Khoảnh khắc giết 6 mạng người ám ảnh suốt đời gã sát nhân

16/10/2011 06:08
Theo Pháp luật và thời đại
Giờ đây, khi phải chôn vùi cả tuổi xuân ở trong tù, Quân mới cảm thấy đắng lòng, hối hận khi nghĩ đến mẹ già, mong muốn được ôm mẹ một lần thật xa vời.
Gần 3 năm đã trôi qua kể từ cái đêm Quân chứng kiến “cảnh 6 mạng người lần lượt lao lên rồi gục ngã dưới 2 họng súng “hoa cải”, hắn kể lại suốt cuộc đời này có lẽ sẽ không khi nào xem phim hành động nữa vì “những gì tôi chứng kiến vụ 6 mạng người đổi đống than vụn còn kinh hoàng hơn phim”. Một trong những “nhân vật chính” vụ “thảm sát làng Khánh” cuối năm 2008 từng khiến dư luận xôn xao, nay dành nốt cuộc đời ngồi sau song sắt gặm nhấm nỗi ám ảnh sẽ đeo bám mình suốt phần đời còn lại.

Hiện trường vụ thảm sát
Hiện trường vụ thảm sát


“Dàn trận” vì đống than vụn

Hoàng Văn Quân (SN 1982, trú tại thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) kể lại, hắn vốn là một thanh niên lêu lổng, không nghề nghiệp cố định. Có thời gian rảnh, Quân đi xúc than thuê, rồi đi săn bắn với mọi người trong làng làm thú vui. Đến khi mẹ Quân than phiền nhiều thì cậu con trai út trong một gia đình có tới 7 anh chị em mới tu chí ở nhà chăn nuôi để yên lòng mẹ. Mặc dù vậy, Quân vẫn thường xuyên có quan hệ với một số “anh em thân thiết” và coi đó là những “chiến hữu”, có việc gì cần, nhấc cú điện thoại là Quân có mặt.

Thu nhập chính của người dân thôn Đá Trắng là đi mót than và được thuê làm bảo vệ các mỏ than. Công việc này tuy vất vả nhưng thu nhập cao hơn rất nhiều việc đi săn và làm ruộng nên rất đông người tham gia. Có thời gian rảnh rỗi, Quân lại được bạn bè rủ đi bảo vệ than.

Quân có hai người bạn, thân thiết và coi nhau như anh em là Phan Huy Nam (SN 1972) còn có biệt danh là Nam “bang” và Đặng Thế Sơn (SN 1979, còn có biệt danh là Sơn “đen”, đều trú cùng xã Thống Nhất). Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến 12/2008, Nam được phép hút vét than rơi vãi dưới mặt nước tại khu vực cảng Làng Khánh (thuộc Công ty Cổ phần Cảng Làng Khánh).

Ngày 13/12/2008, khi đang ở nhà thì Quân được Nam gọi vào cảng than có việc gấp. Nam thông báo ngắn gọn với hai “chiến hữu”: “Có một bọn đang vào cướp than của anh, các chú ra đây anh nhờ tí việc”. Sau khi nghe tình hình, “chỉ thị” của “đại ca” và làm một vài chén rượu cho ấm bụng, Nam đưa cho hai người hai khẩu súng hoa cả, Sơn cũng đích thân cầm 1 khẩu với mục đích “dằn mặt” bọn thổ phỉ dám cướp than của mình.

Quân nhớ lại, lúc đó khoảng 2h sáng ngày 14/12/2008 nhưng nhờ có ánh đèn điện cao áp tại cảng than nên mọi việc đều sáng rõ như ban ngày. Một chiếc thuyền trọng tải khoảng 10 tấn cập cảng Làng Khánh đang trộm than của Nam. Ba người nấp vào các đống than gần đó quan sát tình hình. Qua theo dõi, trên thuyền có khoảng 20 công nhân được thuê múc than, còn có một số người đứng hút thuốc, không làm gì cả. Nam nói nhỏ: “Chính là bọn nó”. Vừa nói, Nam vừa chỉ về phía 7 người đội mũ cối, tay chỉ chỏ: “Đây chính là bọn bảo kê cho việc trộm than của tao. Nếu để bọn nó đi thì coi như 10 tấn than cóp nhặt bỗng biếu không à? Cũng tiền cả đấy chứ, gần hai chục triệu của tao chứ ít đâu. Phải dạy cho bọn này sáng mắt ra”.

