Câu ca dao cổ nói về kẻ sở khanh “cưa” gái có chồng như sau:
“Có chồng thì mặc có chồng; Ở đây vắng vẻ tơ hồng cứ xe”.
Thời hiện đại, có Sở ông, Sở bà, Sở cậu, Sở cô đang rỉ tai nhau bản nâng cấp của câu ca dao mà tổ tiên họ Sở để lại, rằng:
“Nhúng chàm thì mặc nhúng chàm; Ta đây “vua bé”, cứ làm sợ chi”.
Có người khuyên họ Sở đừng ngông cuồng, coi trời bằng cái khuy áo, hỗn với bề trên thì sớm muộn cũng ăn roi.
Lũ Sở chút chít cười lăn vì ở quê roi đỏ, roi hồng ngọt lịm, bán đầy chợ, hỗn mà bị phạt bằng cách ăn roi miễn phí thì tội gì không … hỗn?
Này nhé, bị đuổi khỏi trạm, cho ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông thì ngồi chơi vài bữa rồi “phấn” rồi “đấu” thế là gia nhập họ Sở, thành sếp cảnh sát giao thông cả tỉnh.
Có hai họ Sở khác choảng nhau vỡ đầu ngoài quán karaoke bị kỷ luật giáng chức, thế rồi tuân theo “quy trình” vừa “phấn” vừa “đấu”, nhất là được “Sở tộc” chăm bẵm nên lại được trở về với “ngôi nhà thân thương” của gia tộc Sở chỉ sau hơn ba năm xa cách.
Nghe nói Tòa án nhân dân tỉnh tương đương với cấp sở, thế nên thiên hạ mới xì xào chuyện ngày xưa có vị nữ Thẩm phán, Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện được cho là đã nhận tiền hối lộ của nguyên đơn trong vụ kiện dân sự ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Toà án nhân dân Tối cao đã cách chức Thẩm phán, huyện ủy Xuân Lộc đã khai trừ Đảng bà này.
Chẳng biết bà Phán ấy “phấn” thế nào, “đấu” thế nào mà giờ đây chễm chệ ngôi quan sở - tức là Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Bà Phán ăn hối lộ, bị đuổi khỏi tổ chức ít bữa rồi cho quay về ngồi “ghế” cao hơn, chắc lãnh đạo địa phương đó cho rằng đã xử lý nghiêm minh chứ không như đâu đó có vị trưởng phòng cấp huyện trộm trứng tại hội chợ chỉ bị kỷ luật khiển trách, nghe nói vẫn không bị khai trừ và cũng không phải đi đâu cả?
Vừa qua tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), Trưởng Công an xã này dùng súng bắn (đạn cao su) vào Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã khiến ông này bị thương phải vào viện khám.
Theo điều tra của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, vị Trưởng Công an xã này từng bị kết án về tội “Gây rối trật tự nơi công cộng” và phải nhận 12 tháng tù treo. [1]
Chiến thuật thời nay phải là “một đòn … chết tươi” |
Câu chuyện người bị án tù rồi trở thành Trưởng Công an xã khiến người ta nhớ đến hàng loạt học sinh (Nguyễn Đắc Minh - Hoàn Kiếm, Hà Nội; Lê Thị Bình - Quỳnh Lưu, Nghệ An; Bùi Kiều Nhi, Tuyên Hóa, Quảng Bình; Nguyễn Đức Ngà, Nam Đàn, Nghệ An;…) dù đủ điểm trúng tuyển vào các trường ngành Công an song đều không đủ điều kiện nhập học vì có người thân từng bị phạt tù hoặc xử lý hành chính.
Thượng tá Nguyễn Đăng Sáu, Phó cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết:
“Theo Quy định của Bộ Công an, thí sinh có nhân thân (bố, mẹ đẻ…) có tiền án, kể cả xóa án tích không được xét tuyển, sơ tuyển vào lực lượng Công an nhân dân”. [2]
Bố mẹ có tiền án thì con không được tuyển vào lực lượng công an kể cả khi đã xóa án tích, nghĩa là án tích ấy dù không đeo đẳng suốt cuộc đời người bị kết án nhưng lại ảnh hưởng đến con cái sau này.
Thế có phải là công bằng, hợp tình, hợp lý?
Thế dựa vào “Quy định nào của Bộ Công an” mà người có tiền án vẫn được tuyển vào làm Trưởng Công an xã?
Đối chiếu với ý kiến ông Cục phó Nguyễn Đăng Sáu, liệu có thể kết luận Công an xã không thuộc “lực lượng Công an nhân dân” hay do vị Trưởng Công an xã Nghi Quang đã “rửa sạch chàm” kể cả án tích cũng không còn nữa?
Cùng là lực lượng bảo vệ pháp luật, Công an không chấp nhận tuyển con của người có tiền án gia nhập lực lượng nhưng Tòa án ở Đồng Nai lại chấp nhận người đã bị khai trừ khỏi Đảng.
Cần nói thêm đây là hình thức kỷ luật cao nhất theo quy định trong Điều lệ Đảng (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ).
