Phải thừa nhận rằng quản lý dạy thêm rất khó, HS nào đi tố cáo thầy cô dạy mình

05/05/2023 08:46
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để đảm bảo quyền lợi cho người học, việc quản lý chất lượng phải chặt chẽ hơn, tránh việc đánh trống ghi tên thu tiền, còn chất lượng lại không tương xứng.

Liên quan đến đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều ý kiến tham góp để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này.

Quy định dạy thêm là nghành nghề kinh doanh có điều kiện: Lo ngại hoạt động dạy thêm biến tướng, lách luật

Việc quản lý dạy thêm, học thêm thời gian qua đã được quản lý chặt chẽ, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng giáo viên công lập dạy thêm cho học sinh chính khóa. Chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị hiệu trưởng trường chuyên cho hay:

Đồng lương giáo viên chưa đảm bảo mức sống, đôi khi xin việc còn phải mất tiền thì sẽ ắt nảy sinh hoạt động dạy thêm để đảm bảo nhu cầu. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, song chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng quản lý hoạt động này rất khó.

Ví dụ với quy định cấm giáo viên tổ chức lớp dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa, chúng ta rất khó để quản lý. Có học sinh nào đi tố cáo chính thầy cô giáo mình?”.

Ảnh minh họa: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Ảnh minh họa: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Theo đó, vị lãnh đạo tán thành với ý kiến đề xuất của Bộ Giáo dục về việc xem xét đưa hoạt động dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, thầy hiệu trưởng nhấn mạnh đến các quy định quản lý khi thực hiện, tránh biến tướng tương tự như câu chuyện kiểm định xe hiện nay.

Đây cũng là ý kiến của ông Lê Trọng Hà - Chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Theo ông, khi quy định dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như vậy các chủ thể tham gia sẽ phải đóng thuế và tuân theo những quy định bắt buộc. Các ràng buộc này phần nào góp phần hạn chế hoạt động dạy thêm tràn lan, nhưng cũng có thể nảy sinh ra nhiều biến tướng thêm nhiều hình thức khác để lách luật.

“Có thể thay vì tổ chức dạy thêm các lớp học lớn, người dạy có thể đổi sang hình thức dạy kèm thêm, gia sư, dạy các nhóm nhỏ,... mà để quản lý hết những hình thức này thì rất khó. Do vậy, liên quan đến vấn đề này vẫn còn rất nhiều nội dung cần bàn bạc và xem xét kĩ lưỡng”, ông Hà nói.

Nâng cao quản lý chất lượng dạy thêm trong trường, tránh việc đánh trống ghi tên, chất lượng không tương xứng

Theo ông Hà, việc quản lý dạy thêm học thêm tại địa bàn thành phố Sầm Sơn được quản lý rất chặt chẽ.

Chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sầm Sơn cũng cho rằng, không nên đánh đồng việc dạy thêm học thêm hiện nay là tràn lan ở tất cả các tỉnh, thành. Tần suất, mức độ của hoạt động dạy thêm học thêm còn tùy theo nhu cầu và thị hiếu học của mỗi vùng, mỗi địa phương, mà đa số tập trung phần lớn tại những thành phố lớn.

“Việc quản lý dạy thêm học thêm ở trong trường, nhìn chung cơ quan quản lý sẽ điều tiết và quản lý chặt chẽ được. Tuy nhiên, dạy thêm bên ngoài nhà trường rất đa dạng, việc quản lý sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều”, ông Hà nhận định.

Cụ thể, hoạt động dạy thêm ở trong trường được quản lý giống như dạy chính khóa, với thời khóa biểu, kế hoạch giảng dạy, giám sát, và cả mức thu chi cũng có quy định rõ ràng. Theo đó, ông Hà kiến nghị để đảm bảo quyền lợi cho người học, việc quản lý chất lượng phải chặt chẽ hơn, tránh việc đánh trống ghi tên thu tiền, còn chất lượng lại không tương xứng.

“Tất nhiên điều này không xảy ra ở tất cả mọi cơ sở giáo dục, tuy nhiên việc quản lý chặt chẽ hơn cũng là cách chúng ta đảm bảo quyền và lợi ích cho người học. Và việc quản lý này rất cần thiết phải được đề cao ở người quản lý, lãnh đạo nhà trường”.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm thì cần phải nhìn nhận vấn đề từ gốc rễ.

Theo đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng việc dạy thêm, học thêm liên quan tới rất nhiều yếu tố từ kinh tế, văn hóa, tâm lý xã hội và chất lượng giáo dục. Ngày nay, thu nhập của các gia đình được cải thiện hơn nhiều so với trước đây, các gia đình cũng sinh ít hơn nên có nhiều điều kiện để đầu tư cho con cái học thêm.

Báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011 - 2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố cho thấy, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay. Cụ thể, chi phí học thêm đối với tiểu học là 32%, trung học cơ sở là 42% và trung học phổ thông là 43%.

Về yếu tố văn hóa, câu chuyện ganh đua điểm số vẫn còn phổ biến, xã hội còn nặng về coi trọng bằng cấp cũng là có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý các gia đình. Điều quan trọng hơn ông Vinh nhấn mạnh chính là giáo dục ngày nay vẫn còn tâm lý học để đi thi, lấy thành tích. Bên cạnh đó, dù đã giảm tải, chương trình phổ thông vẫn còn nhiều phần chưa hợp lý và chưa cần thiết.

Do vậy, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp đề xuất các giải pháp vĩ mô nhà nước cần quan tâm như: Mở rộng trường học, khuyến khích xã hội hóa giáo dục, cấp phép chuyển đổi loại trường,... nhằm tăng cơ hội học tập cho đa dạng tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tiếp tục cải cách chế độ thi cử, khuyến khích việc học đều và phát triển toàn diện đầy đủ, không học tủ học lệch…

Doãn Nhàn