Nữ tiếp viên rạch nát mặt bạn vì mất ngôi "hoàng hậu quán"

14/11/2011 07:02
Theo Pháp luật và thời đại
Những nhát cắt oan nghiệt trên gương mặt cô gái trẻ đã vô tình cắt nát bao nhiêu cuộc đời đằng sau cô phải trông chờ vào cô để tồn tại.
Không có “đao to búa lớn” mà chỉ vì những mâu thuẫn lặt vặt như “khách gọi nhiều hơn” hay “tiền bo nó được nhiều hơn”… một nữ tiếp viên trong quán nhậu ở Sài Thành đã đưa cả băng nhóm đến rạch nát mặt đồng nghiệp “thấy ghét” làm cùng quán. Hậu vụ án nào thì chắc chắn những đối tượng phạm tội cũng sẽ phải trả giá, nhưng trong vụ án này, những di chứng để lại tàn độc hơn rất nhiều: Nạn nhân vĩnh viễn mang gương mặt biến dạng; làng xóm không hiểu chuyện xì xào “nó cướp chồng người khác”; và những đứa em, người cha ở quê ngày ngày ngóng chờ khoản tiền hàng tháng chị gửi về nay sẽ không còn nguồn sống… Những nhát cắt oan nghiệt không chỉ rạch nát mặt cô gái, mà còn rạch nát nhiều cuộc đời khác…
Hình minh họa
Hình minh họa
Khoản bo 100 ngàn “bố thí” khiến mâu thuẫn “trâu buộc ghét trâu ăn” bùng nổ Hơn 15 ngày trôi qua, những vết cắt ngang dọc trên khuôn mặt cô gái Trần Tố N (SN 1991, thường trú xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; tạm trú ở đường Phạm Thế Hiển, phường 4, Quận 8, Tp HCM) dù đã liền miệng vẫn khiến người ta nhìn vào phải ớn lạnh. Cô gái ngồi trước mặt tôi khá trầm tĩnh và tỏ ra rất bản lĩnh, dù vẫn không giấu được những giọt nước mắt đau thương khi kể về gia cảnh và thời khắc kinh hoàng bị nhóm côn đồ xông vào dùng dao lam rạch mặt ngày 12/10/2011.Thôn nữ dứt ruột bỏ quê đi kiếm ăn Là chị cả trong gia đình có ba chị em, N và em trai kế sức khỏe bình thường nhưng em gái từ lúc lọt lòng đã khờ khạo ngây ngô. Vì muốn em có cái chữ nên ba mẹ vẫn cho đi học nhưng học tới lớp 7, em phải nghỉ do sức khỏe ngày càng xấu. Thu nhập gia đình chỉ dựa vào mấy vuông tôm nhưng không hiểu sao mấy năm liền tôm cứ chết nổi trắng cả mặt nước. Hết tiền vốn lại nợ tiền ngân hàng, hoàn cảnh gia đình ngày càng trở nên sa sút. Không muốn là gánh nặng của ba mẹ, năm 2006 khi đang học dở lớp 8, cô nghỉ giữa chừng, theo bạn xuống đất Sài Thành mong tìm được việc làm kiếm tiền phụ ba mẹ. Hơn một tuần lang thang tìm việc, cuối cùng N cũng được nhận vào làm nhân viên tại quán cà phê ở Quận 7 với mức lương 600 ngàn mỗi tháng. Tuy tiền công không cao nhưng với một người mới “chân ướt chân ráo” lên thành phố, với N đó đã là điều may mắn. Lương chỉ 600 ngàn nhưng tháng nào cũng vậy, cô chắt chiu từng xu lẻ, nhịn ăn nhịn tiêu tiết kiệm được 300 – 400 ngàn gửi về phụ giúp ba mẹ. Thế nhưng bất hạnh lại đổ xuống gia đình N khi mẹ lâm bạo bệnh. Tiền bạc, của cải trong nhà đều bán sạch để đưa bà đi chữa bệnh. Mọi nỗ lực của gia đình và bệnh viện không cứu đươc căn bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối. Mẹ cô bị bệnh viện trả về nhà điều trị và hai năm sau thì qua đời. Cái chết của bà mẹ khiến cho gia đình nhỏ suy sụp. Em trai kế của N cũng bỏ học xin việc làm thêm sau ngày mẹ mất. Để tang mẹ xong, cô quay về thành phố làm việc. Vì muốn kiếm