Nước có nền giáo dục tiên tiến không bao giờ “đẩy” Lịch sử thành môn tự chọn

17/04/2022 07:02
Hoài Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên thay đổi cách dạy, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu thay vì đưa môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Số phận của môn Lịch sử vẫn còn để ngỏ

Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 10 bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 sẽ chính thức đưa môn Lịch sử trở thành môn "lựa chọn".

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Lê Đình Hiển - giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục Tuyensinh247.com cho biết, năm 2015, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã lồng ghép môn Lịch sử và đưa môn này trở thành môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông với tên gọi Công dân với Tổ quốc.

Tuy nhiên, với những góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất bỏ môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình mới, giữ nguyên môn Lịch sử.

Thầy Lê Đình Hiển (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Lê Đình Hiển (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ra đời, học sinh bắt buộc học các môn như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh... còn môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn trong nhóm môn Khoa học và xã hội.

Thầy Lê Đình Hiển khẳng định, lịch sử không tạo ra của cải nhưng là môn học giúp phát triển xã hội, phát triển dân tộc và con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Ở thời đại ngày nay, biết và hiểu lịch sử không chỉ để "tường" gốc tích, mà còn giúp soi chiếu lối đi đến con đường văn minh, hội nhập, giúp con người tự tin mà không tự ti, nắm bắt thời cơ nhưng thấy rõ nguy cơ, chủ động hội nhập mà không chủ quan khinh suất.

Thực tế, những nước có nền giáo dục tiên tiến không nước nào “đẩy” môn Lịch sử thành môn lựa chọn.

Đừng biện minh hay đổ lỗi khi chưa coi trọng việc học Lịch sử một cách nghiêm túc

Trước những quan điểm cho rằng môn Lịch sử không tạo hứng thú cho học sinh do cách dạy, cách biên soạn tài liệu khô khan, quá nhiều số liệu phải ghi nhớ. Theo thầy Hiển: "Nhiều người nói môn Lịch sử bắt học sinh thuộc lòng nhiều trang giấy, sự kiện, số liệu... nhưng có môn học nào là không cần ghi nhớ.

Đối với môn Toán, học sinh cần thuộc bảng cửu chương và hằng đẳng thức. Với môn Văn, học sinh phải học thuộc lòng nhiều bài thơ. Công thức môn Hóa cũng không ít, các em phải ghi nhớ từng hóa trị, bảng tuần hoàn thì mới có thể giải bài tập một cách dễ dàng.

Vậy học Lịch sử cần nhớ ngày lập quốc, người khai quốc, nhớ những người đổ xương máu, mồ hôi, công sức, trí tuệ để chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc có là yêu cầu chính đáng hay không?

Lịch sử đâu chỉ có những số liệu khô khan dù con số ấy phải đổi bằng rất nhiều máu của cha ông ta, trong đề thi cũng không bao giờ hỏi chi tiết về những số liệu này. Vì vậy, đừng biện minh hay đổ lỗi khi chính bản thân không coi trọng việc học môn Lịch sử một cách nghiêm túc".

Thầy Hiển cho hay, nhiều bạn trẻ hiện nay, nhất là lứa tuổi đang học phổ thông gần như rất ít quan tâm về lịch sử dân tộc.

"Một số bạn trẻ vẫn nghĩ Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em. Điều gì sẽ xảy ra nếu như giới trẻ hiện tại và tương lai không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết thì cũng dừng lại những hiểu biết ngây ngô, thậm chí là nhận thức méo mó, lệch lạc?", giáo viên này bày tỏ lo ngại.

Cũng theo thầy Hiển, không ít học sinh và phụ huynh cho rằng, môn Lịch sử chỉ quan trọng đối với những bạn học khối C, thi khối C. Học sinh ôn khối khác không cần chọn và cũng không cần học, chỉ cần đọc trên mạng, xem phim hoặc đọc sách là đủ.

Thực tế, trong những năm gần đây, số thí sinh lựa chọn môn Lịch sử để xét tuyển đại học chỉ chiếm khoảng 10% tổng số thí sinh. Phổ điểm của môn học này vài năm trở lại đây luôn "đội sổ". Năm 2021, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm 52% trong tổng số hơn 63 vạn thí sinh chọn Lịch sử để thi tốt nghiệp.

"Theo tôi, suy cho cùng là phải thay đổi trong cách dạy học, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu, đổi mới phương pháp, kỹ năng chứ không phải đưa môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn để học sinh nào thích và có khả năng thì mới đăng ký học", thầy Hiển nêu quan điểm.

Hoài Ân