Cơ duyên đến với hành trình thiện nguyện
Sinh năm 1973, kiến trúc sư Phạm Đình Quý là người con sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ở mảnh đất Hưng Yên. Trước đây, anh từng là giám đốc của một công ty xây dựng có tiếng, cuộc sống dư dả, đủ đầy, gia đình hạnh phúc cho đến khi công ty gặp biến cố và phá sản.
Anh Quý bảo đó là những ngày tháng tối tăm nhất của cuộc đời, mất hết sự nghiệp, tiền bạc và gia đình cũng không còn trọn vẹn. Cảm giác của một người từng có tất cả rồi mất hết chỉ trong khoảnh khắc khiến anh như bị chôn vùi trong một hố sâu tối tăm, lạnh lẽo… chỉ muốn đến một nơi nào đó thật xa. Rồi trong những chuyến đi xa ấy, anh có cơ duyên đến với hành trình thiện nguyện.
Công trình đầu tiên anh Quý tham gia xây dựng là khu nội trú cho học sinh Trường Tiểu học Trung Lý 1, huyện Mường Lát, Thanh Hóa, năm 2004. Công trình được xây dựng bằng sự hỗ trợ của cộng đồng mà chính anh là cầu nối.
Anh Quý nhớ lại: “Tôi đến đó lúc đầu chỉ với tâm nguyện đi đến một nơi thật xa để có những trải nghiệm cho bản thân, nhưng không ngờ đó là lần đầu tiên tôi có những bài học về cuộc đời, về cho và nhận.
Ở đó, họ rất khổ, có những đứa trẻ nghèo, không đủ cơm để ăn, không đủ áo để mặc và tất nhiên là câu chuyện về một ngôi trường là cả bầu trời ước mơ của rất nhiều đứa trẻ.
Lúc đó trong tâm khảm của một người thất bại, trắng tay, tôi chỉ đặt một câu hỏi, bao nhiêu năm mình sân si với cuộc đời này, mình để gì lại cho cuộc đời. Từ đó thúc đẩy tôi muốn làm một việc gì đó để sau này nếu khi chết đi thì vẫn là người có ích cho những cuộc đời khác ở lại. Và, tôi nghĩ đến chuyện xây trường.
Tôi nghĩ muốn phát triển ở những nơi xa xôi thế này bắt buộc phải đầu tư về giáo dục, đầu tư về con người. Chúng ta có thể đầu tư làm con đường nhưng nếu chỉ có vậy, người dân không có tri thức thì không mang lại giá trị thay đổi.
Chính vì thế, tôi nghĩ nếu các em được học hành trong một ngôi trường tử tế, tiếp nhận được kiến thức xã hội để trưởng thành thì cái cách trở của địa lý, cái nghèo khó của đời sống lúc đó cũng không thể làm chậm sự phát triển của các em được”.
Anh Phạm Đình Quý và học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC. |
Ngôi trường chính là ánh sáng của tri thức, đối với quan niệm của anh Quý, nếu có tri thức thì sẽ vượt qua đói nghèo, lạc hậu, nhiều đứa trẻ sẽ có tương lai tốt đẹp hơn. Có tri thức thì tương lai các em có thể vẫn gặp quả đồi trọc, vẫn là tư duy nông nghiệp nhưng các em biết trồng cây gì trên quả đồi để phủ xanh, nuôi con gì mang lại kinh tế làm giàu quê hương.
“Đầu tư về con người là một quá trình rất dài, nhưng không lo lỗ vốn. Chính tri thức thay đổi con người thì những gì phát triển về con người là số lãi to lớn mà tôi nhận được từ những đứa trẻ, từ những thầy, cô bám bản xa xôi dạy học”, anh Quý trải lòng.
Đi xây trường với số vốn 0 đồng
Sau 7 năm trên hành trình thiện nguyện, đến cuối năm 2020 vừa qua, anh Quý đã kết nối hoàn thành xong 150 trường và điểm trường.
Ngôi trường đầu tiên anh xây dựng bằng số tiền kêu gọi từ bảy người bạn, mỗi người mười triệu đồng. Lúc đấy, cầm 70 triệu với dự toán của một kiến trúc sư anh không thể hoàn thiện được một lớp học theo ý mình. Nhưng anh vẫn quyết tâm quay lại Mường Lát, Thanh Hóa với hi vọng “chỉ xây cho các em một cái sân chơi cũng được, cái gì cũng được miễn là động viên các em đến trường”.
Ấy thế mà ông “Bừa” (nickname của anh Quý) nổi tiếng trên các diễn đàn mạng là một người đi “xin” tiền có duyên và chi tiêu “tiền xin” sòng phẳng.
Anh Quý tâm sự: “Lúc đầu, tôi chỉ đăng lên mạng xã hội để chia sẻ những việc bản thân làm ở Mường Lát và mong muốn những ai đồng cảm trước hoàn cảnh của các em nhỏ thì chung tay xây dựng sân chơi. Được như vậy cũng mừng rồi!
Ấy vậy mà tôi quyên góp được hơn 600 triệu đồng, số tiền vượt quá mong đợi, xây được lớp học, nhà giáo viên và sân chơi.
