Phá sóng tại điểm in sao đề thi: Sáng kiến hay sự bất lực của nhà quản lý?

27/04/2015 06:09
XUÂN QUANG
(GDVN) - Xuất hiện nhiều quan điểm trái chiều xung quanh đề nghị đặt máy phá sóng viễn thông tại các điểm in sao đề thi...

Đề xuất sử dụng thiết bị phá sóng 

Hôm 24/4, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với 9 cụm thi gồm các trường đại học, các quận, huyện được giao tổ chức cụm thi, bàn về các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi Quốc gia 2015.

Tại đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đã đề nghị thành phố cho phép thành lập tổ an ninh cho Hội đồng đề thi, đặc biệt cần có phương tiện phá sóng tại các điểm in sao đề thi.

Đây được cho là “sáng kiến mới” của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội. Phía đơn vị chuyên trách cũng cho rằng, nếu phương án này được áp dụng, sẽ góp phần đảm bảo an ninh tại kỳ thi Quốc gia 2015.

“Tại mỗi điểm in sao đề thi, với công nghệ hiện giờ chỉ cần ấn enter là có thể gửi được đề ra ngoài. Nếu có công nghệ phá sóng sẽ đảm bảo an ninh hơn”, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cho biết.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Phải có phương án cụ thể

Không lâu sau khi đề nghị này được đưa ra, không ít nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục, bày tỏ những quan điểm trái chiều.

Phía đơn vị quản lý giáo dục cho rằng, nên áp dụng biện pháp phá sóng tại các điểm in, sao đề thi để đảm bảo kỳ thi Quốc gia được an toàn hơn. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu chính sách, phản biện giáo dục thì bày tỏ quan điểm ngược lại.

Hôm 26/4, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là đề xuất đúng đắn, hợp logic.

“Đề nghị áp dụng biện pháp phá sóng tại các điểm in, sao đề thi ở Hà Nội là hoàn toàn hợp lý. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ đem lại hiệu ứng tích cực trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại khi thi Quốc gia sắp tới”.

Ông Nghĩa cũng lưu ý, để kiến nghị này được thông qua cần phải có phương án, báo cáo cụ thể đến các đơn vị quản lý, đơn vị có liên quan.

“Đây chỉ mới là đề xuất chứ chưa được thông qua. Tuy

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT)  thiết bị phá sóng là loại thiết bị bị nghiêm cấm kinh doanh, sản xuất và sử dụng trong lĩnh vực dân sự. Các hành vi sử dụng trái phép, xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của các nhà cung cấp dịch vụ di động hay những người sử dụng dịch vụ di động là vi phạm pháp luật.

nhiên vấn đề nằm ở chỗ, nếu biện pháp này được áp dụng, có ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực in, sao đề thi hay không? Tuy đây là biện pháp đơn giản, nhưng việc triển khai được hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật đi kèm và phải có phương án báo cáo cụ thể…”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Nặng tính cực đoan, tạm bợ

Bên cạnh đó, không ít nhà nghiên cứu chính sách, phản biện giáo dục thể hiện quan điểm không đồng tình, đồng thời cho rằng, đây là giải pháp mang nặng tính cực đoan, tạm bợ.

Về việc này, Tiến sĩ Dương Xuân Thành - một nhà quan sát, phản biện chính sách cho rằng, việc áp dụng các biện pháp bổ trợ nhằm chống tiêu cực trong giáo dục là cần thiết. Tuy nhiên, tư duy chống tiêu cực này lại mang nặng tính cực đoan.

“Các thiết bị phá sóng chủ yếu được sử dụng vào mục đích đảm bảo an ninh, quốc phòng. Nếu phương án này được sử dụng vào mục đích dân sự (thi cử) ít nhiều sẽ gây ra tốn kém, phiền phức, không cần thiết, gây phản cảm trong dư luận. Tôi cho rằng, đây là giải pháp mang tính cực đoan”, Tiến sĩ Dương Xuân Thành cho nhận định.

Tiến sĩ Dương Xuân Thành cũng cho rằng, đề xuất này mang tính thụ động đối phó hơn là việc đưa ra các giải pháp tổng thể nhằm xây dựng hệ thống giáo dục lành mạnh.