thêm tiền trả bớt nợ nần, N xin nghỉ việc chỗ cũ để tới làm nhân viên quán nhậu gần đó. Cách đây hai tháng, cô xin làm nhân viên quán Tiện Châu trên đường Dạ Nam (quận 8). “Thu nhập của em chỉ dựa vào tiền bo của khách. Hôm nào khách đông và “chi thoáng” em sẽ có nhiều tiền, còn nếu không có thì coi như ngày đó làm việc không công. Nhân viên mới làm như em ở đây không được chủ trả tiền lương”, N trải lòng. Và muốn có nhiều tiền bo thì ngoài việc làm cho khách vui lòng rút hầu bao, các nữ tiếp viên còn phải ganh đua lẫn nhau và khéo léo tìm cho mình các “mối sộp”. Đối với họ, đó là vấn đề “sống – còn, được – mất”. Chính vì vậy, tiếp viên quán nhậu dù sống và làm việc cùng nhau nhưng hễ liên quan đến việc được khách cho nhiều hay ít tiền là mâu thuẫn lập tức xảy ra. N cũng vậy, bi kịch của cô xuất phát từ những mâu thuẫn ấy.“Thế giới ngầm” khốc liệt Dù là “ma mới” nhưng vốn là cô gái nhẹ nhàng, chuyện trò lưu loát có duyên, N được khá nhiều khách yêu cầu phục vụ bàn nhậu. Một trong số người bị mất ngôi vị “hoàng hậu của quán” là tiếp viên Nguyễn Thị Trúc Ly (SN1990, trú tại Cà Mau). Từ ngày N tới, Ly luôn khó chịu khi thấy N có nhiều mối thân quen, tuy không dám nói ra. Ít ngày trước khi xảy ra vụ án, cơn giận của Ly được dịp bùng phát khi nghe N trò chuyện với một tiếp viên khác rằng: “Nếu ai có ý định lấy trộm tiền mình thì tốt nhất đừng để cho mình biết, nếu không sẽ không xong”. Cho rằng N đang ám chỉ mình, Ly vùng dậy chửi rủa “ma mới” thậm tệ, mặc cho N thanh minh, giải thích. Những ngày sau đó, Ly tiếp tục chửi rủa mỗi khi thấy mặt N. “Em giận lắm nhưng thôi đành chịu, cứ mặc kệ vì cô ấy cũng không nêu đích danh ai mà chỉ chửi bóng gió”, N kể lại. Cô tiếp viên “ma mới” vẫn bình tâm có lẽ khiến cơn tức trong Ly càng thêm lồng lộn. Mâu thuẫn bùng nổ khi khuya ngày 11/10, Ly và N được yêu cầu làm phục vụ chung một bàn. Tuy làm chung nhưng N lại lấy được cảm tình của khách hơn Ly. Không kiềm chế được bản thân, Ly phát ra những lời khó nghe với đồng nghiệp khiến khách hàng khó chịu. Những thực khách gọi Ly lại, “bo” cho cô 100 ngàn rồi mời cô ra ngoài. Bị đuổi ra, Ly càng uất ức hơn. Nghĩ mình bị “ma mới” qua mặt chơi xấu nên hậm hực ngồi chờ N trong phòng thay đồ  để “làm cho lẽ”. Khi thấy N bước vào, Ly tiếp tục bâng quơ chửi rủa. Không thể nhịn nhục mãi, N lên tiếng: “Đừng quá đáng, không ai nhịn được mãi đâu”. “Mày vừa nói ai?”, “Ai có tật thì rục rịch”. Nghe vậy, L lấy ngay chiếc giày cao gót đánh thẳng vào đầu N và hai bên xông vào vật lộn cào cấu nhau. “Cuộc chiến” của hai cô tiếp viên sau đó đã được mọi người can ra ngay nhưng trong lúc ẩu đả, Ly lu loa mình rớt mất sợi dây chuyền và cho rằng “đối thủ” đã lấy cắp. Hơn một tiếng đồng hồ sau đó, khi vừa từ quán về đến đầu hẻm nhà trọ, N bị Ly và mẹ chặn đường giật túi kiểm tra. Bất bình, cô giật lại cự cãi: “Bà có quyền gì mà kiểm tra túi tôi”. Thấy mẹ và N giằng co nhau, Ly xông vào tiếp ứng cùng mẹ để đánh và giật phăng sợi dây chuyền N đang đeo trên cổ. Ngay sau đó, cả 3 bị dân phòng mời về phường giải quyết. Theo lời mẹ Ly