Giáo sư Nguyễn Đình Đức băn khoăn về tiêu chí trở thành đại học nghiên cứu

09/01/2020 06:38
Thùy Linh
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết: “Nếu cá nhân tôi là hiệu trưởng trường đại học thì tôi sẽ xin rút khỏi đại học định hướng nghiên cứu”.

Khi nói về đại học định hướng nghiên cứu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, định hướng phát triển và đầu tư cho một số đại học nghiên cứu không phải để phục vụ việc xếp hạng, mà bởi chất lượng của đại học nghiên cứu có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học, trong đó có quy định chi tiết việc thành lập cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu. 

Theo Nghị định, để được công nhận cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, các trường cần đạt được một số tiêu chí. Cụ thể là phải công bố định hướng phát triển thành cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu trong sứ mạng, mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học và được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục.

Muốn là đại học định hướng nghiên cứu thì phải đạt 100 bài báo/năm

Trường đại học phải có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn. Trường có tỉ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng.

Trong 3 năm gần nhất, phải có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm.

Bên cạnh đó, trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học.

Đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỉ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.

Nhìn vào tiêu chí này, tại hội nghị triển khai Nghị định hướng dẫn và triển khai một số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học diễn ra 6/1, Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội cho rằng:

Nghị định 99 là hành lang pháp lý quan trọng và phân vai rõ ràng trong quá trình vận hành về giáo dục đại học. Quá trình thực hiện các quy định cần bảo đảm nghiêm túc, đúng các tiêu chuẩn. Nhất là các quy định về đại học nghiên cứu nếu hạ chuẩn thấp sẽ giảm chất lượng.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật 34 và Nghị định 99/2019 là một chuyển biến rất quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho các trường đại học định hướng nghiên cứu đạt được mục tiêu của mình.

Nhưng Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, các tiêu chí trong Nghị định 99 cho thấy để trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu là quá khó. 

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết: “Nếu cá nhân tôi là hiệu trưởng trường đại học thì tôi sẽ xin rút khỏi đại học định hướng nghiên cứu”. (Ảnh: Thúy Nga)
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết: “Nếu cá nhân tôi là hiệu trưởng trường đại học thì tôi sẽ xin rút khỏi đại học định hướng nghiên cứu”. (Ảnh: Thúy Nga)

Vị này nêu ví dụ, một trong những tiêu chí để cơ sở giáo dục đại học được công nhận có định hướng nghiên cứu, là trong 3 năm gần nhất trường đại học phải công bố trung bình 100 bài báo/năm trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. 

Hoặc tiêu chí mỗi giảng viên cơ hữu có 0,3 bài báo trở lên trên tạp chí quốc tế uy tín trên thế giới, tức là 3 năm phải có 1 bài.

“Nếu căn cứ vào các tiêu chí trên, không một đơn vị thành viên nào của Đại học Quốc gia Hà Nội được công nhận là trường đại học có định hướng nghiên cứu”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh. 

Theo đó, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nêu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên một năm có mấy trăm bài báo công bố trên những tạp chí quốc tế rất tốt, nhưng lại vướng tiêu chí tỷ lệ sau đại học (quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình 20 bằng tiến sĩ trở lên trong 1 năm). Trong khi quy mô đào tạo sau đại học của trường này hiện chỉ đáp ứng được 14,5%. 

Trong khi, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tỷ lệ đào tạo sau đại học đạt khoảng 17%, nhưng tỷ lệ công bố quốc tế lại rất ít. Vậy làm thế nào để đại học Việt Nam tham gia được đại học nghiên cứu”, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội phân trần. 

Cần có chính sách ưu tiên cụ thể cho trường đại học định hướng nghiên cứu

Ngoài ra, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng chia sẻ rằng, việc giúp giáo dục đại học Việt Nam xuất hiện trên bản đồ giáo dục thế giới thì lẽ ra các trường đại học có định hướng nghiên cứu phải có quyền lợi lớn. Nhưng trong Nghị định 99 chỉ quy định một câu là được “ưu tiên cấp kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ”.

“Chỉ là thế này thôi, nếu cá nhân tôi là hiệu trưởng trường đại học thì tôi sẽ xin rút khỏi đại học định hướng nghiên cứu. Vì tăng kinh phí cho nghiên cứu khoa học thì không biết tăng thế nào cần phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn”, vị này nói.

Mọi văn bản trái với Luật giáo dục đại học và Nghị định 99 đều không có giá trị

Giáo sư Đức đề xuất nhà nước cần có chính sách ưu tiên cụ thể cho trường đại học định hướng nghiên cứu. Chẳng hạn, với một sinh viên của đại học nghiên cứu, mức đầu tư của nhà nước có thể gấp 3 lần của một đại học bình thường (hiện nay mức đầu tư sinh viên cho một trường đại học công lập là 9 triệu đồng/năm). Hoặc có thể ưu tiên cho phép trường đại học nghiên cứu được tự chủ.

Đưa ra đề xuất này vì Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nhận thấy, yêu cầu là trường đại học nghiên cứu 20% giảng viên phải là giáo sư, phó giáo sư, mỗi giảng viên trong 3 năm có 1 bài quốc tế Q1, tỷ lệ chuyển giao tri thức là 15%. 

“Đạt được các tiêu chí này là đạt đẳng cấp tương đương với các trường đại học trong khu vực rồi, nên với những trường này thì có thể tự chủ. Nhưng giờ yêu cầu tự chủ là tất cả chương trình đào tạo phải kiểm định.

Trong khi Đại học Quốc gia Hà Nội có tất cả 450 chương trình đào tạo mà mỗi năm chỉ kiểm định được 6 - 7 chương trình là mệt nhoài. Vậy thì thực tế là dù chưa thể kiểm định hết được nhưng năng lực là đã có thể tự chủ”, Giáo sư Đức phân tích.

Một vấn đề khác được Giáo sư Nguyễn Đình Đức đề xuất đó là đại học nghiên cứu cần được ưu tiên về tuyển sinh sau đại học. 

“Ví dụ, để tạo nguồn có thể tuyển sinh những em chưa đạt chuẩn đầu vào về tiếng Anh, vì các em nghiên cứu cơ bản rất tốt thì thường nhà nghèo, không đầu tư học tiếng Anh. Mà có tiếng Anh rồi thì các em đi nước ngoài ngay. Cho nên, có thể giữ các em lại để tạo nguồn, chứ như quy chế hiện nay không giữ các em lại làm nghiên cứu sinh được. 

Hơn nữa, một số đơn vị trong nước như 2 Đại học Quốc gia, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có thể đào tạo tiến sĩ trong nước chất lượng tốt (có công bố quốc tế) không thua kém một nghiên cứu sinh được đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, một nghiên cứu sinh đào tạo ở nước ngoài được đầu tư 2 tỉ đồng, trong khi đào tạo trong nước, theo Nghị định 35 thì chỉ cho 14 triệu đồng”, vị này nhấn mạnh.


Thùy Linh