Nhiều địa phương thiếu giáo viên ở môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc

13/05/2025 08:55
Khánh Hòa

GDVN- Nhiều địa phương đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học đặc thù, mặc dù đã có giải pháp nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở các môn học đặc thù. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút và giữ chân giáo viên, nhưng nguồn tuyển vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Điều này khiến các ngành giáo dục vùng cao phải xoay sở bằng cách như điều động, biệt phái giáo viên, cho giáo viên dạy kiêm nhiệm, dạy liên trường hoặc học trực tuyến, song hiệu quả và tính bền vững còn rất hạn chế.

Thiếu nguồn tuyển, bài toán "nan giải" ở vùng cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết, tính đến năm học 2024-2025, thị xã Sa Pa đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên ở các môn học đặc thù như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Cụ thể, toàn thị xã có 58 trường học với 807 lớp và 22.532 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 1.497 người, trong đó có 1.259 giáo viên. So với biên chế được giao còn thiếu 160 biên chế giáo viên, gồm: 43 giáo viên mầm non, 62 giáo viên tiểu học, 55 giáo viên trung học cơ sở.

Lý giải về tình trạng này, ông Chinh cho biết nguyên nhân lớn nhất là thiếu nguồn tuyển. Năm học 2023-2024, dù có nhu cầu tuyển dụng 185 chỉ tiêu giáo viên nhưng địa phương chỉ tuyển được 73 người. Năm học 2024-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa đã có tờ trình đăng ký nhu cầu tuyển dụng giáo viên và đang chờ quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Ngoài ra, việc đào tạo và phân bổ nguồn nhân lực các môn học đặc thù như Tiếng Anh, Âm nhạc, Tin học chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của địa phương, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như thị xã Sa Pa.

Các vùng khó khăn thường khó thu hút giáo viên do điều kiện sống, môi trường làm việc còn nhiều hạn chế. Đối với sinh viên mới ra trường, chính sách thu hút chưa đủ mạnh, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên họ thường không mặn mà về công tác lâu dài tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.

thay-chinh.png
Ông Nguyễn Trường Chinh - Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Theo ông Chinh, ngành giáo dục thị xã Sa Pa đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút và hỗ trợ giáo viên, đặc biệt ở các môn học đặc thù. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt được kỳ vọng và tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp diễn.

Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã thực hiện một số biện pháp như ký hợp đồng với giáo viên ở tất cả các cấp học và môn học ngay từ tháng 8/2024 nhằm đảm bảo đủ nhân lực giảng dạy cho năm học mới. Tuy nhiên, tính ổn định không cao do giáo viên hợp đồng dễ nghỉ giữa chừng.

Biệt phái và điều động giáo viên giữa các trường, phân công giáo viên từ các trường có môn dạy trùng lặp hoặc ít tiết sang hỗ trợ trường khác trong khu vực cũng là hình thức được địa phương áp dụng. Hình thức giáo viên kiêm nhiệm hoặc dạy liên trường giúp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số điểm trường. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa, điều kiện di chuyển khó khăn và khối lượng công việc lớn, thầy cô dễ bị quá tải, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả giảng dạy.

Đối với môn Tin học, Tiếng Anh, các trường lồng ghép nội dung vào những hoạt động giáo dục hoặc hướng dẫn học sinh tự học thông qua phần mềm hỗ trợ. Thầy cô sẽ tổ chức các chuyên đề, tiết học linh hoạt nhằm bảo đảm học sinh được tiếp cận đầy đủ kiến thức.

Ngoài ra, địa phương cũng đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai và các trường đại học để đăng ký chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên theo hướng cử tuyển. Mặc dù, đây là giải pháp có tính bền vững về lâu dài, nhưng chưa thể giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên trước mắt.

Các phương án trên đã giúp địa phương duy trì việc dạy học đúng chương trình, không để học sinh bỏ tiết. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án mang tính tạm thời, chưa tạo được sự bền vững lâu dài.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Nguyễn Đông Cương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cho biết, hiện nhà trường chỉ có một giáo viên Tiếng Anh ở cấp tiểu học còn khối trung học cơ sở đang thiếu giáo viên bộ môn này.