Chẳng lẽ kỷ luật mức cao nhất của Đảng vẫn thấp hơn “án treo” và vì thế việc bổ nhiệm làm Thẩm phán cấp tỉnh của Tòa án tỉnh Đồng Nai vẫn là đúng quy định?
Chuyện “tay nhúng chàm” và loài Smart-dê |
Nước Việt có hơn 90 triệu người, cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không ít, không biết có phải “nhân tài như lá mùa thu” nên phải “tái sử dụng” bà Phán đã bị khai trừ vì “ăn” hối lộ, giữ lại cơ quan người như ông quan huyện trôm trứng hoặc tuyển vào Công an người bị tù cho hưởng án treo?
Đấy là còn chưa kể không ít cán bộ trung cao cấp bị kỷ luật nhưng vẫn giữ nguyên chức vụ.
Có lẽ do “dân trí chưa cao” - như có vị đại biểu Quốc hội từng nêu giữa nghị trường - nên các “dân cỏ” (thảo dân) không hiểu được cái gọi là “đúng quy trình”, “đúng quy định” trong phương sách “tái sử dụng” nhân lực các cơ quan công quyền hiện tại.
Không tuyển dụng mới, kể cả người giỏi mà “tái sử dụng” người bị kỷ luật hoặc điều chuyển từ nơi này sang nơi khác có mấy cái lợi:
Thứ nhất là tiết kiệm ngân sách không phải đào tạo lại lý luận, nghiệp vụ.
Thứ hai là không gây xáo trộn nhân sự của cơ quan.
Thứ ba là giữ được tình cảm anh em, họ hàng, đồng liêu, đồng chí.
Thứ tư là giữ trọn đạo lý dân tộc “Đánh kẻ chạy đi, ai nỡ đánh kẻ bám trụ lại”.
Thứ năm là …
Liệu sự thực đằng sau câu chuyện “tái sử dụng” có phải thế này:
Một khi buộc phải “tái sử dụng” ai đó thì hoặc là các loại “năng lực” của người đó hơn hẳn những người khác, hoặc là những người khác có “năng” nhưng thiếu “lực”?
Sức mạnh tổ chức Đảng - “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” |
Về chuyện ấy thì “dân cỏ” đầy rẫy kinh nghiệm và đã đúc kết thành câu truyền khẩu: “Ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai”.
Nếu giả sử ở Tòa án, ở Công an tỉnh kia những người còn lại đều có năng lực vượt trội thì làm gì có chuyện “tái sử dụng” bà Phán “ăn” hối lộ đã bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng, làm gì có chuyện ông Đại úy cảnh sát giao thông bị đưa ra khỏi lực lượng rồi lại đưa vào ngạch cũ cho đến khi dư luận phanh phui thì lại … đưa ra!
Cứ theo đà này, liệu có xảy ra chuyện đến một lúc nào đó phải “tái sử dụng” năng lực buôn chổi đót, sửa xe máy, chăn nuôi lợn của những người đã làm việc đến “thối cả móng tay”?
“Ăn hối lộ” không phải là cướp, là do người ta cứ nằng nặc giúi vào tay, thế nên nếu chẳng may có cháu bé giật cái bánh mì ngoài phố phải đối diện với bà “Phán tỉnh” trước tòa, liệu bà sẽ nghiêm trị thẳng thừng hay sẽ thông cảm vì “cùng cảnh ngộ”?
Tại Quốc hội, tướng Sùng Thìn Cò nêu ý kiến:
“Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước chính là lòng dân, nếu chúng ta không trị được giặc nội xâm này thì việc mất vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu khách quan.
Chúng ta không trách ai cả, chúng ta tự trách chúng ta”. [3]
Giá như ông Sùng Thìn Cò nói rằng “Tài sản duy nhất của Đảng, Nhà nước chính là lòng dân” thì chắc chắn chẳng ai bắt bẻ được ông về câu chữ.
Nói thế bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 12/10/2017 cho rằng: “Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả”.
Diễn giải cách khác lời của Tổng Bí thư, đối với Đảng, với Nhà nước: “Mất lòng dân là mất tất cả”, chẳng có “tài sản lớn nhất” hay “tài sản vừa vừa” nào còn lại.
Thế nhưng đâu đó vẫn có người cảm thấy thích thú với ý ông Cò, mất “tài sản lớn nhất” chưa phải là mất tất cả, vẫn còn tài sản “lớn nhì”, “lớn ba”,… cất ở nước ngoài hay thiên đường thuế đâu đó.
Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Quốc gia Chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) vừa được công bố cho thấy từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ.
Trong đó số tiền người Việt bỏ ra là khoảng 3 tỷ đô la Mỹ. [4]
Theo con số mà NAR công bố, bình quân mỗi bất động sản có giá khoảng 53.800 đô la Mỹ và như vậy số tiền người Việt bỏ ra tương đương 5.600 bất động sản.
Bao nhiêu trong số đó của các doanh nhân và bao nhiêu của những người giàu nhưng không phải nhờ thương trường?
Những con số ấy có cho thấy, rằng với không ít người, “mất lòng dân” chưa phải là mất tất cả?
Tài liệu tham khảo: