Lương đã thấp lại còn bị quỵt lương
Bức xúc trước thái độ của vợ chồng chủ trường, cô Nhung đưa sự việc lên mạng xã hội.
Theo đó cô và các đồng nghiệp tố chủ Trường mầm non tư thục B.B (Hoài Đức, Hà Nội) không trải tiền lương cho giáo viên.
Trong khi đó ăn uống thì thiếu thốn: "cơm không đủ ăn, thịt không đủ gắp, rau không đủ vớt, Tết có thưởng vài đồng mà giữ lại sau tết mới cho".
Không những bị quỵt tiền lương mà cô Nhung còn bức xúc trước thái độ của vợ chồng chủ trường:
"Khi giáo viên đến hỏi tiền lương bản thân cô quản lý tên V. không nói chuyện đàng hoàng mà còn gọi chúng tôi là vác mặt đến lấy tiền, tôi không nợ nần gì nhà các cô.
Anh chồng có đuổi giáo viên đi và hùng hổ định giáo viên, thách thức các cô".
Theo cô Nhung lương các cô không đáng là bao, công việc thì áp lực, đi làm được vài đồng thì bị chủ trường quỵt tiền lương.
Quá đáng hơn, vợ chồng chủ trường còn rắp tâm "triệt đường sống" của các cô bằng cách đi nói xấu giáo viên với các hiệu trưởng xung quanh và bịa đặt các cô phá trường.
Trao đổi với phóng viên mặc dù bức xúc nhưng cô Nhung không định làm to chuyện:
"Mấy triệu đối với nhà người ta không là cái gì đâu nhưng đối với chúng tôi thì đây là cả một quá trình dài, mồ hôi công sức.
Nhưng thôi vì cũng là làng xóm láng giềng, người ta lại cố chấp cho nên chúng tôi quyết định không đòi nữa. Tùy vào cái tâm của họ.
Mấy ngày qua phụ huynh, hàng xóm biết vậy là đủ hiểu về nhà trường cũng như chủ trường như thế nào rồi.
Số tiền này tôi sẽ không đòi nữa và để cho họ một cơ hội làm lại, sống tốt hơn. Hi vọng từ bây giờ họ sẽ đối xử với giáo viên và học sinh tốt hơn".
Giống như tình cảnh của cô Nhung, nhiều giáo viên mầm non cũng tỏ ra bức xúc.
Cô Nguyễn Thị Thoa, giáo viên mầm non ở Ninh Bình vừa mới bị cho thôi việc.
Điều đáng nói cô Thoa cũng chỉ nhận được một nửa lương so với cam kết ban đầu.
"Tôi cũng rơi vào tình cảnh như cô Nhung. Thời gian đầu về trường dạy họ cam kết 6 tháng nâng lương một lần.
Thế nhưng dạy ở đây một năm mà lương vẫn lẹt đẹt không được nổi 3 triệu đồng.
Giáo viên thấy thế mới phản ảnh thì chủ trường sách nhiễu, dọa nạt. Thấy vậy chúng tôi xin nghỉ thì họ chỉ trả cho một nửa lương. Số còn lại họ xin khất.
Thế nhưng đến thời hạn chúng tôi lên lấy nửa lương còn lại thì chủ trường đóng của phòng cho bảo vệ ra đuổi giáo viên về.
Cách làm việc của nhiều chủ trường thực sự không chấp nhận được".
Trường mầm non bị tố quỵt lương giáo viên (Ảnh: Vũ Ninh) |
Bên cạnh vấn đề lương lậu bấp bênh, cô Thoa cũng cho biết tại nhiều trường mầm non các đồng nghiệp cũng phản ánh lại giáo viên không được đối xử tốt:
"Trong thời gian tôi làm việc tình trạng nợ lương, chậm lương diễn ra liên tục. Thêm vào đó ăn uống cũng kham khổ.
Suất cơm của giáo viên cơm chẳng đủ no, thức ăn thì thiếu thốn. Chúng tôi toàn phải tự mang cơm ở nhà".
Hệ quả từ việc tuyển dụng lỏng lẻo
Ngay sau khi sa thải cô Nhung cùng một vài giáo viên khác, Trường mầm non tư thục B.B đã rục rịch tuyển giáo viên mới.
Yêu cầu khá đơn giản: Không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm và có thể đi làm luôn.
Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào? |
Với các tuyển dụng như vậy nhiều trường mầm non tư thục có thể lợi dụng kẽ hở này để quỵt lương, bớt xén lương giáo viên.
Bởi vì các cô đi làm hoàn toàn không có hợp đồng, khi xảy ra khúc mắc rất khó để cãi lý.
Nhà trường coi như nắm đằng chuôi.
Cô Hoa, một giáo viên có thâm niên trong ngành phân tích:
"Không có hợp đồng lao động sao em lại làm? Em nói thế này họ nói ngược lại thì sao.
Pháp luật sẽ chẳng ai giải quyết nếu như em chỉ nói miệng. Ngược lại họ có thể kiện bạn vì làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ.
Tôi cũng đã từng là giáo viên trường công, cũng từng làm giáo viên trường tư nên tôi hiểu cái khổ và vất vả của nghề giáo viên.
Nhưng giáo viên trước hết phải đảm bảo quyền lợi của mình bằng việc làm hợp đồng lao động. Đấy là một cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình".
Đồng quan điểm với cô Hoa nhiều giáo viên cũng cho rằng: Việc tuyển dụng ở các trường mầm non tư thục hiện nay rất có vấn đề.
Đứng ở phía người lao động: Việc tuyển dụng không có hợp đồng sẽ kéo theo giáo viên phải chịu nhiều thiệt thòi. Dẫn đến tình trạng bị quỵt lương, bớt xén tiền công.
Đứng về phía học sinh và các gia đình: Tuyển dụng giáo viên mầm non không bằng cấp, trình độ kém là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bạo hành.
Việc không ký hợp đồng đẩy nhiều giáo viên vào tình trạng "tình ngay lý gian" (Ảnh minh họa: vtv.vn) |
Chị Đinh Thị Nga tâm sự: "Với kinh nghiệm của mình hiện nay làm bất cứ ngành gì cũng cần giấy trắng mực đen không thể ỡm ờ hứa suông được.
Đây cũng là một bài học cho cô Nhung và nhiều đồng nghiệp trẻ.
Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn các chủ trường hãy nghĩ đến các giáo viên nhiều hơn và sống thật tâm với họ.
Chúng tôi cũng là người làm công ăn lương, cũng hết mình vì nhà trường và người học sinh".
Thông qua câu chuyện này hy vọng giáo viên mầm non sẽ rút ra được bài học để tránh tình trạng "tình ngay lý gian".