Để khắc phục, trường đã phối hợp với một trường trung học cơ sở tại Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức dạy Tiếng Anh trực tuyến. Tuy nhiên, do phần lớn các em là người dân tộc thiểu số nên giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa nắm rõ được đặc điểm của học sinh vùng cao khiến hình thức dạy học trực tuyến vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Đối với học sinh tại địa phương, việc học Tiếng Anh cần phải “cầm tay chỉ việc” do khả năng tiếp cận ngôn ngữ còn hạn chế. Trong quá trình học, nhà trường đã bố trí giáo viên bộ môn khác để quản lý cũng như hỗ trợ các em. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên được phân công không có chuyên môn sâu về Tiếng Anh dẫn đến khó khăn trong việc hướng dẫn học sinh về nội dung bài học, làm giảm hiệu quả giảng dạy và tiếp thu. Vì vậy, kết quả học môn Tiếng Anh của các em không cao, đa số chỉ dừng lại ở mức trung bình.

hoc-sinh-2.jpg
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) trong hoạt động ngoại khóa. Ảnh: website nhà trường.

Theo thầy Cương, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên nằm ở đặc thù trường ở vùng sâu, vùng xa, việc di chuyển xa xôi, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn nên việc thu hút, giữ chân giáo viên gặp nhiều khó khăn. Hầu như, giáo viên Tiếng Anh chỉ đến làm việc tại trường trong một khoảng thời gian ngắn. Sau khi được vào biên chế, họ thường xin chuyển công tác về khu vực thuận lợi hơn. Vì vậy, tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt giáo viên Tiếng Anh ở địa phương vẫn chưa khắc phục được.

Mặc dù, giáo viên tại vùng đang được hưởng chính sách thu hút theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo nhưng điều kiện cơ sở vật chất cùng việc di chuyển khó khăn khiến mức lương vẫn chưa đủ để thu hút và giữ chân giáo viên lâu dài.

Không chỉ vậy, nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp thường lựa chọn công tác gần nhà hoặc giảng dạy tại các trung tâm Tiếng Anh. Lý do chủ yếu là sự thuận tiện trong di chuyển, thời gian làm việc linh hoạt, giúp họ dễ dàng chăm lo cho gia đình và cân bằng cuộc sống. So với việc công tác tại vùng sâu, vùng xa với nhiều khó khăn về đi lại và điều kiện sinh hoạt, lựa chọn này được xem là ổn định hơn.

Cần ưu tiên các môn đang thiếu nhiều giáo viên và có chính sách tuyển dụng linh hoạt

Môn Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật là những môn hiện đang gặp tình trạng thiếu giáo viên ở rất nhiều địa phương. Nhiều ý kiến đề xuất nên ưu tiên tuyển dụng giáo viên ở các môn học này.

Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Môn Tin học, Tiếng Anh là những bộ môn dễ rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm qua. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học thường lựa chọn làm tại các thành phố lớn, thay vì trở về quê để giảng dạy. Một số khác, lại ưu tiên lựa chọn công tác tại những trường gần nhà để giảm chi phí sinh hoạt và gắn bó với gia đình. Điều này khiến nguồn tuyển ở địa phương bị hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, trước đây, khi tuyển dụng giáo viên, mức lương khởi điểm chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng, khiến nghề giáo thiếu sức hút đối với sinh viên mới ra trường. Hiện nay, thu nhập của giáo viên đã được cải thiện, mức lương trung bình nằm trong nhóm cao so với mặt bằng chung khu vực công. Giáo viên mới vào nghề cũng có thể nhận được từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, số lượng thí sinh đăng ký theo ngành sư phạm tại các cơ sở giáo dục đại học đang có xu hướng tăng, cho thấy sức hút của ngành sư phạm đang dần được khôi phục. Mặc dù vậy, để có đội ngũ giáo viên trẻ mới ra trường bổ sung cho các địa phương, vẫn cần thêm 2-3 năm nữa.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ông Công kiến nghị, trong thời gian tới, địa phương cần thường xuyên liên kết với các trường như Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ để tiếp tục tổ chức hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông.

Hiện nay, nhiều em chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên đã lựa chọn các ngành khác do thiếu thông tin về chế độ đãi ngộ của ngành giáo dục. Vì vậy, việc cung cấp thông tin đầy đủ về các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ cũng như cơ hội thăng tiến trong ngành rất quan trọng, giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân.

ong-cong.jpg
Ông Nguyễn Tấn Công - Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp.

