Thời gian qua, nhiều vấn đề bất cập của giáo dục đã được đưa ra mổ xẻ, đỉnh điểm có thể kể đến chuyện 23 bạn học sinh tuân lệnh cô giáo tát bạn đến 230 cái khiến bạn phải nhập viện ở Quảng Bình.
Nhiều chuyên gia đã chỉ thẳng ra nguyên nhân của vụ việc là xuất phát từ việc giáo dục chạy theo thành tích, giáo dục học sinh chỉ biết vâng lời, thiếu phản biện và sáng tạo.
Vụ việc đã gióng lên hồi chuông về sự lạc đường trong giáo dục. Vấn đề đặt ra tại sao giáo dục không thay đổi hay việc thay đổi thực sự quá khó khăn nên ngại thay đổi.
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo có đề ra mục tiêu, “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân;
Yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả” nhưng nghị quyết trên đã đi vào thực tế được bao nhiêu?
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh Lại Cường). |
Câu chuyện, về trường tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội dám nói không với bệnh thành tích, chú trọng vào đào tạo con người trở thành một điểm sáng giáo dục sẽ mang tới cho chúng ta nhiều suy ngẫm.
Chia sẻ về lý do theo đuổi triết lý giáo dục hướng giá trị vì con người với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, trong khi nền giáo dục bị ám ảnh với bệnh thành tích thì nhà trường chủ trương nói không với thành tích và hướng giáo dục đi sâu vào những điều cơ bản của con người.
Theo thầy Hòa, giáo dục hướng đến những điều cơ bản của con người đó là cách quan tâm đến cảm xúc, tình cảm, chú trọng đào tạo con người tự ý thức.
Người ta đã làm gì mà hàng chục học trò mất đi tính bản thiện? |
Chia sẻ thêm về cách giáo dục này, thầy Hòa nói: “Đây là cách dạy học không ép học sinh học học tập mà tạo môi trường để các em tự ý thức để sau này các em bước ra cuộc sống trở thành những con người luôn chủ động”.
Việc thầy Hòa hướng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm theo triết lý giáo dục vì con người xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Trong đó, theo thầy Hòa thì với kinh nghiệm của bản thân đã nhận thấy nhiều thế hệ đào tạo theo kiểu áp lực nhồi nhét kiến thức nên khi ra cuộc đời trở thành những con người ngớ ngẩn, không bắt kịp được với cuộc sống.
Những người được gọi là giỏi theo cách học này có thể đi làm một số ngành nghề cần kiến thức chuyên sâu nhưng bước ra cuộc sống bên ngoài thì khả năng thích ứng không cao.
Ngoài ra, thầy Hòa còn chỉ ra một nguyên nhân nữa để thầy kiên định chèo lái con thuyền Nguyễn Bỉnh Khiêm đi lên đó là cách dạy học sinh ngoan, vâng lời hiện nay.
“Tôi tiếp xúc với hồ sơ học sinh thì một trăm học bạ lớp 9 phải có đến 80% học sinh xếp loại giỏi và 70% đều được phê là ngoan, vâng lời, chấp hành tốt kỷ luật.
Việc đào tạo học sinh ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật tốt là điểm chết của giáo dục hiện nay.
Thanh niên nước ta không năng động bằng các nước là vì ngoan, vâng lời, bảo sao nghe vậy, chấp hành tốt kỷ luật và không dám mở đường mới. Đào tạo hoàn toàn ngoan, vâng lời là chết”.
Thầy Hòa tâm sự: “Trước đây, có người tư vấn cho tôi nên xây dựng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm vào tốp 200 trường trung học phổ thông đỗ đại học cao, phấn đấu học sinh có giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi nhưng tôi kiên định đi theo con đường dạy học sinh làm người.
Trường tôi, điểm đầu vào thấp nhưng khi ra trường thì các em nên người. Các con vào đây là thay đổi. Có hai chỉ số rất quan trọng để xây dựng trường học đó là chỉ số hạnh phúc và chỉ số về sự tiến bộ đối với học sinh.
Chính vì theo đuổi giáo dục dạy làm người nên mấy năm gần đây trường Nguyễn Bỉnh Khiêm rất uy tín” – thầy Hòa kể.
Một nền giáo dục chỉ dạy biết vâng lời thì 231 cái tát là điều hiển nhiên |
Theo thầy Hòa, cái triết lý giáo dục mà thầy theo đuổi không mới mà đi theo Nghị quyết 29 của Đảng. Chỉ có điều trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đi trước một bước.
Thầy Hòa cho rằng: “Học sinh đến trường không chỉ để học mà để sống. Các em được sống thực trong suốt 12 năm phổ thông. Chứ nếu các em chỉ học thôi thì cuộc đời các em khổ quá.
Tới trường là được sống thực, cảm nhận cuộc sống để sau khi ra trường các em tràn sinh lực để sống.
Trong nhà trường không dạy học sinh bảo sao làm vậy, không đào tạo học sinh ngoan mà đào tạo học sinh phải biết phản biện, dám phản biện và dám nói.
Nhà trường đã tạo nhiều kênh cho học sinh dám nói và khi nói thì chính nó thay đổi”.
Chính triết lý giáo dục đó, phụ huynh đã đổi xô tìm đến trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, những đứa trẻ được coi là yếu kém, cá biệt trường khác không nhận nay đã trở thành những con người sáng tạo.
Thầy Hòa quan điểm: “Các học sinh cá biệt là học sinh có tài nếu biết phát huy các em”.
Thầy Hòa tự hào kể, có học sinh cách đây 20 năm, nhà nghèo, quê tận Bắc Giang, không có tiền đóng học phí, nhà trường đã đùm bọc, chia sẻ với em nên đến nay đã trở thành trụ cột của Vingroup, nhà thiết kế hệ thống Vinpearl.
Rồi trường hợp, con của một nghệ sĩ nhân dân trước khi đến với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đã bị đuổi học ở nhiều trường.
Em này còn dám chửi cả cô giáo chủ nhiệm và cũng bị cô giáo chủ nhiệm đuổi. Nhưng rồi, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kiên trì theo đuổi triết lý của mình cuối cùng em đã thay đổi và trở thành một thanh niên năng động.
“Việc nhà trường không chạy theo thành tích, mà chạy theo đào tạo con người, quan tâm tới chỉ số hạnh phúc đã tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc” – Thầy Hòa tự hào cho biết.