Vì sĩ diện, con "dám" chê cha mẹ xấu

02/11/2011 17:07
Theo Afamily
“Từ mai mẹ đừng đưa con đi học nữa nhé, con không thích”, đứa con gái chị Loan vừa xuống xe vừa nói với mẹ như vậy khi chị đón con ở trường về như mọi ngày.
Chưa kịp hiểu gì, con gái chị quay lại nói thêm: “Các bạn cứ bảo con là, sao mẹ xấu thế”.
 
Con gái chị, một đứa con gái mới học lớp 4 mà đã biết xấu hổ về mẹ, mà xấu hổ về cái gì lại đi xấu hổ vì các bạn chê mẹ xấu. Đúng là chị Loan không được trời phú cho sắc nước hương trời nếu như không muốn nói là không được xinh đẹp lắm. Ngày biết tin mang bầu con gái, không phải chỉ có chị mà cả nhà chồng chị lo lắng con gái sau này giống mẹ thì… May mà con bé giống bố nhiều nên cũng khá xinh xắn.
Cũng chính vì sợ con không xinh giống mẹ nên chị luôn quan tâm đến chuyện ăn uống, chăm sóc da dẻ cũng như cách ăn mặc của con để con không thua kém gì các bạn. Nhưng chuyện con gái quay ra chê mẹ xấu và không muốn mẹ đưa đón đến trường chỉ vì nó không muốn các bạn nhìn thấy mẹ nó thì chị Loan hoàn toàn không thể ngờ được.
Vẫn biết con còn nhỏ, chưa hiểu hết mọi chuyện, nhưng chị Loan vẫn thấy sống mũi cay cay. Có lẽ nào tình cảm mẹ con chị không đủ để con chấp nhận diện mạo bên ngoài của mẹ. Bỗng dưng chị Loan rơi vào trạng thái chơi vơi, không biết làm sao với cô con gái “sĩ diện” của mình, chị không biết có nên mắng cho con một trận để con “tỉnh” ra hay không.
 
Tương tự như chị Loan, anh Lâm cũng rơi vào trạng thái dở khóc dở cười. Do hoàn cảnh mà anh Lâm mãi mới kết hôn và có con ở tuổi ngoài 40. Tuy là có con ở tuổi đó chưa phải là quá cao nhưng khi con đến tuổi đi học thì nhìn hai bố con không khác hai ông cháu là mấy. Thậm chí, có lần ngay chính cô giáo của con trai anh Lâm còn nhầm.
Trước đây, đi đâu anh Lâm cũng muốn đưa “cậu ấm” của mình đi cùng, tuần nào cũng muốn đưa con đi chơi đâu đó và ngày nào cũng cố gắng đi làm về sớm để đón con. Cũng trước đây, nếu có ai nhầm hai bố con là hai ông cháu thì bao giờ con trai anh cũng lên tiếng trước: “Không phải, bố cháu đấy ạ”. Những lúc như vậy, anh Lâm có hơi chạnh lòng, nhưng câu trả lời của con trai làm anh cảm thấy ấm áp và vui hơn rất nhiều.
 
Nhưng con càng lớn thì tuổi của anh Lâm càng nhiều hơn, tức là nhìn cả hai lại càng giống ông cháu hơn, nhất là khi anh Lâm có dáng người không được trẻ trung cho lắm. Năm con trai lên lớp 5, nó đã bắt đầu thấy ngại khi đi cùng bố vì: “Đi cùng bố người ta toàn bảo là hai ông cháu thôi.
Ngại lắm”. Mặc dù không phản đối việc bố đưa đón đến trường nhưng hôm nào con trai anh Lâm cũng lặp đi lặp lại câu hỏi: “Hôm nay bố hay mẹ đón con ạ?” Nếu hôm nào mẹ đón thì con trai anh tỏ ra vui mừng ra mặt.
 
Trường hợp như của chị Loan, anh Lâm không phải quá xa lạ với chúng ta. Ngày nay, khi mà nhiều người mải mê theo đuổi sự nghiệp mà quên đi việc kết hôn và có con thì cho tới khi có con, tuổi của họ cũng không còn quá trẻ nữa. Chính vì vậy mà chuyện hai bố con bị nhận nhầm là hai ông cháu vẫn thường xảy ra.
Và không bao giờ có chuyện người phụ nữ xấu thì không được có con. Nhưng chuyện nhận nhầm ông cháu hay chuyện có mẹ không xinh không phải là lý do để con cái được vin vào đó để không muốn bố mẹ xuất hiện bên cạnh mình.
 
Trẻ con có thể chưa hiểu chuyện, nhưng chúng hoàn toàn có thể hiểu nếu được bố mẹ giảng giải và phân tích cho con. Cha mẹ là người đã sinh ra con cái, lo lắng, chăm sóc và nuôi nấng con trong suốt cuộc đời mình, bởi vậy mà con cái không có quyền chọn lựa hay che bai cha mẹ.

Những hành động trẻ con như của con gái chị Loan và con trai anh Lâm tưởng là vô tình nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm cha mẹ và con cái. Ngay lúc này, cha mẹ cần phân tích cho con hiểu về tình cảm gia đình, tình mẫu tử, phụ tử… để con biết tôn trọng và yêu thương cha mẹ hơn. Nếu chỉ vì giận con, sợ con tổn thương hoặc cố tình làm theo ý con để con đỡ xấu hổ với bạn bè thì tức là cha mẹ đã vô tình đẩy con cái ngày càng xa mình hơn.

Theo Afamily