Thông tin Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền - người từng chú ý với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ qua đời khiến cộng đồng nghiên cứu ngôn ngữ, các thế hệ học trò, bạn bè của thầy bày tỏ sự tiếc thương vô hạn.
Những năm tháng cuối đời, dù tuổi cao, sức yếu, phó giáo sư vẫn miệt mài nghiên cứu ngôn ngữ và tham gia nhiều hoạt động tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (cơ sở 5 tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).
Dành trọn một đời cho giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền sinh năm 1935 tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ông là giảng viên tiếng Nga, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) và là Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông.

Quá trình công tác và nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền như sau:
Năm 1953, ông được Nhà nước cử đi học tiếng Nga ở Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, tháng 10/1955 ông trở về, được giao phụ trách ban tiếng Nga của Trường Ngoại ngữ mới thành lập ở Hà Nội.
Năm 1967, Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội thành lập, ông Bùi Hiền được giao phụ trách khoa tiếng Nga của nhà trường.
Ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) ở Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov với kết quả xuất sắc năm 1973.
Sau khi bảo vệ thành công luận án, ông trở về nước, tiếp tục công tác tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Năm 1974 ông Bùi Hiền được bổ nhiệm giữ chức vụ phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.
Năm 1978 ông được điều chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phụ trách ngoại ngữ trong cải cách giáo dục.
Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Ông giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu năm 1993.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ điềm đạm trước sóng gió dư luận
Sau khi nghỉ hưu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền dành nhiều thời gian cho nghiên cứu cải tiến cách viết chữ Quốc ngữ. Ý tưởng cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền nằm trong bản tham luận ông gửi tới hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức tháng 9/2017.
Đề xuất này thay đổi cách viết một số âm trong tiếng Việt, nhằm đơn giản hóa, rút gọn và tăng tính hợp lý trong việc học chữ. Ví dụ, chữ “ngh” được thay bằng “q”, “ch” thay bằng “c”, “tr” thay bằng “c”,… khiến các từ như “trường học” được viết thành “cườq họk”.
Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Sau khi được công chúng biết đến rộng rãi, đề xuất cải tiến tiếng Việt trên nhanh chóng tạo nên làn sóng tranh luận dữ dội trong xã hội, với phần lớn là sự phản đối, không ít ý kiến sử dụng những lời lẽ mỉa mai, thậm chí công kích cá nhân đến Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số học giả và người làm giáo dục vẫn bày tỏ sự tôn trọng đối với tinh thần tự do học thuật và nỗ lực nghiên cứu khoa học của ông dù không đồng tình hoàn toàn với nội dung cải tiến.
Tuy bị chỉ trích nặng nề, ông luôn kiên trì với quan điểm của mình. Ông cho rằng cải cách nhằm mục đích thống nhất và đơn giản hóa phần nào chữ viết trong văn bản, qua đó giúp người nước ngoài và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tiếng Việt dễ dàng hơn.
Tháng 12 năm 2017, tác phẩm Cải tiến chữ Quốc ngữ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp giấy chứng nhận bản quyền.
Tháng 1 năm 2018, ông đã chuyển tác phẩm Truyện Kiều gồm 3.254 câu thơ lục bát sang chữ viết cải tiến của mình và tự in thành sách.
Cuối năm 2018, ông công bố dừng hoàn toàn, không nghiên cứu thêm về bộ cải tiến tiếng Việt bởi bộ cải tiến đã hoàn thành rất đầy đủ, rõ ràng, cộng với sức khỏe không cho phép.
Tháng 8 năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền chuyển đến sống tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (cơ sở 5 tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội).
Anh Đỗ Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cơ sở 5 chia sẻ: “Thầy Hiền chuyển hết đồ dùng cá nhân vào viện như máy tính, máy in, sinh hoạt giống như ở nhà. Hàng ngày, thầy vẫn dành thời gian để nghiên cứu, làm việc.
Ngoài thời gian trên, thầy đi cắt cỏ, trồng rau, câu cá và tham gia nhiều hoạt động và cuộc thi khác cùng các cụ ở trung tâm như “Ký ức vui vẻ”, “Tìm kiếm tài năng”.
Mỗi lần được tiếp xúc với thầy, tôi luôn cảm nhận rõ phẩm chất của một nhà giáo mẫu mực: nghiêm túc, nguyên tắc nhưng cũng vô cùng tận tâm và cởi mở. Khi các bạn điều dưỡng viên bày tỏ sự quan tâm và hứng thú với tiếng Nga, thầy luôn sẵn lòng giảng dạy và hướng dẫn tận tình, cùng với đó là những chia sẻ về một số vấn đề giáo dục mà thầy đã dành cả cuộc đời theo đuổi.
Ở thầy, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa uy nghiêm của người thầy và lòng bao dung của người truyền lửa tri thức”.

