Kết thúc bi thảm của những cuộc tình đồng tính

20/05/2012 08:05
Thời gian gần đây, có hàng loạt các vụ thảm án xảy ra bắt nguồn từ những mối tình đồng tính. Câu hỏi tại sao những mối tình đồng tính ở Việt Nam thường kết thúc bi thảm đã đặt ra từ rất lâu rồi nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Ảnh: Internet

Những chuyện ghen tuông rùng rợn

Ngày 8-9-2009, Đào Văn Tảng (sinh năm 1972, trú tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) lấy xe máy chở Trần Văn Minh (sinh năm 1988, trú tại thôn 7, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc), bạn tình đồng giới, đi Phan Thiết chơi, thuê nhà nghỉ K.O. để “vui vẻ”. Do có mâu thuẫn trước đó, vì Tảng không chịu bỏ vợ để chỉ yêu mình Minh nên khi xảy ra cãi cọ, Minh đã dùng vỏ chai bia (mà cả hai đã mang theo trước đó) đập vào đầu Tảng. Tảng tức giận lấy dao Thái Lan đâm bốn nhát vào người khiến Minh chết tại chỗ. Sau đó, Tảng uống thuốc trừ sâu tự tử nhưng được cứu sống kịp thời.
Tại Tiền Giang, một án mạng rùng rợn đã xảy ra do ghen tuông đồng tính. Khoảng 10 giờ ngày 1- 6- 2007, người dân phát giác dưới trụ cầu Mỹ Thuận, phía bờ Vĩnh Long, một xác người bị cột trong một bao tải. Khi khám nghiệm tử thi, cho thấy nạn nhân bị giết bởi chục vết đâm gần vùng ngực và lưng. Tử thi trong bao tải là của anh Đào Văn Minh, 31 tuổi, trú ở Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, Tiền Giang.

Thủ phạm là Nguyễn Chí Cẩm, 19 tuổi, trú ở Khu vực 3, thị trấn Cai Lậy. Cẩm khai quen và “cặp bồ” với Minh và trong một lần hai người cãi vã vì ghen tuông, Cẩm đã dùng dao nhiều nhát vào ngực người tình. Ra tay xong, hắn giặt sạch giường nệm, lột hết tài sản của Minh, lẻn ra ngoài tới một nhà máy xay cám, lén lấy 2 cái bao, về bỏ xác Minh vào bao trong tư thế ngồi, cột chặt, chờ đến 21 giờ trả phòng, bỏ xác Minh ở baga giữa xe, chạy ra cầu Mỹ Thuận, vứt xác Minh xuống sông.
Hay như vụ TAND TP.HCM xét xử, tuyên phạt Nguyễn Thị Hồng Nga (34 tuổi, trú Q.Bình Thạnh) mức án chung thân về tội giết người nguyên nhân là  Nga và nạn nhân có quan hệ đồng giới với nhau và thuê phòng trọ sống chung. Cũng chỉ vì ghen tuông nghi ngờ bạn tình có tình cảm với người khác mà hai người xảy ra mẫu thuẫn, xô xát với nhau. Kết cục, Nga đã đâm chết người tình là chị Mariyas.
Cơ quan điều tra từng cho biết về một vụ án giết người mà nạn nhân và thủ phạm là một cặp đồng tính, bi kịch xảy ra cũng liên quan đến “chữ tình”. Chàng thanh niên Phạm Văn Toàn đang thất nghiệp thì quen một chàng trai là Từ Bảo Lộc 27 tuổi. Một buổi tối, sau khi nhậu xong, trong lòng hưng phấn, Lộc muốn quan hệ tình dục nhưng bị từ chối, nên cưỡng ép bằng cách rút dao dọa giết. Toàn miễn cưỡng “mây mưa” với người tình, nhưng vẫn uất ức nên đợi lúc anh ta không để ý, Toàn chụp con dao và đâm liên tiếp mấy chục nhát vào người Lộc khiến anh ta chết tại chỗ.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc chịu nhiều sự o ép về tâm lý khiến cho cách hành xử của một số cặp đồng tính trở nên khác người, mức độ bạo hành cũng nặng hơn bình thường. Trong trường hợp họ có người tình vốn không phải là đồng tính, hoặc phải yêu đơn phương, sự ghen tuông thường bùng nổ mãnh liệt, cách giải quyết dễ thiên về bạo lực hơn.
Theo nhiều người trong cuộc, những dồn nén tâm lý dẫn đến bạo hành ở các đôi đồng tính, hay việc những cô gái là lesbian phải chịu sự hành hạ của chồng như kể trên có một phần nguyên nhân từ sự kỳ thị của xã hội. Nhiều người vẫn coi đồng tính là một bệnh, một sự sa đọa đạo đức, dẫn đến khinh ghét họ. Và  những vụ ghen tuông dẫn đến án mạng, hoặc bạo lực là kết quả thường thấy trong các mối tình đồng giới.

