PGS Đào Đăng Phượng: tuyển sinh ngành sư phạm đang dần khởi sắc

06/11/2021 06:37
Cao Kim Anh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2021, một số trường đại học sư phạm có kết quả tuyển sinh tốt. Đây được xem là dấu hiệu tích cực đối với ngành giáo dục và đào tạo.

Ngày 15/10, khi làm việc trực tuyến với các trường sư phạm, trường có đào tạo giáo viên trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có đề cập đến chuẩn chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn nghiệp vụ mà sinh viên sư phạm cần đạt được. Bộ trưởng đặc biệt chú trọng, lưu ý các trường cần quan tâm đến nghiệp vụ sư phạm để không vì xu hướng đa ngành khiến đào tạo giáo viên giảm chất lượng.

Nhà giáo Ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn này.

Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. (Ảnh NVCC)

Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. (Ảnh NVCC)

PV: Thưa Phó Giáo sư, hai năm vừa qua, công tác tuyển sinh của các trường sư phạm có những dấu hiệu tích cực. Phải chăng điều này cho thấy quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" đang có những thay đổi? Ông đánh giá như thế nào về bức tranh toàn cảnh đào tạo ngành sư phạm hiện nay?

Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng: Những năm gần đây, tỉ lệ tuyển sinh của ngành sư phạm tăng lên đáng kể. Ngay kỳ tuyển sinh năm nay, dù có những ảnh hưởng nhất định của dịch bệnh nhưng chỉ tiêu đầu vào các trường của ngành sư phạm không những không giảm mà còn có xu hướng tăng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với ngành sư phạm hiện nay.

Trên thực tế, chúng ta đang có những ưu tiên nhất định cho người học, trong đó có các chính sách về hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ bắt đầu được áp dụng. Đây là chính sách có tác động lớn tới sự lựa chọn của nhiều thí sinh, đặc biệt là những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng nông thôn, miền núi.

Ngoài ra, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục ngành sư phạm ngày càng được đầu tư, nâng cấp, đầu ra ngành sư phạm có chất lượng cao hiện nay xã hội rất cần thiết cần thiết, đòi hỏi nguồn cung ứng. Đó chính là những yếu tố tạo nên sức hút của ngành sư phạm trong thời gian gần đây.

Và đây là dấu hiệu đáng mừng, bởi điều đó khẳng định rằng xã hội đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như xem sư phạm là ngành mũi nhọn cần được ưu tiên đầu tư trong sự phát triển giáo dục, đất nước.

PV: Ngày 15/10 khi làm việc với các trường sư phạm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhắc tới chuẩn chuyên môn, chuẩn nghiệp vụ đối với các sinh viên ngành sư phạm. Vậy vai trò của chuẩn chuyên môn trong công tác đào tạo ngành này như thế nào, thưa ông?

Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng: Chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác đào tạo, quá trình đào tạo chất lượng hay không phụ thuộc vào chuyên môn. Chuyên môn có thể hiểu là phải có các chương trình đào tạo chuẩn, phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi của xã hội.

Để có những chương trình chuẩn thì bắt buộc các trường luôn trau dồi, cập nhật những cái mới, cải tiến các chương trình. Ngoài ra, các trường cần xây dựng những tiêu chí chuẩn cho sinh viên về đầu ra, giải quyết câu hỏi sinh viên ra trường sẽ đạt được cái gì. Khi sinh viên được cam kết về chất lượng đầu ra thì sẽ tham chiếu chương trình học của nhà trường. Lúc đó, sinh viên mới yên tâm để học tập.

Lấy ví dụ cho việc cập nhật đổi mới hiện nay tại các trường sư phạm nghệ thuật. Đẩy mạnh và phát triển dạy học theo tính chất có định hướng, truyền cảm thụ âm nhạc, nghệ thuật cho sinh viên chứ không phải chỉ dạy “cầm tay chỉ việc”, đọc nốt nhạc hay nét vẽ như trước đó. Phải truyền cho sinh viên năng lực, cảm nhận để biết vì sao tác phẩm đó nó đẹp, nó hay rồi từ đó phát triển tài năng, khả năng truyền đạt.