Anh Quý cho biết thêm, đến năm 2024, sức khỏe của thầy Bùi Hiền yếu dần và thầy đã chuyển về quê nhà tại Phú Thọ để tĩnh dưỡng. Khi hay tin thầy qua đời trung tâm đã lập tức gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, đồng thời cử đại diện thu xếp về Phú Thọ để thắp nén hương tiễn biệt, bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương đối với một nhà giáo, nhà khoa học tận tụy suốt đời vì sự nghiệp tri thức.
Là một trong những người thể hiện sự tôn trọng đối với công trình nghiên cứu tiếng Việt cải tiến và lên tiếng bảo vệ thầy Hiền trước những ý kiến công kích, Tiến sĩ Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền.
“Dẫu biết quy luật sinh lão bệnh tử là lẽ thường, song khi hay tin thầy Hiền từ trần, tôi không khỏi bàng hoàng, bùi ngùi xúc động.
Ở tuổi ngoài 80, thầy vẫn miệt mài lao động trí óc, say mê nghiên cứu không ngừng nghỉ. Tôi còn nhớ khi đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của thầy bị lan truyền lên mạng xã hội, ở thời điểm đó, công trình của thầy vẫn chưa hoàn thiện và vốn chỉ nên được trao đổi trong nội bộ giới ngôn ngữ học. Nhưng tiếc thay, đề xuất lại nhận nhiều phản ứng trái chiều, không thiếu những lời công kích nặng nề, thậm chí mang tính xúc phạm cá nhân.
Giữa thời buổi “xuất bản hay là chết”, “không có tiền thì không nghiên cứu”, “không có lợi thì không nghiên cứu”, một người yêu khoa học thuần khiết, trong sáng, nguyên bản như thầy Hiền là rất hiếm hoi và đáng quý.
Tuy vậy, điều khiến tôi vô cùng kính phục và cho tôi nhiều bài học chính là thái độ ứng xử của thầy trước những phản ứng đó. Một mặt, thầy vẫn kiên định theo đuổi những lý tưởng, chuyên môn mà mình tâm huyết; mặt khác, thầy ứng xử với xã hội, với công chúng, với những người chưa hiểu mình bằng sự nhẫn nại và khoan hòa hiếm có. Đó là tâm thế và bản lĩnh của một người tri thức trong quá trình làm nghiên cứu”.

Một sinh viên từng được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hiền giảng dạy chia sẻ: "Các bạn sinh viên thế hệ của tôi từng học tiếng Nga những năm 80, đầu năm 90 chắc hẳn vẫn nhớ cuốn sách giáo khoa bìa cứng Tiếng Nga 1, 2, 3 của thầy Bùi Hiền, những cuốn sách đã mở ra cả một chân trời mới đầy náo nức của tuổi thơ khi ấy.
Tôi vẫn còn nhớ như in bài học đầu tiên, thuở mới ê a đánh vật với bảng chữ cái tiếng Nga: “Это Вова”, “Это Маша”, “Это завод”, “Это школа”. Và tình yêu đầu tiên, non trẻ, với một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ.
Sau này tôi có duyên may được học thầy ở Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Trước khi tôi đi Úc, tôi cùng hai học trò khác đến thăm thầy ở quận Thanh Xuân.
Thầy là người tâm huyết, tử tế, giỏi giang, tôi sẽ luôn nhớ đến thầy với tấm lòng biết ơn sâu sắc, người thầy đã mang tiếng Nga đến với cuộc sống của tôi. Cho dù sau này tôi không còn cơ hội để sử dụng và nghiên cứu nữa, vốn liếng ấy đã là nền tảng để tôi học tốt hơn các ngôn ngữ khác sau này".