Tại sao lại như vậy? và tình đồng giới là gì?

Xu hướng tính dục (hay khuynh hướng tính dục, khái niệm này vẫn hay đươc quen dùng là khuynh hướng tình dục hoặc thỉnh thoảng là định hướng tình dục) là một trong 4 yếu tố tạo nên tính dục của con người, là sự hấp dẫn về mặt tình cảm và thể chất với một đối tượng thuộc giới nào đó. Những yếu tố còn lại là giới sinh học (cấu trúc gene, ngoại hình, nội tiết), bản sắc giới (cảm nhận mình thuộc giới nam hay nữ) và vai trò xã hội của giới (có hành vi cư xử theo kiểu nam hay nữ-giới tính nam hay giới tính nữ về mặt tâm lý xã hội).
Có 3 xu hướng tính dục thường gặp là: xu hướng tính dục đồng giới (hấp dẫn với người cùng giới - homosexuality), xu hướng tính dục khác giới (hấp dẫn với người khác giới - heterosexuality), và xu hướng lưỡng tính dục (hấp dẫn với cả hai giới - bisexuality). Cũng có thể có một xu hướng nữa tuy rất hiếm gặp là không hấp dẫn với giới nào cả. 
Đồng tính luyến ái là hiện tượng những người cùng giới có quan hệ tình dục với nhau. Người đồng tính luyến ái chỉ khác với đa số người khác chủ yếu ở xu hướng tính dục (hấp dẫn với người cùng giới), ngoài ra họ có cấu trúc gene bình thường (XY hoặc XX) với hình thể bình thường thuộc nam hay nữ, có bản sắc giới bình thường (vẫn cảm nhận mình là nam hay nữ) và vai trò giới cũng bình thường trong hầu hết trường hợp. Đồng tính luyến ái (ĐTLA) là một cách sinh hoạt tình dục, không phải là một loại bệnh, rối loạn tâm thần hay tệ nạn xã hội, càng không phải là một giới tính.
Những người ĐTLA bình thường như bao người khác và có giới tính được phân lập rõ ràng là nam hay nữ. Cái khác duy nhất là đối tượng luyến ái của người ĐTLA là người cùng giới (nam-nam, nữ-nữ), trong khi đối tượng của người “bình thường” (ám chỉ những người dị tính ái) là người khác giới (nam-nữ, nữ-nam).
Các nghiên cứu xã hội học đã khẳng định rằng, xã hội nào cũng có hiện tượng tình dục đồng giới, biểu hiện ĐTLA như nhau. Tỉ lệ người ĐTLA gần như không thay đổi ở mọi xã hội, thời đại. Họ chiếm khoảng 3-5% dân số mỗi quốc gia, tỉ lệ này gồm cả người có quan hệ luyến ái với người cùng giới ở mức độ thi thoảng. 
Nhiều người đã xem xét vấn đề tình dục đồng giới dưới góc độ đạo đức và tôn giáo mà không quan tâm đến các yếu tố sinh học một cách nghiêm túc để hiểu rõ hơn xu hướng tình dục này, đó là nguyên nhân chính dẫn tới sự kì thị với người ĐTLA. Có hại hay không có hại cho giống loài có lẽ là cốt lõi của vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận. Mọi người cần thấy rằng ĐTLA không có hại cho cộng đồng vì không lây lan, chỉ thuộc một số người hạn chế, không hề đe dọa sự tồn tại của giống loài. Vì vậy người ĐTLA không thể là mục tiêu để phải chịu sự kỳ thị hoặc đàn áp của xã hội. Nhận thức như vậy cho nên trên thế giới nhiều nước đã đặt hành vi tình dục đồng giới dưới sự bảo vệ của pháp luật, coi đó là biểu hiện của xu hướng tính dục tuy khác đa số người nhưng cần được bình đẳng về mọi mặt như những người khác.
Sự không hiểu biết đầy đủ của một bộ phận cộng đồng về loại xu hướng tính dục đồng giới này đã gây cho người ĐTLA nhiều khó khăn và thiệt thòi trong đời sống. Có nhiều người có tâm trạng bế tắc, chán chường, thậm chí muốn tự tử, có người đã cầu cứu đến các nhân vật khoa học, các nhà văn để giãi bày nỗi khổ của mình. Vậy không thể bỏ qua nguyện vọng chính đáng của người ĐTLA là được sống như một nhân cách bình thường khác, không bị kỳ thị, thành kiến, coi thường. 
Muộn còn hơn không bao giờ, đã đến lúc cần có những nghiên cứu nghiêm túc về thực trạng nhóm người có xu hướng tình dục đồng giới để có định hướng dư luận xã hội đúng đắn.

Nguyệt Nga/ANTĐ