Quân bàn: “hay là mình gọi công an xuống, kết hợp với anh em mình bắt gọn bọn này luôn”. Nam nghe vậy gạt ngay: “Không được, lộ mất”. Quân nghe vậy không dám nói gì nhưng nhận ra trong đám “cướp” than có một người bạn của mình cũng tên Quân. “Tôi định sẽ điện cho bạn mình lặng lẽ rời khỏi đám công nhân để tránh nguy hiểm đang gần kề nhưng không dám làm, sợ các “đại ca” phật ý”, hắn kể lại. Mặc dù đề phòng

Nam nhắc khẽ Sơn: “Đợi chúng nó cướp xong đã”. Lúc này, khoảng cách nấp giữa nhóm của Nam, Sơn, Quân cách chỗ nhóm người cướp than khoảng hơn 10m. Mặc dù đề phòng và cũng mang theo vũ khí “nóng” nhưng nhóm thổ phỉ không ngờ được mối nguy hiểm đang rình rập ngay gần đó. Quân kể lại, khi đó thấy mỏi và buồn ngủ, hắn xin phép 2 “đại ca” về lán hút hơi thuốc lào rồi ra ngay. Cẩn thận xách theo cả khẩu súng, Quân khom người lúp xúp chạy về phía lán hút thuốc. Khi quay lại được nửa đường thì bắt đầu nghe tiếng súng nổ.

“Cuộc chiến” 2 chọi 7

Vẻ mặt của Quân có một chút rúm ró khi nhớ lại thời khắc kinh hoàng đó. “Nhiều tiếng nổ lắm, rất đanh và gọn. Tôi nhớ lúc đó mình nghe được khoảng 7 đến 8 tiếng nổ. Liên tiếp và khả năng từ một đến hai khẩu súng chứ không phải là một. Đoán sự chẳng lành và đụng độ đã diễn ra, nhất là lo hai “đại ca” làm sao nên tôi vội vàng lên đạn khẩu súng của mình đến “trợ chiến”. Đến nơi, trước mặt tôi là một cảnh tượng hãi hùng. Hai người đàn ông đội mũ cối tôi không rõ là ai đã gục chết trên một chiếc xe máy Wave. Tôi đứng trên đỉnh một mỏ than nên dưới ánh điện lại càng nhìn rõ sự việc”, Quân nhớ lại.

Sơn và Nam đứng song song với nhau, cách nhau chỉ vài mét và chắn con đường độc đạo thoát thân của đối thủ, liên tiếp lên đạn và chĩa thẳng nòng súng vào nhóm cướp than đang tìm đường tẩu thoát. Dù thấy hai người đã chết, hai người khác vẫn điên cuồng tiếp tục điều khiển xe máy lao đến, người ngồi phía sau rút ra một vật gì đó mà Sơn loáng thoáng không rõ là súng hay mã tấu. Chưa kịp đến nơi thì Nam và Sơn đã lên đạn kịp tiếp tục nã đạn. “Cảnh tượng còn kinh hoàng hơn cả phim hành động. Hai người đội mũ cối này văng ra khỏi xe, nằm sóng soài trên mặt đất chết tại trận, tiếng xe máy vẫn còn nổ và đèn xe vẫn sáng”.

