nhơn). Ảnh: NVCC

Nói về hành trình từ 1 sinh viên chuyên ngành Sinh học đến giảng viên cao cấp, Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp (Trường Đại học Quy Nhơn), cô Điệp cho biết, năm 2001, cô trúng tuyển Trường Đại học Quy Nhơn với bao khát vọng, quyết tâm học tập để phát triển bản thân.

Sau 4 năm học tập, dưới sự hướng dẫn và tận tình chỉ bảo của thầy, cô trong khoa, cô Điệp đã tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân loại giỏi và được giữ lại trường để làm giảng viên tại Trung tâm Thí nghiệm Thực hành.

“Trong quá trình giảng dạy, tôi được tuyển thẳng học cao học chuyên ngành Sinh học thực nghiệm tại trường. Năm 2010, tôi trở thành nghiên cứu sinh tại Pháp theo đề án “Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” của Chính phủ. Từ đây, con đường nghiên cứu khoa học của tôi bắt đầu.

Có thể nói, những năm tháng là nghiên cứu sinh, tôi được học, tiếp cận nhiều nghiên cứu của các giáo sư và bạn bè đồng nghiệp tại Pháp. Sau thời gian dài học tập, tôi trở về nước, tiếp tục công tác giảng dạy tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Cuối năm 2016, tôi tiếp tục sang Pháp làm nghiên cứu sau tiến sĩ và hợp tác nghiên cứu theo thư mời của Giáo sư Yves Combarnous tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp. Năm 2022, tôi bảo vệ thành công học vị tiến sĩ khoa học tại Pháp.

Còn ở thời điểm hiện tại, được sự tín nhiệm của lãnh đạo Trường Đại học Quy Nhơn và giảng viên của Bộ môn, tôi luôn sẵn sàng và cùng với mọi người thúc đẩy phát triển nhà trường, tạo điều kiện để tất cả các cá nhân phát huy thế mạnh, giúp sinh viên được nhiều hơn với vai trò là trưởng bộ môn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Mộng Điệp chia sẻ.

18 năm công tác trong ngành giáo dục đã giúp cô Điệp có được những kỉ niệm đáng nhớ trong hoạt động giảng dạy cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cô Điệp kể: “18 năm công tác, có lẽ kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi là những ngày đầu tiên làm việc tại Trung tâm Thí nghiệm thực hành được thầy, cô hướng dẫn để truyền đạt lại các bài thí nghiệm thực hành cho sinh viên, giúp các em vận hành thiết bị thí nghiệm sao cho hiệu quả.

Có thể nói, đây là khoảng thời gian vất vả đối với một cô sinh viên mới ra như tôi nhưng lại là bước đệm quan trọng đối với con đường nghiên cứu khoa học của bản thân sau này.

Bên cạnh đó, cột mốc trở thành nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ tại Pháp là khoảng thời gian để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp học tập và nghiên cứu của tôi. Cùng với các giáo sư, đồng nghiệp tại Pháp, nhóm tôi đã xây dựng thành công một số dự án như Quy trình bảo quản đông lạnh tinh dịch ở một số loài gia cầm và động vật có vú với tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt sau khi rã đông; Nghiên cứu sản xuất thành công hormone gonadotropin sử dụng trong công nghệ thụ tinh nhân tạo ở động vật có vú,…”

Làm việc với tinh thần tận tụy, trách nhiệm

Không ngừng phấn đấu, phát triển, cô Điệp thường xuyên có những sáng kiến, giải pháp trong quá trình giảng dạy như viết giáo trình, tham gia nghiên cứu khoa học, cô Điệp chia sẻ rằng:

“Từ những công trình khoa học đã công bố, đi từ nghiên cứu cơ bản đến định hướng ứng dụng, tôi cùng với đồng nghiệp không ngừng cập nhật giáo trình, nghiên cứu khoa học và thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm giúp sinh viên tích cực học tập, yêu ngành nghề, khơi dậy niềm đam mê làm nghiên cứu khoa học trong sinh viên đồng thời nghiên cứu tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong thực tế”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường. Ảnh: NVCC.

Được bổ nhiệm trở thành Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp năm 2019, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp bộc bạch: “Đối với tôi, trưởng bộ môn là một trách nhiệm lớn lao. Tôi nhận thức rằng, cá nhân tôi hay một ai khác làm trưởng bộ môn sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ nếu không nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của tất cả đồng nghiệp và lãnh đạo nhà trường.

Tôi đã và đang duy trì sự đoàn kết trong bộ môn và khoa bằng cách tập hợp, tạo điều kiện để giảng viên trong bộ môn có thể phát huy hết khả năng, tâm huyết thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tôi luôn cố gắng làm việc với tinh thần tận tụy, trách nhiệm để không phụ lòng tin của các cấp lãnh đạo nhà trường trong việc định hướng, xây dựng chương trình đào tạo, thực hiện tuyển sinh ngành học một cách đúng đắn, khoa học và theo thông lệ quốc tế, góp phần phát triển ngành nói riêng và Trường Đại học Quy Nhơn nói chung”.

Cô Điệp chia sẻ thêm: “Chương trình đào tạo cần được xây dựng gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường các học phần đào tạo kỹ năng giúp sinh viên tự tin hơn sau khi ra trường và cũng có thể tự khởi nghiệp.

Còn đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, tôi rất mong các đơn vị chức năng cần có những đổi mới trong cơ chế quản lý nghiên cứu khoa học theo thông lệ quốc tế để các nhà khoa học chủ động hơn và chuyên tâm hơn khi thực hiện nghiên cứu mà không phải mất nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính”.

18 năm công tác trong ngành giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp đã gặt hái thành tựu tiêu biểu:

Chỉ đạo và triển khai công việc cải tạo Khu Nghiên cứu ứng dụng Nông nghiệp - Môi trường.

Chủ trì đề án xây dựng phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học.

Được Hiệu trưởng đánh giá 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Năm học 2017 - 2018: Chiến sĩ thi đua cơ sở theo Quyết định số 1188/QĐ-ĐHQN ngày 11/7/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn.

Năm học 2018 - 2019: Chiến sĩ thi đua cơ sở theo Quyết định số 1584/QĐ-ĐHQN ngày 11/7/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn.

Năm học 2022 - 2023: Chiến sĩ thi đua cơ sở theo Quyết định số 1848/QĐ-ĐHQN ngày 12/7/2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn.

Năm 2020: Chứng nhận tri thức tiêu biểu về Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Định lần thứ IV theo Quyết định số 1370/QĐ-UBND ngày 17/8/2020 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh.

Năm 2022: Chứng nhận tri thức tiêu biểu về Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Định lần thứ V theo Quyết định số 1384/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định.

Năm học 2022 - 2023: Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn theo Quyết định số 1849/QĐ-ĐHQN ngày 12/7/2023 của Hiệu Trưởng Trường Đại học Quy Nhơn.

Thảo Ly