Gần 4 tháng nghỉ vì Covid-19, ngày trở lại trường giáo viên và học sinh đang “vắt chân lên cổ” để chạy sao cho kịp chương trình.
Trời nắng nóng mà ngồi học cả ngày học sinh sẽ vô cùng mệt mỏi (Ảnh minh họa: Báo Tài nguyên và Môi trường) |
Một ngày con học hàng chục môn riêng tiếng Việt và toán tăng gấp đôi
Tuần học 10 buổi, ngoài gần chục môn học khác thì một ngày phải học 3 tiết tiếng Việt 2 tiết toán quả là áp lực. Học nhiều, sách vở lắm nên cái cặp lúc nào cũng chật kín sách vở.
Bé có cha mẹ thì vác hộ cái cặp vào tận cửa lớp. Bé đi một mình thì phải kéo cặp lê trên đường hoặc phải còng lưng, gù vai mà vác.
Năm nay, năm mà theo các nhà khí tượng thủy văn có mùa hè nắng nóng nhất nhất lịch sử thì học sinh lại phải ngày 2 buổi đến trường.
Nhìn những đứa trẻ ngồi học mà mồ hôi chảy dài trên má, ướt đẫm lưng áo (dù trong phòng có quạt) mà thấy thương vô cùng.
Do phải dạy chương trình, phải dạy đôn bài đồng thời phải ôn tập cả những kiến thức do nghỉ học nhiều quên hết nên các em học rất nhiều, vẫn là tập trung chủ yếu 2 môn toán, tiếng Việt.
Bạn thử ngồi cả buổi một chỗ không được quay trước ngó sau chỉ để nhồi nhét những kiến thức về văn, toán xem có thể chịu nỗi không? Thế nhưng bọn trẻ đang phải chịu đựng kiểu học gò bó cả ngày như thế.
Nỗi lo chất lượng làm cô trò cùng đuối sức
Mà đâu chỉ ngồi học yên ổn? Nào phải nghe giảng, phải trả lời câu hỏi của thầy cô, phải tư duy để làm toán, làm văn…
Có giáo viên than phiền: “Lớp 4 mà giờ hỏi 4:2 không biết bằng bao nhiêu? Mình đưa cho cậu bé 4 viên phấn để chia cho 2 bạn xem mỗi bạn được mấy viên phấn? Nó xuống đưa cho 4 bạn mỗi bạn 1 viên”.
Cô giáo lớp 5 phụ họa: “Học trò lớp 5 cũng có hơn gì? Có em giờ hỏi 7+9 bằng bao nhiêu còn không nói được, hỏi sao có thể nhồi nhét những kiến thức khác vào đầu?”.
Có lẽ do áp lực thầy cô giảng hoàn không hiểu, cũng không tránh khỏi có lúc thầy cô bức xúc mà lớn tiếng, có em buông lời như van lơn: “Cô ơi! Con mệt lắm, con chẳng hiểu gì đâu ạ”.
Tuy khổ nhưng các khối khác vẫn chưa là gì đối với học sinh và giáo viên lớp 1. Một số cô giáo lớp 1 cho biết tình trạng học sinh quên mặt chữ, viết chữ ngược, viết nguệch ngoạc, đọc ê a chữ nhớ chữ quên đang diễn ra khá phổ biến.
Nay, vừa phải dạy để lấy lại kiến thức căn bản vừa dạy kiến thức kỹ năng mới quả là đuối sức.
Nhiều giáo viên không có một chút thảnh thơi, suốt mấy tiết học hết đi tới em này lại đến bên em kia hướng dẫn đọc, cầm tay viết rồi qua em khác kiểm tra…cứ thế như con thoi di chuyển khắp lớp.
Giọng khàn đi, chân mỏi nhừ nhưng nếu thấy học trò đọc viết tốt thì bao vất vả lại biến rất nhanh và trên khuôn mặt cô, chỉ còn nụ cười tươi rói.
Giờ ra chơi, có cô không dám đi uống nước mà ngồi tại lớp để kèm những học sinh đặc biệt nhất.
Dù tận tình dạy dỗ nhưng theo phản ánh của nhiều giáo viên chất lượng học sinh năm học này thật sự đáng báo động. Có giáo viên cho biết dạy nhiều quá học sinh cũng khó tiếp thu, không thể nạp kiến thức thì lấy gì để tiến bộ.
Nỗi lo lắng nhất vẫn là tỉ lệ học sinh ở lại lớp không nhiều nhưng cho học sinh chưa đạt chuẩn lên lớp sẽ thế nào? Sẽ là hại cả tương lại của các em.
Thầy cô có khi chỉ bị nhắc nhở hay cùng lắm là mất một năm thi đua nhưng đổi lại học sinh đỡ phải chấm dứt con đường học vấn chỉ vì bị lùa lên lớp ngay khi còn đọc chưa thông viết chưa thạo.