Chứng kiến cảnh thảm sát dã man; 3 người còn lại loay loay tìm đường chạy trốn nhưng khu vực này hàng chục km2 chỉ là những núi đất thấp lô nhô, chỉ có một đường ra duy nhất là nơi Nam và Sơn án ngữ, phía sau lưng là dòng sông đen ngòm. Cũng có lẽ vì “hăng tiết vịt” nên 3 đối tượng này không chấp nhận cảnh nhảy xuống sông tẩu thoát, mà chấp nhận phương án “cảm tử quân”: Nhảy phóc lên một chiếc xe máy lao đến, một người đã móc súng ra định bắn trả nhưng không kịp. Nam bắn liền hai phát, Sơn bắn theo khiến hai người phía trước bắn ra đằng sau. Cảnh tượng không khác gì lúc trước, rất nhanh và ghê sợ. Người ngồi cuối cùng có lẽ bị một phát đạn xuyên táo nên nhẹ hơn, ngã xuống một hồi vẫn còn nhúc nhích. “Người này thì tôi có biết, tên là Chung “Thình”. Chung bị dính hai phát đạn và bị lực đẩy văng ra xa nên bay thẳng xuống một vũng bùn gần đó nằm thoi thóp. Lúc này, anh Nam bảo tôi: “Xuống thanh toán nốt đi”. Tôi cầm súng, tiến lại gần thì phát hiện Chung còn sống. Quay mặt lại anh Nam, tôi bảo: “Thằng này em biết, nhà nó cũng hoàn cảnh, anh tha cho nó”. Ngần ngừ một hồi, anh ấy tặc lưỡi: “Tùy chú”, Quân thuật lại.

Quân kể tiếp: “Trong số 6 người bị hạ tại trận, tôi biết 2 người là Nguyên và Ngọc. Hai người này đều “có số, có má”, quê gốc Hải Phòng và mới ra tù. Không hiểu sao lại đi làm bảo vệ cho việc cướp than nên số mới đoản như thế”. Nói về đám công nhân xúc than lên tàu, Quân cho biết: “Chúng nó khi nghe tiếng súng nổ đầu tiên, có lẽ sợ quá nên đã vỡ mật mà đã nhổ neo, lái tàu bỏ chạy”.

Sau này, danh tính của 6 nạn nhân xấu số trong đêm hôm đó được công bố gồm: Nguyễn Cao Nguyên, Lê Bá Ngọc (quê Hải Phòng), Bùi Ngọc Đức, Nguyễn Xuân Hiển, Lê Văn Tiến, Phạm Đình Hiệp và người bị thương là Lê Bá Chung (đều là người Quảng Ninh)

7 ngày lênh đênh trên biển

Đêm vùng than, bóng đêm đen kịt như than, phút hăng tiết bầy đàn qua đi là rũ rượi buồn. Quân kể lại 3 đối tượng còn nán lại bần thần nhìn những xác người rồi mới tính kế chạy trốn. Hỏi: “Không sợ mọi người chạy ra phát hiện hay sao?”, Quân cho biết: “Đó là một bến cảng ven sông, cách xa nhà dân gần nhất cả chục cây, không vội gì mà phải trốn chạy”. Cả nhóm chạy ra nhà một người bạn của Sơn, rồi chạy ra nhà Sơn ở Cẩm Phả. Từ đây, Sơn liên hệ được một chiếc thuyền từ một người bạn quen. Trước khi mượn thuyền, hắn cũng nói rõ: “Tao bắn chết 6 thằng ở Hoành Bồ, mượn tạm mày chiếc thuyền mấy hôm để lo giữ thân đã”. Cả nhóm lên thuyền chạy trốn mà không rõ sẽ chạy đi đâu. Sơn bảo: “Cứ chạy khỏi hiện trường càng xa càng tốt”. Trong khi đó, lên thuyền mà Quân chưa kịp dặn dò gì lại anh chị em và người mẹ già đã gần 80 tuổi lấy một lời.

Cả nhóm lênh đênh trên biển 1 tuần trời. Khi lương thực và thực phẩm cạn kiệt, nên hai “đàn anh” quyết định: “Thôi để thằng Quân lên bờ, tao và mày chịu trận thôi, nó cũng không bắn ai cả”. Quân lên bờ và cầm theo khẩu súng hoa cải. Hắn kể lại, sợ bị phát hiện nên hắn tháo súng ra và gấp vào túi cất đi.

