Ở Đức, tôi không thấy chương trình nào dùng ngân sách cho công chức học ThS, TS

03/06/2022 06:32
Thiên Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo TS. Lê Đức Dũng, ở Đức, các công chức thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhưng đó chỉ là chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hoặc thường niên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đức Dũng - chuyên gia nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, hiện làm việc tại Đức đã có những chia sẻ xoay quanh công tác tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng công chức ở Đức.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, ở Đức, nguyên tắc và tiêu chuẩn năng lực trong tuyển chọn công chức được quy định như thế nào? Những vị trí việc làm nào ưu tiên tuyển dụng người có trình độ chuyên môn cao từ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Về cơ bản, ở Đức có công chức liên bang làm việc trong các cơ quan liên bang và công chức của bang làm trong các cơ quan do bang quản lý. Mỗi bang đều có luật và quy định riêng nên tiêu chuẩn năng lực trong tuyển chọn công chức cũng khác nhau. Do đó, sẽ không có tiêu chuẩn chung cho tất cả các bang.

Để tham gia thi tuyển, ứng viên phải đảm bảo một số nguyên tắc. Ứng viên phải có quốc tịch Đức hoặc EU, một số trường hợp ngoại lệ mang quốc tịch khác nhưng vẫn được chấp nhận.

Về mặt trình độ, tuỳ theo vị trí việc làm, các cơ quan sẽ yêu cầu trình độ và bằng cấp của ứng viên tương ứng. Ở Đức, hệ thống công chức được chia theo nhiều thứ bậc, thường là 4 bậc từ thấp đến cao.

Tiến sĩ Lê Đức Dũng - chuyên gia nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, hiện làm việc tại Đức. (Ảnh: Thomas Obermeier)

Tiến sĩ Lê Đức Dũng - chuyên gia nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, hiện làm việc tại Đức. (Ảnh: Thomas Obermeier)

Ví dụ, công chức cấp thấp chỉ cần có bằng tốt nghiệp cấp 2 và sau đó học việc từ 6 tháng là đủ điều kiện làm việc. Công chức cấp trung bình cần có bằng cấp 2 trở lên và tốt nghiệp học nghề 3 năm. Yêu cầu tối thiểu đối với công chức ở bậc cao hơn nữa là phải có bằng tốt nghiệp đại học ứng dụng. Cuối cùng, công chức ở cấp cao nhất cần đạt trình độ học vấn từ thạc sĩ trở lên.

Ở Đức, trường đại học thường thuộc về các bang nên hầu hết giáo sư đều là công chức. Một số nhà khoa học, giảng viên cũng là công chức, họ thường có trình độ học vấn từ tiến sĩ trở lên.

Tuy nhiên, ngoài môi trường đại học thì một số nhiệm sở trong các chính quyền có những vị trí đòi hỏi công chức phải có bằng cấp cao, ví dụ như nhiệm sở y tế, cơ quan giáo dục và nghiên cứu khoa học, cơ quan thú y, tài nguyên môi trường, xây dựng - đô thị... Trong những cơ quan này, nhiều vị trí yêu cầu nhân sự phải đủ năng lực học thuật để quản lý, đánh giá và tư vấn các vấn đề liên quan mà họ được phân công phụ trách.

Thông thường với các vị trí này, cơ quan sẽ tuyển những người đã có bằng cấp tương ứng theo yêu cầu. Theo tôi tìm hiểu, ở Đức, rất ít ứng viên đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ sau khi đã trở thành công chức, nếu có thì trường hợp này thường có sự thoả thuận từ phía cơ quan chủ quản với các công chức.

Phóng viên: Theo ông, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Đức khác gì so với Việt Nam, cụ thể là một số thành phố lớn như Hà Nội? Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ở Đức sẽ được chi từ nguồn nào?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Theo như tôi được biết, các công chức ở Đức vẫn thường xuyên được đào tạo, huấn luyện, bổ sung chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến công việc họ quản lý. Tuy nhiên, đó chỉ các là chương trình đào tạo bồi dưỡng và huấn luyện ngắn hoặc thường niên.

Tại Đức, tôi không thấy bất kỳ một chương trình nào dùng ngân sách nhà nước để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho công chức đương nhiệm. Đối với các nguồn để trả lương cho công chức hầu hết sẽ được chi từ ngân sách nhà nước, hay chính xác hơn là từ nguồn thuế do nhà nước thu.

Phóng viên: Ở Đức, các chức danh và trình độ học thuật có gắn với cơ hội thăng tiến?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Không chỉ ở Đức mà hầu hết các quốc gia khác, trình độ học thuật thường gắn liền với cơ hội thăng tiến trong công việc, kể cả trong các cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, dù có bằng cấp, công chức vẫn phải chứng minh được thực lực qua công việc thực tế. Tại Đức, trong các cơ quan chính quyền, đa phần những người làm việc ở vị trí cao sẽ có trình độ học vấn cao tương đương. Đây cũng là những nhà quản lý có năng lực và bằng cấp họ đạt được thường là kết quả của quá trình học tập và nghiên cứu trước khi họ vào làm cho các cơ quan chính quyền. Đối với lĩnh vực không yêu cầu bằng cấp cao thì cơ hội cạnh tranh cho người có năng lực là như nhau.

Phóng viên: Chế độ đãi ngộ, thu hút, giữ chân người tài ở khu vực công được Chính phủ Đức quan tâm như thế nào, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Việc thu hút và giữ chân người tài các cơ quan công quyền luôn là vấn đề mà nhiều quốc gia quan tâm. Ở Đức, các công chức được hưởng khá nhiều ưu đãi như có vị trí công việc ổn định, được miễn nhiều loại thuế và bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội...

Bên cạnh đó, công chức còn được nhận tiền hỗ trợ gia đình cho con cái và cho chồng hoặc vợ trong một số trường hợp. Do vậy, tổng thu nhập sau thuế của công chức khá cao so với mặt bằng chung. Khi về hưu, họ cũng được hưởng tỉ lệ lương hưu cao hơn so với những người không phải là công chức.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Thiên Nhi