Kinh nghiệm khi cho trẻ đi dự tiệc

12/03/2012 15:56
Theo Eva
Không hiếm ông bố bà mẹ “không biết tìm đâu ra lỗ để chui” khi các quý tử giãy đành đạch ra sàn, đòi bằng được bó hoa của cô dâu hoặc ngoáy tung đĩa thức ăn...

Bé gái tóc thắt bím, cài hoa, xúng xính trong chiếc váy bồng; bé trai đeo nơ, chững chạc trong bộ đồ vest xinh xắn, con bạn như những công chúa, hoàng tử nhỏ khi “tháp tùng” cha mẹ dự tiệc cưới.
Thế nhưng, không hiếm ông bố bà mẹ “không biết tìm đâu ra lỗ để chui” khi các quý tử giãy đành đạch ra sàn, đòi bằng được bó hoa của cô dâu, hoặc ngoáy tung thức ăn trước bao thực khách… Vì vậy, khi định cho con đi tiệc cưới, bạn phải lường trước các tình huống có thể xảy ra để dạy con cách ứng xử.
Trước hết, bạn hãy cân nhắc độ tuổi của con mình có thích hợp tham dự tiệc của người lớn hay không. Có những buổi tiệc tổ chức theo kiểu tiệc đứng - tự phục vụ - thì không nên cho trẻ tham gia, vì phục vụ bé sẽ rất mệt, bạn không có thời gian tiếp chuyện với bạn bè hoặc lấy thức ăn cho mình. Có những buổi tiệc, cô dâu chú rể đã lớn tuổi, tổ chức ở những nơi trang trọng cũng không nên dắt trẻ theo.
Khi trẻ còn quá nhỏ, cũng không thích hợp cho bé theo dự tiệc, vì âm thanh của đám tiệc rất ồn ào, không tốt cho thính lực của bé. Có những buổi tiệc tổ chức ngoài trời, khách tự do hút thuốc, điều này càng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe trẻ em.
Nếu bé đã lớn và có thể tham gia tiệc với cha mẹ, hãy dạy cho bé cách chào hỏi, ăn uống lịch sự, nói chuyện lễ phép với người lớn… Giữa bạn và bé nên thống nhất với nhau một ký hiệu để bé biết khi nào cần ngưng lại. Ví dụ, khi bạn chạm vào tai thì có nghĩa là bé phải “dừng lại”. Điều này sẽ làm cho bé không bị mất mặt và bối rối khi bị nhắc nhở nơi đông người.
Không nên chiều chuộng bé quá, như đề nghị mọi người phải nhường cho bé thức ăn bé ưa thích, nhưng cũng không nên la mắng, sỉ vả bé trước mọi người. Con bạn cũng có “cái tôi” như người lớn, và nếu bạn làm chúng bẽ mặt giữa mọi người, hậu quả có khi càng tồi tệ hơn.
Bạn cũng cần giải thích với bé về ý nghĩa của buổi tiệc và câu giải thích nên phù hợp với lứa tuổi của chúng như: “Ngày hôm nay là ngày vui của cô chú…, con sẽ rất giỏi nếu có thể nói câu chúc mừng với cô chú” hoặc “mọi người đều cần không gian yên tĩnh trong lúc làm lễ, nếu con la hét hoặc nói lớn tiếng, mẹ sẽ rất xấu hổ. Nhưng sau khi làm lễ xong, con có thể vui chơi với bạn”...
Tuy nhiên, những đứa trẻ quá nhỏ - dưới năm tuổi - thường sẽ khó giữ được yên lặng hơn 15 phút. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị cho chúng những món đồ chơi ưa thích mà không phát ra âm thanh để “đánh lạc hướng” chúng. Nếu bé quá hiếu động, bạn nên đưa bé ra ngoài sảnh, xong phần nghi lễ hãy vào.
Theo Eva