Thời gian qua nhiều cán bộ bị đưa ra xử lý vì vi phạm pháp luật, gian dối bằng cấp, bổ nhiệm không đúng quy trình được dư luận ủng hộ và đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp bị xử lý nghiêm thì dư luận vẫn đề cập nhiều trường hợp bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, không rõ ràng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý, hoặc xử lý không thỏa đáng.
Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Lê Văn Cuông: “Về công tác cán bộ được Đảng và nhà nước đánh giá là một vấn đề rất hệ trọng, có ý nghĩa quyết định. Vấn đề này được xem là then chốt”.
Ông Lê Văn Cuông cho rằng, đang có thực tế, trên thì nóng, dưới thì lạnh trong việc xử lý sai phạm liên quan đến công tác cán bộ (ảnh nguồn giaoduc.net.vn). |
Chia sẻ thêm thông tin, vị chuyên gia này cho rằng: “Thời gian qua, nhiều cấp ngành địa phương thực hiện vấn đề này không đúng quy định của Đảng và nhà nước đã gây ra bức xúc trong dư luận.
Sau khi dư luận từ nhân dân và báo chí nêu cũng như qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện ra nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như cấp ủy đảng vào cuộc và xử lý nghiêm.
Nhất là các vụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì phải nói xử lý rất nghiêm khắc, khách quan và có tính thuyết phục được dư luận rất đồng tình và hoan nghênh.
Từ đó đã tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng nói chung và đối với Ủy ban Kiểm tra Trung ương được nâng lên.
Người ta thấy việc làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Ban Bí thư, Bộ Chính trị vừa qua rất là ấn tượng, rất là được lòng dân”.
Tuy nhiên cũng theo vị này, công tác cán bộ hiện nay còn nhiều vụ việc, nhất là ở nhiều địa phương, các ngành phát hiện sai phạm nhưng xử lý chưa được nghiêm, hoặc là có những biểu hiện né tránh, hay xử nhẹ tội.
Việc làm như vậy đã khiến dư luận không đồng tình. Dư luận đang trông chờ vào cách thức tiếp theo để làm cho đến nơi đến chốn, xử lý dứt điểm các sai phạm này”.
Mổ xẻ về nguyên nhân để xảy ra thực trạng xử lý không đến nơi, đến chốn các sai phạm trong công tác cán bộ, ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Còn có ngành, địa phương chưa tích cực vào cuộc, cũng như vào cuộc thì làm cho qua chuyện, làm cho có.
Nói chung, còn có tình trạng xử lý cán bộ làm rất hình thức và chưa đạt được yêu cầu. Điều này ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của các quy định có liên quan đến công tác cán bộ”.
Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Nam |
Ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh: “Chính tình trạng này nên nhiều nơi người ta mong trung ương vào cuộc, chứ để cho địa phương rất là khó làm được công tâm, minh bạch.
Đang có thực tế, trên thì nóng, dưới thì lạnh”.
Để giải quyết tình trạng này, ông Lê Văn Cuông nói: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải có giải pháp cụ thể chỉ đạo vấn đề này chứ không để tình trạng này kéo dài làm giảm đi tính nghiêm minh của công tác xử lý cán bộ.
Niềm tin của người dân đang tăng lên thì việc xử lý sai phạm trong công tác cán bộ cũng phải rộng khắp, phải nghiêm túc.
Vấn đề đặt ra hiện cần thiết phải có một cách thức chỉ đạo của Đảng để chấm dứt tình trạng dung túng, bao che cho sai phạm trong công tác cán bộ.
Theo tôi, khi có những vụ việc có tính nghiêm trọng, dư luận nêu nhiều, địa phương làm nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa thỏa đáng thì đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải vào cuộc ngay”.
Giải thích rõ thêm về ý kiến của mình, ông Lê Văn Cuông cho biết thêm: “Mặc dù đã có quy định về sự phân cấp cho các ngành, địa phương trong công tác cán bộ.
Nhưng khi cấp dưới làm không tốt, không đáp ứng được yêu cầu và khi dư luận vẫn còn có ý kiến, ý kiến của người dân và báo chí có cơ sở thì trung ương phải bố trí vào cuộc để làm rõ.
Nếu trung ương vào cuộc mà thấy rằng địa phương thực hiện không nghiêm, lẽ ra phải xử lý thế này, thực hiện thế này nhưng vì địa phương vì lý do này, lý do khác (do trình độ kém hay né tránh, hay vì mối quan hệ dính líu này khác không làm) đã cố tình bao che thì phải xử lý cấp ủy đó, đặc biệt người đứng đầu.
Nếu trung ương không vào cuộc mà để cho địa phương không xử lý hoặc né tránh hoặc làm không tốt thì sẽ rất khó thực hiện nghiêm minh được chủ trương về công tác cán bộ”.
Tôi tin rằng có cách để ta không mất cán bộ, cũng không thiệt hại lớn về kinh tế |
Cũng theo vị này: “Những trường hợp khác phải yêu cầu các cấp khi có dư luận báo chí nêu thì tiến hành xác minh, xử lý nghiêm túc và báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Nếu như có kết quả công bố mà không đảm bảo được các yêu cầu, người dân vẫn còn ý kiến, báo chí vẫn nêu thì các cơ quan chức năng xác định phải vào cuộc xác minh cấp dưới đã thực hiện tốt chưa?
Nếu chưa thì phải xử lý trách nhiệm đơn vị đó. Có xử lý như thế thì ở dưới mới vào cuộc một cách nghiêm túc.
Còn nếu cứ bình bình như hiện nay, trung ương làm tốt rồi nhưng địa phương lại có biểu hiện né tránh”.
Vị này nhấn mạnh: “Bây giờ Ban Bí thư, Bộ Chính trị phải có một cuộc tổng kiểm tra chính sách bổ nhiệm cán bộ như Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị hoặc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị tổng rà soát lại công tác cán bộ cả nước để xem xét, xử lý là tốt nhất.
Nếu không thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị có phương án nào đó chỉ đạo toàn hệ thống, mọi cấp, mọi ngành toàn địa phương phải rà soát, khắc phục vấn đề này một cách nghiêm túc.
Đừng để tồn tại chuyện đánh trống bỏ dùi, hoặc chỗ này làm chỗ kia không làm sẽ phản tác dụng”.