Ngoài nhiệm vụ đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) xác định sứ mệnh là nghiên cứu khoa học; chuyển giao tri thức và công nghệ về công nghệ thông tin, truyền thông, kinh tế số và các lĩnh vực liên quan nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia và quốc tế.

Theo biểu mẫu 21 tại báo cáo ba công khai năm học 2024-2025 của nhà trường cho thấy, tổng thu năm 2024 (104,293 tỷ đồng) tăng hơn 20 tỷ đồng so với năm 2023 (89,920 tỷ đồng).
Theo cơ cấu nguồn thu cho thấy, thu từ học phí chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm khoảng 64% tổng thu năm 2023 và chiếm khoảng 71% tổng thu năm 2024), trong khi nguồn thu từ các hoạt động hợp pháp khác chỉ chiếm hơn 5%.

Bỏ trống thông tin về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Trong báo cáo ba công khai năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025, nhà trường đều để trống thông tin về nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Chia sẻ về điều này, đại diện Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn cho biết, nhà trường hiện đang trong giai đoạn đầu thành lập (từ tháng 1/2020), các hoạt động khoa học công nghệ còn đang được từng bước xây dựng nền tảng. Việc trích lập quỹ hoạt động khoa học công nghệ ở mức 5% thể hiện rõ cam kết chiến lược của nhà trường đối với lĩnh vực này.
Với thực trạng chung của đa số các trường đại học trên cả nước hiện nay, do nhiều hạn chế, rào cản chủ quan và khách quan, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong cơ cấu thu còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, nhà trường xác định đây là chiến lược quan trọng, từng bước xây dựng giải pháp, tăng nguồn thu từ lĩnh vực khoa học công nghệ thông qua các hoạt động học thuật chuyên môn như: tổ chức các cuộc thi đổi mới sáng tạo, các hội thảo khoa học quốc tế, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thu hút dự án nước ngoài và một số đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, cấp địa phương, nhà nước.
Nhà trường là một trong những trường đại học nổi bật trong việc khởi xướng và chủ trì tổ chức 14 lần Hội thảo Khoa học quốc tế “Công nghệ thông tin và ứng dụng trong các lĩnh vực”, đề xuất và nhận được tài trợ dự án ODA từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc (7,7 triệu đô la giai đoạn 2022-2027) và nhiều dự án quốc tế khác.
Nhà trường cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng thời đầu tư mạnh mẽ cho đội ngũ nghiên cứu và cơ sở vật chất.
“Trong thời gian tới, khi các đề tài khoa học đạt đến giai đoạn chuyển giao và ứng dụng thực tiễn, các nguồn thu từ lĩnh vực này sẽ được phản ánh rõ hơn trong các báo cáo tài chính công khai của nhà trường”, đại diện nhà trường chia sẻ.
Cũng theo vị này, hiện tại, nhà trường đang triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học. Ví dụ như: Hệ thống hỗ trợ y tế thông minh trong hỗ trợ chẩn đoán và số hóa thông tin bệnh nhân; Hệ thống phân tích tên miền và nội dung độc hại; Hệ thống hỗ trợ từ điển học tiếng Việt cho trẻ em và người nước ngoài; Hệ thống bản đồ số khoanh vùng trồng cà phê và chẩn đoán bệnh cho cây cà phê; Trợ lý ảo hỗ trợ người già sức khỏe và tinh thần.
Đơn cử, với đề tài “Hệ thống hỗ trợ y tế thông minh trong hỗ trợ chẩn đoán và số hóa thông tin bệnh nhân” sẽ tập trung vào việc xây dựng một hệ thống thông minh giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh và quản lý thông tin bệnh nhân thông qua việc sử dụng AI.
Hay đề tài “Hệ thống phân tích tên miền và nội dung độc hại” nhằm xây dựng một hệ thống AI có khả năng phân tích các tên miền và nội dung trang web để phát hiện các mối đe dọa từ các trang web độc hại. Hệ thống có tính năng phân tích các tên miền để xác định các trang web lừa đảo, chứa mã độc hoặc không an toàn; đánh giá nội dung của các trang web để phát hiện các bài viết, video hoặc hình ảnh có chứa thông tin sai lệch hoặc gây hại. Ngoài ra, hệ thống cũng cung cấp báo cáo chi tiết về các trang web đáng ngờ và cung cấp các biện pháp bảo vệ người dùng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) để tích hợp và triển khai.
"Trên cơ sở mạng lưới hợp tác với trường đại học, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước, nhà trường đang tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, số lượng và tạo nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ", vị này chia sẻ.
Cụ thể, tập trung đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ cao, thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài và chính sách thu hút nhân lực chất lượng. Đồng thời, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành và có khả năng kết nối với các đơn vị, đặc biệt là các đối tác quốc tế ở các nước Nga, Thái Lan, Hàn Quốc,… trong hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhà trường tận dụng lợi thế mạng lưới hợp tác để triển khai các dự án nghiên cứu chung với các đối tác quốc tế và doanh nghiệp hướng đến giải quyết bài toán thực tiễn và có khả năng ứng dụng cao. Nhà trường cũng từng bước xây dựng cơ chế hợp tác theo hình thức “đặt hàng nghiên cứu” từ doanh nghiệp để tăng khả năng chuyển giao kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường công bố quốc tế và tham gia đề tài cấp quốc gia, quốc tế, bằng cách thúc đẩy và có chính sách hỗ trợ giảng viên, nghiên cứu viên tham gia các đề tài nghiên cứu có quy mô lớn, tăng cường công bố quốc tế có uy tín trên tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus, từ đó vừa nâng cao uy tín học thuật, vừa mở rộng khả năng thu hút tài trợ nghiên cứu.
Khuyến khích phát triển các sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa, gắn với nhu cầu thị trường thông qua tổ chức các chương trình khởi nghiệp, gửi sinh viên tham gia các sân chơi quốc tế về khởi nghiệp,... Đồng thời hỗ trợ ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên và giảng viên - đây cũng là nguồn lực mới để tạo thu nhập từ chuyển giao tri thức.
Ngoài ra, nhà trường tập trung phát huy vai trò của Viện Khoa học và Công nghệ số chuyên trách về nghiên cứu ứng dụng, kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ cấp phép, bảo hộ sở hữu trí tuệ và đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường, tạo ra nguồn thu ổn định lâu dài từ hoạt động chuyển giao công nghệ.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ
Một trong những nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, là phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho rằng, điều này đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính, đầu tư và hỗ trợ đặc thù, thực chất.
Từ thực tiễn triển khai, nhà trường đề xuất một số nhóm chính sách như sau:
Thứ nhất, cần có cơ chế tài chính linh hoạt, tự chủ cho nghiên cứu. Trong đó, cần tăng đầu tư ngân sách nhà nước theo hướng ổn định, dài hạn cho các trường có định hướng nghiên cứu, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, vi mạch, chuyển đổi số,…
Cho phép tái đầu tư 100% nguồn thu từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để phục vụ cho các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), mua sắm thiết bị, chi thu nhập tăng thêm cho nhóm nghiên cứu.
Mở rộng quỹ nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước theo mô hình quỹ cạnh tranh mở, khuyến khích trường đại học chủ động đề xuất nhiệm vụ phù hợp thực tiễn địa phương và doanh nghiệp.