Còn theo thầy Nguyễn Đông Cương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tê Xăng, địa phương đã triển khai chủ trương đào tạo giáo viên tại chỗ thông qua các đơn đặt hàng với trường sư phạm. Tuy nhiên, chủ trương này chủ yếu áp dụng cho giáo viên cấp mầm non và tiểu học. Đối với giáo viên Tiếng Anh, việc tuyển dụng gặp khó khăn do học sinh ở địa phương ít có cơ hội tiếp xúc với môn học này, dẫn đến khả năng thi đỗ vào các trường sư phạm, đặc biệt là ngành Sư phạm Tiếng Anh rất thấp.

Vì vậy, để giữ chân được giáo viên tại các vùng khó khăn, ngoài chính sách thu hút hiện tại, cần có thêm các khoản phụ cấp phù hợp với đặc thù công tác. Những khoản hỗ trợ này không chỉ giúp cải thiện thu nhập, mà còn bù đắp phần nào khó khăn về điều kiện sinh hoạt, hoàn cảnh sống xa gia đình và áp lực công việc tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho rằng, để thu hút và giữ chân giáo viên lâu dài cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, cần tăng mức hỗ trợ tài chính gắn với thời gian cam kết công tác. Mức hỗ trợ nên gắn với số năm phục vụ thực tế, đảm bảo giáo viên không nghỉ việc sau khi nhận hỗ trợ, đặc biệt xem xét có trợ cấp ổn định hàng tháng cho giáo viên hợp đồng.

Ngoài ra, với các điểm trường vùng sâu, vùng xa cần ưu tiên xây dựng nhà công vụ; hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở cho giáo viên công tác tại khu vực trung tâm hoặc vùng giáp ranh.

Địa phương cần có thêm chính sách đào tạo và bồi dưỡng tại chỗ như mở lớp đào tạo ngắn hạn tại địa phương hoặc hỗ trợ giáo viên đi học nâng cao chuyên môn. Cùng với đó, cần có cơ chế đào tạo giáo viên dạy đa môn như Âm nhạc và Mỹ thuật, Tin học và Công nghệ, nhằm đáp ứng yêu cầu linh hoạt trong phân công giảng dạy.

Nên ưu tiên tuyển dụng sinh viên ngành sư phạm là người địa phương, đồng thời có chính sách đặt hàng đào tạo sư phạm cho học sinh người dân tộc thiểu số có học lực khá trở lên với cam kết tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp nếu đạt chuẩn.

Việc bổ sung biên chế phải căn cứ vào tình hình thực tế tại các trường. Tỉnh, Phòng Nội vụ nên giao chỉ tiêu biên chế một cách linh hoạt dựa trên số lượng lớp học, số học sinh, tránh tình trạng chậm trễ.

Đối với ngành giáo dục thị xã Sa Pa, ông Nguyễn Trường Chinh kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và Sở Giáo dục và Đào tạo sớm phân bổ biên chế đủ theo nhu cầu thực tế của các trường tại thị xã Sa Pa, nhất là sau khi sáp nhập địa giới hành chính. Cho phép tuyển dụng linh hoạt, ưu tiên các môn đang thiếu nhiều giáo viên như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Đề xuất xây dựng cơ chế thu hút riêng cho địa phương, có thể thí điểm cơ chế "trợ cấp vùng du lịch miền núi", vì Sa Pa vừa là vùng đặc biệt khó khăn vừa là khu du lịch khá phát triển.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để các trường tự chủ tài chính ở mức hợp lý, tuyển thêm giáo viên hợp đồng theo khả năng ngân sách. Với những môn học thiếu giáo viên, nhà trường phải chủ động triển khai các nền tảng học trực tuyến và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý. Giải pháp này không chỉ giúp duy trì việc học cho học sinh mà còn hỗ trợ giáo viên tổ chức lớp học một cách linh hoạt và hiệu quả hơn.

Cuối cùng, cần khuyến khích giáo viên giỏi, có tâm huyết “cắm bản” lâu dài, xây dựng các mô hình thi đua và vinh danh những giáo viên xuất sắc tại các khu vực khó khăn.

Khánh Hòa