tố cáo, lực lượng dân phòng xét túi N nhưng không thấy sợi dây như lời vu cáo.Kiểu trả thù man rợ Dù không tìm thấy “chứng cứ ăn trộm” của N nhưng mẹ con Ly vẫn không nguôi ấm ức nên gọi điện kể tội đồng nghiệp với chị dâu. Để “xả giận” cho em, người chị dâu cùng chồng là Nguyễn Văn Dính (27 tuổi, ngụ Kiên Giang) gọi thêm năm đối tượng nữa cùng kéo đến phòng trọ Ly lên kế hoạch “rửa hận” cho em chồng. Một ngày sau khi sự việc đánh lộn với đồng nghiệp xảy ra, 15h chiều ngày 12/10, N đang rửa chén tại phòng trọ trên đường Phạm Thế Hiển bỗng nghe tiếng gõ cửa. Linh tính như có chuyện không hay xảy ra, cô chần chừ nghe ngóng. Một lúc lại nghe có người ngoài nói vọng vào “N có nhà không ra nhận quà”. “Biết ngay có người muốn hại nên em không ra mở cửa. Tuy nhiên em chưa kịp đứng dậy thì 3 đối tượng gồm 2 trai, 1 gái đã đạp cửa xông vào. Một tên chạy lại đạp thẳng vào người khiến em ngã lăn xuống đất. Tên còn lại cũng nhảy vào đấm đá em túi bụi. Đang lồm cồm bò dậy thì người phụ nữ đi theo xông tới túm lấy tóc giật ngược ra sau tát liên tục vào mặt em”, N thuật lại. Đỉnh điểm kinh hoàng xảy ra khi người phụ nữ hét cho tên đồng bọn: “Giữ lấy tay nó để tao rạch nát mặt con nhỏ này”. Thấy ả lấy ra con dao lam bén ngọt vung lên, cô hoảng quá hét lên, vùng vẫy hòng thoát khỏi lưỡi dao “tử thần”. Nghe tiếng hét, một thanh niên cùng dãy phòng trọ chạy sang định giải cứu cũng bị chúng đánh tới tấp, lại có thêm bốn đối tượng cầm gậy vào đánh tiếp ứng. Bị giữ chặt, N chịu trận những vết dao đau nhói rạch mặt trả thù. N khóc: “Em đau quá, khi chúng buông ra thì ngã dúi về phía sau. May mà vớ ngay được con dao ở bếp, em phải quơ lên loạn xạ dọa chúng, nếu không thì chúng còn rạch nữa”. Thấy nạn nhân điên cuồng vung dao tứ tung, các đối tượng bỏ chạy ra ngoài. Nghe tiếng la hét đau đớn, mọi người chạy sang thì thấy các đối tượng gây án đã chạy thoát ra ngoài. Cô gái được đưa lên bệnh viện Quận 8 cấp cứu, phải 72 mũi chỉ mới khâu hết những vết cắt ngang dọc khắp mặt, trán, mắt… N kể đến đây thì dừng lại im lặng. Đau đớn như hằn lên gương mặt em khiến những vết rạch vừa liền sẹo bỗng tấy đỏ. Khi tôi hỏi có yêu cầu hay điều gì muốn nói không, cô chỉ nhỏ nhẹ: “Hiện giờ em chỉ chờ ngày cơ quan chức năng ra phán quyết để đòi họ tiền bồi thường thẩm mỹ lại khuôn mặt. Từ hôm đó tới nay, dù đã đỡ nhiều nhưng em không dám ra đường, vì những người biết chuyện thì không sao, nhưng ai không biết chuyện, chắc nghĩ em giật chồng người nên mới bị rạch mặt”.Những cuộc đời bị rạch nát phía sau những nhát dao rạch mặt Cái tin “con N bị người ta rạch nát mặt ở Sài Gòn” làm chấn động cái xóm nghèo ở ấp 3, xã Phong Thạnh Tây (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, quê của nạn nhân Trần Tố N). Nhiều người “ác mồm ác miệng” còn “đoán già đoán non” là “do giựt chồng người ta nên mới bị rạch mặt để cảnh cáo”. Ở cái vùng quê quanh năm chan chát nắng, lúc nào cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này thì chuyện của N bị tàn đời vì phải khâu hơn 70 mũi trên mặt không khác gì “sét đánh ngang tai”.