Số tiền lúc đó dư ra lại thôi thúc tôi tìm thêm một địa điểm để xây tiếp những điểm trường khác. Cứ thế số tiền được gửi đến ngày càng nhiều và dự án về những ngôi trường liên tục được thực hiện”.
Trong chuyến đi lên Bắc Kạn, anh nói với tôi rằng, ở những nơi xa xôi như thế này, trường lớp là ước mơ xa xỉ. Có những thầy cô quyết tâm bám bản, những đứa trẻ có ước mơ cắp sách đến trường, vậy tại sao chúng ta không xây được một ngôi trường để những ước mơ đó được chấp cánh?
Anh bảo: “Bao nhiêu năm sống trên cuộc đời, đây mới là những năm tháng cảm thấy thú vị, đáng sống, đó chính là giá trị của sự cho đi và nhận lại”.
Anh Quý được các em nhỏ trên những nẻo đường đã qua trìu mến, thân thương gọi bằng “thầy”. Người thầy chưa có một đứng trên bục giảng, chưa một lần dạy các em bài toán, câu thơ, nhưng anh chính là cánh tay dìu dắt từng bước các em đến trường, là người đặt những viên gạch nhỏ góp phần dựng xây tương lai cho những đứa trẻ ở chốn quê nghèo.
Những nơi anh qua là những hình ảnh đọng lại sâu sắc, là những nét in đậm của cuộc sống khó khăn, vất vả của bà con nơi đó. Những mảnh đất càng nghèo nàn, càng sâu xa thì dường như tình người, tình đời ở đó càng đượm.
Anh kể với tôi, chuyến đi cuối năm vào mảnh đất Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam để hoàn thành những ngôi trường ở đó anh nhận quá nhiều sự ủng hộ về vật chất, tinh thần, đặc biệt là nhân dân địa phương nơi anh đến xây trường.
“Ở điểm trường thôn 5, Trà Cang, huyện Nam Trà Mi, để xây một phòng học kiên cố thay thế cho lớp học bị cuốn mất trước đó vì bão, người dân, thầy cô đã phải tăng bo thủ công vài ba viên gạch một đi bộ 5 kilomet mới vào được tới nơi.
Ô tô chuyển đồ dùng vào cách đó 14 kilomet, rồi dùng xe rùa, xe máy chuyển vào gần hơn một chút vì đường xấu. Nhưng chặng đường cuối cùng thì chỉ có thể đi bộ được thôi.
Mỗi đoạn đường khó khăn ấy tôi lại nghĩ, những đứa trẻ ở bản xa hơn, cũng đi bộ vào mùa mưa như thế này, còn vất vả hơn chúng tôi đi xây trường, vậy nên phải quyết tâm vượt qua xây dựng các điểm trường thôn 5, thôn 6 Trà Cang.
Nhiều người dân nơi đây vẫn còn những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, nhưng đã có nhiều thanh niên đi học rồi quay trở về xây dựng quê hương, nên tôi lại càng tin tưởng khi xây dựng trường học nơi đây sẽ giúp những đứa trẻ trưởng thành, giúp quê hương phát triển. Chỉ cần nghĩ như thế, những mệt mỏi, khó khăn lại trở thành sức mạnh, kiên trì, bề bỉ của tôi”, anh Quý kể và cho tôi xem bức ảnh chụp cùng cô giáo và những đứa trẻ tóc hoe vàng vì nắng, gầy trơ xương vì đói nhưng ánh mắt trong sáng, vô cùng tuyệt vời ở Trà Cang.
Trên hành trình giúp đỡ trẻ em và dân bản, anh Quý tận mắt nhìn thấy niềm vui, hạnh phúc của những đứa trẻ và cô giáo vùng cao lần đầu được mặc áo khoác mới; những đứa trẻ hức, lạ lẫm vì lần đầu tiên trong đời được ăn bát phở vận chuyển từ Hà Nội lên...
Còn với anh, ngủ ở rừng, uống nước bản, ăn những món ăn nghe lạ hoắc từ tên gọi, có khi cả tháng trở thành người rừng vì đi vào chốn không sóng, không mạng, không điện… được “thầy” Quý gọi tên là “trải nghiệm” mặc dù tuổi của người đàn ông này đã gần năm mươi.
Năm 2018, trong một chương trình tổ chức vì cộng đồng, Phạm Đình Quý được bình chọn là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng vì đã đi khắp đất nước, có nhiều đóng góp vào việc xây dựng được 136 trường và điểm trường cho học sinh nghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn. Con số đó đến bây giờ là 150 và vẫn đang còn nhiều hơn nữa.
Tôi bị cuốn vào những câu chuyện của anh trên cả chặng đường dài về cho và nhận trong cuộc đời này. Anh bảo: “Sống là phải biết cho đi, đâu phải chỉ nhận về mình. Tôi có rất nhiều của cải nhờ duyên mà “đi xin” được để giúp nhiều người nhưng ngược lại tôi nợ rất nhiều ân tình trên cuộc đời này. Tôi cứ làm thôi, đến đâu rồi tính tiếp, nhưng khi nằm xuống, thấy mình còn thở thì ngày mai tôi vẫn tiếp tục đi xây những ngôi trường”.