Khi gia đình vắng bữa cơm tối

22/06/2011 01:15
(GDVN) - Ban ngày bố mẹ đi làm ở cơ quan đến tối về nhà cơm ai người đó ăn, giường ai người đó ngủ thì nạn nhân chính vẫn là những đứa con của họ.

(GDVN) - “Nhiều năm trong nghề tham vấn tâm lý và nghiên cứu tâm lý, tôi thấy một điều rất quan trong trong mái ấm gia đình - đó là bữa cơm tối”.

Ám ảnh từ bữa cơm gia đình


Nguyễn Thị L. (Thanh Xuân, Hà Nội) trở nên trầm cảm, ít nói. Mỗi khi đi học về em lại đi thẳng lên phòng không để ý trong nhà có ai. Khi nào đói em lại chạy xuống bếp kiếm gì ăn đó.

Đối với L. bữa cơm gia đình trở thành nỗi ám ảnh. Cả tuần bố mẹ L. không ăn cơm chung với nhau, bố đi ăn với bạn bè, mẹ em thì hôm về nhà, hôm cũng đi ăn khách. Bỏ mặc hai đứa con thích ăn gì thì ăn. Hàng tuần, mẹ L. thường đi chợ hoặc siêu thị mua đồ ăn về nhét đầy cái tủ lạnh để con cái ăn dần.

Khi nào cả nhà ngồi cùng một mâm cơm là bố mẹ L. lại to tiếng. Mẹ L. nấu ăn không khéo, không hợp khẩu vị với bố. Lúc đó họ lại "đấu khẩu", tranh luận nhau. Nhiều lần bố L. còn đẩy cả mâm cơm xuống sàn nhà khiến mẹ L và L. chỉ còn biết khóc.

Được biết, anh trai L. đã học xong lớp 12 và đi du học chỉ còn một mình L. Gia đình vắng vẻ càng khiến L. thêm trầm uất. Một lần cô đã lầm lũi đến “cầu cứu” nhà tư vấn.  “Thấy bạn bè đi học về nhà có cơm ăn, ngồi chung mâm với cả gia đình cháu thèm lắm. Cháu chỉ ước có một bữa cơm tối ngồi cùng gia đình thì thật là hạnh phúc” – L. chia sẻ với chuyên gia tâm lý.

Bữa cơm gia đình có thể giúp những đứa con phát triển hoàn thiện
Bữa cơm gia đình có thể giúp những đứa con phát triển hoàn thiện

Trong xã hội hiện nay, những người có cùng cảnh ngộ với L. thật là nhiều. Ban ngày bố mẹ đi làm ở cơ quan đến tối về nhà cơm ai người đó ăn, giường ai người đó ngủ thì nạn nhân chính vẫn là những đứa con của họ.

Nhà tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hoà - chuyên gia tư vấn tâm lý Tổng đài 1088 cho biết hơn 10 năm làm chuyên gia tư vấn tâm lý - đã "mổ xẻ" rất nhiều trường hợp trẻ bị tự kỷ, trầm cảm thậm trí có thể rối loạn tâm thần, bỏ nhà đi hoang vì mái ấm gia đình lung lay hoặc đổ vỡ.

Đa số những đứa trẻ đi bỏ nhà đi hoang mà ông tiếp xúc đều có vấn đề về gia đình. Bố mẹ chúng có thể đã chia tay hoặc đang sống ly thân.

Dường như, những bậc làm cha mẹ lại không để ý đến tầm quan trọng của bữa cơm tối trong nhà. Bữa ăn là nơi gắn kết tình cảm gia đình cũng có thể là nơi khiến “tổ ấm” gia đình thành “tổ lạnh”.

Cháu ước là khách hàng của mẹ


Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ, có những trường hợp trẻ em do ông tư vấn tâm lý chúng thèm khát một bữa cơm tối, thèm được bố mẹ quan tâm mình như họ đã quan tâm công việc của họ.

Trường hợp của em Vũ Thị M. (Ba Đình, Hà Nội) là một điển hình. Bố mẹ M. làm kinh doanh nên bận bịu tối ngày. Mọi việc trong gia đình đều do người giúp việc làm. “hàng ngày mẹ em đi từ sớm đến khuya mới về. Bố em ở nhà 5 ngày/tháng. Mỗi khi bố về nhà cả nhà muốn ăn cùng nhau bố lại đưa gia đình ra nhà hàng. 5 năm nay chưa bao giờ em thấy mẹ em nấu cơm cho cả em và bố ăn cả”.

Mẹ nói chuyện với con cái rất lạnh lùng. Khi em thi đại học bố mẹ cũng bận không kịp hỏi em thi trường gì. Chỉ đến khi em đỗ đại học, bố mẹ em mới biết con mình đã học đại học.

Có lần M. tâm sự “em chỉ ước mình là một khách hàng của mẹ, mỗi khi mẹ nói chuyện với khách sao giọng mẹ ngọt ngào và quan tâm tới họ vậy”.

Ông Hòa cho biết có những đứa trẻ đã vừa khóc, vừa gọi điện tới tổng đài nói “làm thế nào để bố mẹ cháu không chia tay, làm thế nào để cháu được ăn tối cùng với cả nhà, làm thế nào để bố mẹ hiểu cháu và quan tâm tới con cái như họ quan tâm tới khách hàng, bạn bè của mình”.

Lại một lần nữa, ông Hòa chia sẻ với các gia đình hãy quý trọng những gì mình có. Ban ngày đi làm ăn ớ cơ quan, buổi tối về nhà hãy cố tạo cho gia đình một bữa cơm thật thoải mái để mái ấm gia đình càng thêm bền chặt hơn. Con cái sẽ hiểu được tầm quan trọng của ngôi nhà để chúng còn muốn trở về nhà thay vì lang bạt giang hồ.

Lan Chi