Hình minh họa
Hình minh họa
Người cha khốn khổ Chúng tôi tìm đến gia đình của N để tìm hiểu gia cảnh của cô gái đáng thương này. Dù có số điện thoại của cha N trong tay nhưng phải mất rất nhiều thời gian, chúng tôi mới tìm được nơi cư ngụ của gia đình. Đó là một ngôi nhà tình thương nằm biệt lập giữa đồng, xung quanh nhà là hai con kênh nội đồng đầy ắp nước mặn. Gia đình N thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nên cuộc sống của mấy cha con rất cơ cực. Tiếp chúng tôi là một người đàn ông nước da đen nhẻm, dáng người gầy gò, nét khắc khổ hiện lên trên khuôn mặt vì những năm tháng vật lộn với áo cơm. Đó là cha mẹ của nạn nhân, ông Trần Văn K (SN 1959), là người đã trôi dạt từ địa phương khác về đây lập nghiệp khi gặp mẹ của N. Cái tin con mình bị người ta rạch nát mặt ở Sài Gòn làm chấn động cái xóm nghèo. Vẻ mặt đau khổ tột cùng, ông khẳng định chắc nịch: “Con tôi sinh ra tôi biết, dù nó có làm gì đi nữa nhưng chuyện giựt chồng người khác nó không bao giờ dám làm. Ăn nói chi mà ác quá”. Rồi ông trầm giọng kể về đứa con, kể về người vợ quá cố của mình với cả tình thương của một người cha, người chồng. Trước đây, gia đình ông có đến 20 công đất nuôi tôm nhưng gia đình lại lâm vào cảnh cơm không đủ no khi mất mùa liên tục rồi đổ nợ. Ông nhớ lại: “Thất chí, gia đình ra chợ mướn một chỗ để bán rau, con N mới học hết lớp 7 cũng bỏ học theo mẹ ra chợ kiếm từng đồng bạc vụn”. Rồi gia đình lâm vào cảnh túng quẫn hơn khi mẹ của N ngã bệnh, căn bệnh khối u não ác tính quái ác đã cướp đi sinh mạng của người mẹ trẻ, bỏ lại 3 đứa con thơ dại với đứa lớn nhất là N mới mười mấy tuổi đầu. Người cha âu sầu: “Khi con N được 15 tuổi, nó theo người quen lên Sài Gòn đi làm kiếm tiền giúp cha nuôi hai đứa em. Hai đứa em thì còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mất mẹ và gia cảnh túng quẫn của gia đình. Đứa em gái nó càng lớn càng tỏ ra khù khờ, ngu ngơ, ai bảo gì làm nấy, bảo đi chợ mua đồ ăn mà đi lang thang đâu từ sáng tới đứng bóng mới nhớ đường về nhà nên cũng không phụ giúp gì được”. Căn nhà xiêu vẹo trống trước hở sau là nơi trú ngụ của mấy cha con trong nhiều năm. Trước tình cảnh “gà trống nuôi con” của ông, chính quyền mới xét cho căn nhà tình thương vào năm 2010 và hỗ trợ cho ông một chiếc xuồng để ông làm kế sinh nhai nuôi mấy con nhỏ.Nghèo đến nỗi không đủ tiền đi thăm con bị hại Khi chúng tôi hỏi ông N biết N đi làm gì ở Sài Gòn hay không, ông nói: “Chỉ biết nó đi phụ bán quán cho người ta thôi, mỗi tháng nó đều gửi tiền về để phụ giúp gia đình. Hôm rồi nó về đám giỗ, nó bảo con sẽ ráng làm để tết về cất nhà sau cho cha và mua đồ tết cho đứa em, ai ngờ bây giờ nó bị người ta hại đời đến như thế. Khi hay tin con bị người ta rạch mặt, tôi rất đau đớn nhưng vì nghèo quá lấy tiền đâu lên thăm con nên đành nén lòng, mấy hôm trước nó có điện về bảo là khỏe rồi nên tôi cũng bớt lo”. Người cha đau lòng kể, thực hư chuyện con gái ông bị rạch mặt ra sao thì ông không biết, nhưng ở cái xứ này khi ra đường ông không dám nhìn mặt ai vì mọi người hiểu nhầm. Hai đứa em thì còn nhỏ, lại ngây ngô nên ông cũng không dám cho nó biết chuyện chị nó, ông chỉ ôm đau khổ một mình. “Đứa em nó ngày nào cũng mong chị nó về để mua quà. Tôi thì cầu mong cho mấy chú công an bắt được bọn đã ra tay tàn nhẫn với con mình để trừng trị theo pháp luật”, ông nói. Rời nơi trú ngụ của gia đình N, nụ cười ngây ngô của em gái nạn nhân và khuôn mặt khắc khổ của cha N làm lòng chúng tôi quặn thắt. Rồi đây, với khuôn mặt tàn tạ, không biết cô sẽ sống ra sao và làm gì để phụ giúp cha nuôi em. Cái tuổi xuân và khuôn mặt ưa nhìn của N đã bị bọn người vô lương tâm cướp mất chỉ vì chuyện không đâu. Khi ra tay rạch nát mặt cô gái, chúng đâu có biết nơi quê nghèo N còn có một người cha, một người em tâm thần đang từng ngày trông chờ những đồng tiền ít ỏi của cô gởi về sau những tối cực nhọc bưng bê nhận những tờ tiền bo nhàu nhĩ?
Sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra công an Quận 8 đã khởi tố vụ án và bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Dính (27 tuổi, anh trai tiếp viên Ly) về hành vi “cố ý gây thương tích”, đến ngày 1/11/2011 đã bắt thêm đối tượng đồng phạm Trần Thanh Phong (24 tuổi). Đối tượng Nguyễn Thị Muội (28 tuổi, chị dâu tiếp viên Ly) được xác định là người trực tiếp rạch mặt nạn nhân và những tên còn lại hiện đang lẩn trốn, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra và truy bắt.
Theo Pháp luật và thời đại