Thứ hai, cơ chế đặt hàng, hợp tác ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Cụ thể, cần thúc đẩy cơ chế “đặt hàng theo nhiệm vụ” từ doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, trong đó trường đại học giữ vai trò chủ trì nghiên cứu và triển khai ứng dụng.
Có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp tài trợ, đầu tư cho hoạt động R&D tại trường đại học.
Cho phép doanh nghiệp tham gia cùng trường xây dựng và vận hành trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm liên kết, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu - khởi nghiệp.
Thứ ba, hỗ trợ hình thành và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, viện/trung tâm nghiên cứu trong trường.
Ví dụ như có chính sách cấp ngân sách ban đầu và cơ chế tài trợ đặc biệt cho các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, nhóm liên ngành hoặc nhóm hợp tác quốc tế.
Hỗ trợ thành lập các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, có cơ chế tự chủ tài chính và tuyển dụng nhân sự theo năng lực.
Đưa các trung tâm nghiên cứu trong trường vào chuỗi nghiên cứu quốc gia và quốc tế, được tiếp cận các quỹ phát triển như NAFOSTED, Horizon Europe, KOICA, JICA,…
Thứ tư, cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực nghiên cứu nên cho phép trường đại học tuyển dụng chuyên gia nghiên cứu theo hợp đồng linh hoạt, không ràng buộc biên chế, có thể mời chuyên gia trong và ngoài nước tham gia ngắn hạn hoặc cố vấn chuyên môn.
Xây dựng chính sách thưởng, cấp học hàm, danh hiệu nghiên cứu ưu tú để khuyến khích giảng viên tập trung nghiên cứu thay vì chỉ thiên về giảng dạy.
Thứ năm, về chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể, cần hỗ trợ các trường đại học xây dựng vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, nơi sinh viên và giảng viên thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Ngoài ra, có cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chia sẻ lợi ích hợp lý từ thương mại hóa sản phẩm giữa nhà trường - nhóm nghiên cứu - nhà đầu tư.
Thêm nữa, cần đưa các trường đại học vào mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia, ưu tiên kết nối với các chương trình đổi mới sáng tạo vùng và quốc tế.
“Để các trường đại học thực sự trở thành “chủ thể nghiên cứu mạnh” như tinh thần Nghị quyết số 57 đề ra, cần có hệ sinh thái chính sách đồng bộ, mang tính đột phá, tạo điều kiện cho trường không chỉ giỏi đào tạo mà còn làm chủ công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển quốc gia”, đại diện nhà trường chia sẻ.