“Tại sao chỉ có Hà Nội đưa ra đề nghị này, trong khi đó các địa phương khác thì không? Đảm bảo an ninh trong thi cử đâu cần thiết tới cái máy phá sóng kia. Trong khi đó, chủ thể (con người) lại chưa được chú trọng đúng mức. Từ đây có thể thấy công tác điều hành thi cho đến thanh tra, giám sát, xử lý sai phạm của giám thị và thí sinh, đang có vấn đề. Ngược lại, nếu công tác tổ chức thi tốt, thì không cần thiết phải áp dụng những biện pháp mang tính chất cực đoan như vậy”.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM, việc đề nghị đặt máy phá sóng tại các điểm in, sao đề thi có thể là giải pháp mang tính kỹ thuật tình thế nhằm khắc chế những biểu hiện tiêu cực trong thi cử thông qua các phương tiện dẫn sóng hiện đại.

"Điều này khắc chế được các đối tượng có ý đồ xấu, rất thạo về kỹ thuật nhưng cũng cần lưu tâm đến những đối tượng có sự am hiểu kỹ thuật tinh vi hơn hoặc tìm được nhiều biện pháp khác tinh vi hơn nữa", PGS.TS Huỳnh Văn Sơn lo ngại.

Cũng theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn :"Đề nghị trên dù là động thái mang tính tâm lý hay thực sự kỹ thuật cũng cần được cân nhắc vì bản chất của giáo dục và đầu tư đánh giá cần hướng đến lâu dài thay vì những định hướng quá máy móc, kỹ thuật. Nếu có, cũng cần nghiên cứu việc hỗ trợ của các đơn vị khác tránh lãng phí không đáng có".

Loại bỏ tư duy về thành tích

Theo tiến sĩ Dương Xuân Thành, "thay vì việc đưa ra giải pháp phá sóng viễn thông tại các điểm in sao đề thi, có thể áp dụng các biện pháp bổ trợ ghi hình bên cạnh sự giám sát chặt chẽ tại mỗi điểm in sao đề, điểm thi…

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là loại bỏ tư duy, căn bệnh thành tích đè nặng lên giáo viên, học sinh. Có làm được như vậy mới nâng cao được chất lượng kỳ thi…”

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (ảnh: Internet)
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (ảnh: Internet)

Đồng quan điểm trên PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, về lâu dài cần lưu tâm khi muốn hạn chế tiêu cực trong giáo dục đó là cần chú ý đến các cách thức giáo dục con người đặc biệt là giáo dục lòng tự trọng cũng như tinh thần nghiêm túc trong thi cử.

Đó thực sự là biện pháp mang chất giáo dục thay vì các biện pháp hành chính hay kỹ thuật... nó thuộc về các cấp khác, ban ngành khác, Sở khác.

Hơn thế nữa, chính những cán bộ coi thi - những người công tác trong ngành cần được tin tưởng và yêu cầu cao để làm thật tốt chức trách của mình thay vì có những cán bộ vẫn chưa làm hết mình, hay có những hành vi tiêu cực xảy ra.

Cần có độ ngũ giám sát thi chuyên nghiệp và quản lý công tác coi thi thay vì cứ đầu tư cho máy móc như một kỹ thuật tinh vi hay đơn giản

Song song đó, cũng cần tuyên truyền đến phụ huynh về các chủ trương thực học thực tài thay vì việc "sính" kết quả, bằng cấp và những biểu hiện khác... 

Cũng liên quan đến việc sử dụng các thiết bị phá sóng viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, thiết bị phá sóng là loại thiết bị bị nghiêm cấm kinh doanh, sản xuất và sử dụng trong lĩnh vực dân sự.

Các hành vi sử dụng trái phép, xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của các nhà cung cấp dịch vụ di động hay những người sử dụng dịch vụ di động là vi phạm pháp luật.

"Không bao giờ có chuyện các thiết bị phá sóng được cấp phép sử dụng. Nếu phát hiện các trường hợp sử dụng trái quy định thì phải xử lý bằng hình thức xử phạt và tịch thu thiết bị theo quy định của pháp luật", Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết.

XUÂN QUANG