Phải tăng cường cho sinh viên các hoạt động trải nghiệm, được nghe, được thưởng thức, được xem trực tiếp, tự cảm nhận, cảm thụ nghệ thuật từ đó phát triển sẽ tốt và phù hợp hơn. Khác với trước đây, các thầy cứ lên lớp truyền đạt cho sinh viên học theo kiểu công thức cứng nhắc, các em chỉ theo đó và học rập khuôn như vậy. Đây là sự thay đổi, tiếp nhận cái mới, nâng chuẩn chuyên môn.

PV: Theo Phó Giáo sư để xây dựng được chuẩn đào tạo/chuẩn đầu ra như Bộ trưởng đề cập đối với ngành sư phạm đặc thù như sư phạm nghệ thuật thì nhà trường cần phải làm những gì?

Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng: Bộ trưởng đề cập đến những chữ "chuẩn” trong đào tạo, giáo dục hiện nay của chúng ta là đúng. Tuy nhiên, ngay bản thân các trường cũng phải tự mình xây dựng những tiêu chí chuẩn và mục tiêu đào tạo cho mình. Khung xây dựng chuẩn tự các trường đặt ra cho mình càng cao thì nhà trường càng có uy tín trong công tác giáo dục. Để đạt được những điều đó thì cần chuẩn bị rất nhiều yếu tố.

Thứ nhất là, chương trình đào tạo, học liệu, tài liệu, cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học phải được chú trọng đầu tư. Đơn cử như trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chúng ta phải triển khai dạy học trực tuyến thì trang thiết bị, công cụ rất quan trọng. Dạy học nếu trang thiết bị mà không nghe được, không bắt được sóng thì không đảm bảo chất lượng đào tạo.

Thứ hai là muốn đào tạo sinh viên chất lượng cao thì phải có đội ngũ nhân lực chuẩn. Ngành sư phạm nghệ thuật là ngành đặc thù và giáo viên, đào tạo ngành có học hàm, học vị cao khá ít. Bởi vì ở Việt Nam, có những ngành truyền thống bao nhiêu năm nay chưa có đại học, ví dụ như ngành Múa. Trước đây cao nhất là Cao đẳng Múa Việt Nam, gần đây mới được nâng lên trở thành học viện. Như vậy thì không thể đào tạo những người có học hàm, học vị cao để dạy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải tự rèn giũa và hướng tới đào tạo chuẩn.

Giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bây giờ phải có trình độ thạc sĩ mới được đứng lớp. Có những người kì cựu lâu năm đứng lớp rồi nhưng không đáp ứng được các chuẩn về đào tạo thì sẽ chuyển dần sang chuyên môn khác hoặc có sự chuyển đổi dưới hình thức truyền nghề thì sẽ phải là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Điều đó để thấy rằng, bản thân đội ngũ giáo viên cũng phải tự mình phấn đấu, nâng chuyên môn của mình lên.

PV: Hai năm qua dịch bệnh Covid-19 hoành hành gây khó khăn rất lớn cho cả xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo. Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã thích ứng như thế nào để đảm bảo được chuẩn đào tạo, thưa ông?

Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng: Trong thời gian qua nhà trường đã từng bước khắc phục những khó khăn. Dịch bệnh là điều không ngờ tới nên trước đó nhà trường chưa có sự chuẩn bị gì. Tuy nhiên, ngay từ đợt dịch đầu tiên, khi dịch bệnh bùng phát, nhà trường đã thích ứng rất nhanh chóng với hoàn cảnh và nghiêm túc triển khai các công tác bảo vệ an toàn, phòng chống dịch bệnh cho sinh viên, cán bộ nhà trường, tập huấn về công nghệ thông tin, nâng cấp đường truyền, đầu tư thiết bị trực tuyến để đảm bảo đúng chủ trường “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Qua từng bước được triển khai thì gần như quá trình học tập của sinh viên không có gì biến động, năm học 2020 sinh viên tốt nghiệp chậm hơn một chút nhưng năm học 2021 thì ra trường đúng thời gian dự kiến.