Trên đảo Bản Sen, Quân lang thang và đi lạc, dần đến kiệt sức vì mệt và đói. 6h tối ngày 20/12/2008, Quân xin cơm ở một nhà dân. Phút bước vào cửa cũng là lúc hắn quỵ xuống vì đói khát. Trong người mang theo một ít tiền tích cóp được từ trước nhưng Quân cũng không dám tiêu vì sợ mình có tên trong danh sách truy nã sẽ bị mọi người phát hiện và báo công an.

Sáng sớm hôm sau, Quân ra bến tàu vứt khẩu súng hoa cải mang theo xuống biển, đồng thời bắt tàu vào đất liền rồi nhảy xe ô tô ra Hà Nội. Từ Hà Nội, Quân bắt tàu hỏa trốn vào Lâm Đồng. Khi vừa đặt chân đến nhà một người quen ở Lâm Đồng thì hắn bị công an tỉnh Quảng Ninh tóm gọn. Ngày hắn bị bắt là ngày 26/12/2008, sau hơn 10 ngày trốn chạy vụ án kinh hoàng tại Hoành Bồ.

Bị bắt được ít ngày, Quân hay tin hai “đàn anh” của mình cũng đã sa lưới tại Bình Dương. Y thành thật những gì mình đã chứng kiến và toàn bộ câu chuyện cho cơ quan điều tra. Kể lại câu chuyện mình đã chứng kiến, Quân vẫn còn bàng hoàng: “Thú thực, cho đến giờ khi nói chuyện với các anh, tôi như vẫn còn bị ám ảnh bởi những người cướp than gục chết trên xe máy và bị văng ra đằng sau. Rất may tôi đã không bắn phát đạn “xuống tay” với Chung “Thình”. Không có giờ này tôi đã không ngồi đây mà nói chuyện nữa”.

Sau đó không lâu, ngày 12/1/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử vụ án. Tại phiên xét xử, mặc dù Sơn quanh co chối tội nhưng với những bằng chứng rõ ràng, cả ba đối tượng đã phải cúi đầu trước sự nghiêm minh của pháp luật. Hai bản án tử hình dành cho Sơn “đen” và Nam “bang” là một bản án nghiêm minh về hành vi dã man cũng như mất hết nhân tính của hai bị cáo. Bị đánh giá là “tòng phạm tích cực”, Quân cũng đã nhận mức án Chung thân cho tội “giết người”. Quân nghẹn ngào: “Tôi nghĩ mình chỉ nhận mức án khoảng 20 năm”.

Chỉ vì súng hoa cải?

Quân kể lại: Mấy năm đã qua rồi nên hắn có thời gian nghĩ lại chuyện cũ, và một trong số những lý do theo hắn gây nên vụ thảm sát này, là việc người ta dễ dàng làm ra … súng; và bản thân hắn cũng là một chuyên gia sản xuất súng. Quân nói, ở thôn Đá Trắng nhà ai cũng có một đến hai khẩu để đi săn. Dân tình coi chuyện có súng trong nhà là chuyện thường , và việc Quân có cùng một vài anh em xách súng đi “canh” than cũng là chuyện thường ngày trong ý nghĩ của gã trai thôn Đá Trắng. Chỉ đến khi, súng ấy không phải để đi săn như mọi người vẫn làm mà để bắn người, thì Quân mới bàng hoàng trong nỗi muộn màng.