Hiện nay, hầu hết các môn học nhà trường vẫn đang triển khai trực tuyến. Tuy nhiên, có một số môn học đặc thù nhưng mang tính tập thể thì vẫn phải thực hiện trực tuyến kết hợp trực tiếp, thực hiện cách ly ngay tại ký túc xá trường theo nhóm nhỏ và học tập.

Ví dụ như ngành Diễn viên Kịch - Điện ảnh. Đối với ngành này thì không thể học trực tuyến cũng không thể tập đơn lẻ. Chính vì thế sau khi hết thời gian giãn cách, bằng các biện pháp đảm bảo an toàn, sinh viên đã được trở lại theo nhóm tại kí túc xá để hoàn thành bài tốt nghiệp.

Quan điểm của nhà trường là nếu khó thì sẽ chia nhỏ ra để hoàn thành nhưng luôn đặt mục tiêu phải đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng đào tạo.

Ngay như kỳ tuyển sinh đầu vào vừa qua, nhà trường rất thành công và đứng top đầu trong các trường đào tạo về nghệ thuật. Đã có nhiều trường đại học, cao đẳng tới để học mô hình tuyển sinh kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến tại đây.

Để có được thành công đó, nhà trường đã có sự chuẩn bị trước, áp dụng công nghệ từ việc thu hồ sơ trực tuyến trong thông báo tuyển sinh, hướng dẫn sinh viên thực hiện bài thi và gửi bài thanh lọc tới nhà trường. Bài thi thanh nhạc, kịch thì thí sinh quay video, bài thi liên quan đến mỹ thuật thí sinh vẽ và chụp lại, gửi đến hội đồng thi.

Khi thí sinh gửi bài đến theo hệ thống trực tuyến, nhà trường thanh lọc những bài nào tốt, loại trừ những bài không đạt yêu cầu. Sau khi thanh lọc, nhà trường cho gọi số dư 150% chỉ tiêu thí sinh và tổ chức thi trực tuyến. Bài thi được tổ chức bằng các phần mềm công nghệ trực tiếp, thực hiện trong phòng thi có hai thiết bị quay hình.

Ngoài ra, việc khiếu nại, thắc mắc về bài thi được nhà trường hướng dẫn, đối thoại trực tiếp thông qua công cụ trực tuyến với các giảng viên chuyên môn để được giải quyết.

Điều này vừa đảm bảo được chất lượng cũng như sự công bằng trong thi cử. Nếu một lúc nhà trường tổ chức thi tất cả các thí sinh mà không có thanh lọc sẽ rất khó kiểm soát. Hệ thống đường truyền, cách thức tổ chức, giám sát nếu chỉ cần một trong các yếu tố sai lệch thì chất lượng tuyển sinh thiếu công bằng và không đảm bảo đầu vào.

Tới đây, khi sinh viên quay trở lại trường học, để đảm bảo an toàn, các giảng viên tại các khoa đã chủ động động viên, nhắc nhở sinh viên về vấn đề tiêm vaccine phòng bệnh. Đối với các sinh viên ở ký túc xá, nhà trường đã làm việc với địa phương để các em được tiêm. Đó là yếu tố đảm bảo an toàn đầu tiên và vô cùng quan trọng.

Nhà trường vẫn phương châm thực hiện kế hoạch chia nhỏ đào tạo để đảm bảo an toàn. Nhà trường có kế hoạch sẽ tổ chức cho sinh viên năm cuối chuẩn bị bài tốt nghiệp và khóa năm thứ nhất, nhập học năm nay để các em có thể học tập tại trường. Như vậy là chỉ có 50% sinh viên học tập trực tiếp tại trường.

Đối với các sinh viên năm 2, năm 3, nếu những môn lý thuyết sẽ triển khai dần bằng hình thức học trực tuyến. Những môn học mang tính đặc thù, nhà trường để lại, sau khi dịch bệnh kiểm soát sẽ tập trung đào tạo.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị phải vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng khi đón sinh viên trở lại trường. Các phương án phòng bị khi có sự cố xảy ra cũng được nhà trường xây dựng, lên kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Cao Kim Anh (Thực hiện)