Thôn Đá Trắng nhà hắn gần rừng, Quân kể những cuộc đi săn của thanh niên trong làng rất hoành tráng. Mọi người chia thành từng tốp, săn thú rừng, săn chim đều bằng … súng hoa cải. Việc dùng súng hoa cải tại thôn khá phổ biến. Vài người đi làm bảo vệ ở các cảng than, các vũ trường và một số “có số, có má” đã truyền nhau kinh nghiệm “sản xuất” súng. Cứ thế, súng hoa cải gần như được làm ra tại chỗ với những thiết kế rất đơn giản. Hắn phân tích tỉ mỉ: Thông thường, súng hoa cải được chia thành 4 loại và khả năng sát thương cũng khác nhau, tùy theo khoảng cách bắn. Nguy hiểm nhất là từ 10m đổ lại. Sự phân chia này dựa trên loại đạn. Súng hoa cải loại 1 có thể bắn từ 60 đến 100 viên. Súng loại này thường nòng dài hơn cả và thường dùng để bắn chim, cò, vạc hay gia cầm chứ mức độ sát thương không cao. Súng loại này nếu bắn trúng người cũng khó có thể gây ra nguy hiểm. Súng loại 2 được thiết kế nòng lớn hơn một chút, bắn số lượng đạn nhỏ hơn, khoảng 30 viên. Súng hoa cải loại 3 có số lượng đạn bắn cùng lúc khoảng 15 viên. Đạn to hơn và được bọc chì nên mức độ sát thương lớn hơn nhiều. Và loại súng hoa cải thứ 4 là loại được “ưa thích” hơn cả, chỉ có số lượng đạn bắn cuối cùng là 9 viên nhưng chỉ cần bắn trúng một viên đạn to (gồm 9 viên nhỏ) là người đứng đối diện … “chầu trời”. Một súng hoa cải loại nào cũng thường được trang bị một hộp đạn gồm 10 viên đạn to. “Súng có thể nhờ làm, còn đạn thì mua khá dễ dàng. Cứ bỏ ra khoảng 100 ngàn đồng ra chợ Chới là mua được một hộp. Dễ có súng như thế nên mới nguy hiểm vì cứ “hứng” lên là thanh niên lại vác súng ra dọa nhau anh ạ, cứ có gì mâu thuẫn là lại nghĩ đến súng”, hắn thở dài.

Ác mộng đêm đêm

Quân vào trại giam Nam Hà đã gần được 1 năm. Gã từ ngày bị bắt cho đến khi bị kết án đều mong mỏi được nhìn thấy mẹ và được ôm mẹ một lần nhưng cơ hội đó có lẽ rất khó. Quân bảo: “Mẹ tôi già lắm rồi, bà cũng bị sốc nặng vì không ngờ con mình lại dính vào vụ án tày đình như thế. Đã nhiều bệnh nên khi nghe tin tôi bị bắt và sau này kết án chung thân, mẹ gần như ngã quỵ xuống. Bố mất sớm, nhà có mấy anh chị em đều một tay mẹ vất vả chăm nom. Chưa báo hiếu được mẹ ngày nào mà đã chôn vùi tuổi xuân của mình ở đây, đó là điều tôi cứ day dứt và trách bản thân mình nhất”.

Công việc chính ở trại giam của hắn là làm khảm trai, một công việc theo Quân là khá phù hợp với mình. Những ngày ở trong trại, Quân vẫn thường dành thời gian rảnh rỗi để làm một vài vật dụng nho nhỏ tặng cho các cháu mỗi khi chúng theo người nhà lên thăm mình. Cứ 3 tháng một lần, gia đình Quân lại có chị gái hay anh trai lên thăm, những món quà quê như cá khô đã khiến gã trai 30 tuổi này ứa nước mắt vì nhớ nhà, thương mẹ.

“Chả biết có cơ hội được làm lại cuộc đời này nữa không anh ạ. Án chung thân thì biết bao giờ mới ra được? Thật tôi không hiểu tại sao ngày ấy mình là hành động như vậy. Nghĩ lại thì trách ai được ngoài bản thân mình”, Quân tâm sự với chúng tôi như vậy. Đôi mắt gã trai này đã từng chứng kiến một màn “thảm sát” như trong phim hành động bỗng đỏ hoe lên vì ân hận. Giờ đây, mỗi khi trại giam Nam Hà có một buổi biểu diễn văn nghệ hay liên hoan nào đó là niềm vui lớn nhất của Quân. Phạm nhân này coi đó là “món ăn tinh thần” quý nhất đối với mình sau song sắt trại giam để quên đi những ám ảnh đêm đêm hiện về sau đêm kinh hoàng 6 mạng người đổi đống than vụn.

Theo Pháp luật và thời đại