Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Phận đời nghiệt ngã sau án tử

04/10/2012 07:47
Bản án tử hình tuyên xong, người thân của bị cáo chạy theo gọi tên bị cáo trong nước mắt. Xe tù lặng lẽ rời sân tòa, bỏ lại những bước chân xiêu vẹo, ngã sụp xuống đất. Những số phận chênh vênh cũng bắt đầu từ đây.

Phiên tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM sáng 26-9 tuyên y án sơ thẩm tử hình về tội “Giết người” đối với Đoàn Văn Hùng. Hùng vội quay mặt lại phía sau tìm vợ con. Nhìn thấy 2 đứa con, một gần 2 tuổi, một tròn 11 tháng ngọ ngọe trong tay vợ, đôi mắt Hùng đỏ hoe. Người vợ trẻ lật đật bế con chạy theo gọi tên chồng.

2 đứa nhỏ sẽ ra sao?

Xe tù khuất dạng từ lâu, 4 người già trẻ ngồi ngẩn ngơ. Đứa con nhỏ trở mình bật khóc, vợ Hùng - Đoàn Thị Ngưu (SN 1992, ngụ tỉnh Bình Phước) - vén áo cho con bú. Cạnh bên, bà Trần Thị Xiêm, mẹ Ngưu, đút những mẩu bánh mì khô khốc mang theo từ sáng cho đứa cháu lớn. Bà Xiêm buồn bã kể lại cuộc đời cô con gái: “Nó vừa sinh ra thì bị hở hàm ếch, đã vậy tính còn gàn dở, học hết lớp 3 thì nghỉ.
Nó quen rồi lấy thằng Hùng khi chưa đủ 18 tuổi. Hai năm sau, tụi nó có 2 đứa con. Hùng ham chơi, không lo làm lụng... Tôi phải vất vả lo cho vợ chồng nó và 2 đứa nhỏ. Rồi thằng Hùng nói đi làm, tôi cũng không biết nó làm gì cho đến khi án mạng xảy ra...”.

Theo bản án, Hùng làm bảo kê cho quán karaoke Hương Tràm (thị xã Bình Long - Bình Phước). Đêm 10-10-2010, đang nhậu, Hùng nghe nói có khách quậy ở phòng 3 nên mang dao theo và kêu bạn chở về quán giải quyết. Vừa bước vào quán, nhìn thấy Trần Văn Tiến và bạn bước ra từ phòng số 3, không cần hỏi đầu đuôi, Hùng cầm dao chạy theo chém vào cổ Tiến làm anh gục chết. Tháng 7-2011, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Hùng mức án tử hình, Hùng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngồi bên vệ đường chờ xe về quê, bà Xiêm quệt nước mắt, thở dài khi được hỏi về tương lai 2 đứa cháu nhỏ. “Lúc chúng mới chào đời, nhà chùa xin nuôi nhưng tôi không chịu. Bây giờ cha nó tù tội, tôi già yếu, mẹ nó gàn dở, không biết làm gì..., chắc phải gửi chúng cho nhà chùa nuôi dạy...” - bà Xiêm nghẹn ngào. Nghe mẹ nói, mặt Ngưu rũ xuống, cô ôm khư khư đứa con nhỏ đang ngủ mê.

Phận đời nghiệt ngã sau án tử ảnh 1

Mẹ và vợ con Đoàn Văn Hùng lặng lẽ rời sân tòa

Trả nợ thay con

Dáng người phụ nữ nhỏ thó đứng nép bên gốc cây nhìn chằm chằm chiếc xe tù có con trai bà đang ngồi trong, khiến nhiều người phải chạnh lòng. Mai Quang Điệp và đồng bọn bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xét xử về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Rạng sáng 9-1-2011, sau khi nhậu xong, Điệp dùng xe máy chở bạn đi trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp - TPHCM), thấy nhóm anh Trần Tiến Dũng chạy xe lạng lách trước mặt, Điệp chạy tới lớn tiếng chửi thề, đôi bên dẫn đến cãi vã.
Thấy nhóm Điệp có dao, nhóm anh Dũng bỏ chạy. Anh Dũng chạy không kịp nên bị đâm vào cổ dẫn đến tử vong. Gây án xong, Điệp và đồng bọn lấy xe máy của anh Dũng mang đi bán và chia nhau tiêu xài. Với hành vi côn đồ trên, Điệp bị bác kháng cáo, y án tử hình.

“Nhà tôi và nhà cháu Dũng cùng ngụ TP Bảo Lộc - Lâm Đồng, cách nhau hơn 20 km. Lúc vụ án xảy ra, gia đình tôi không biết, đến khi ba mẹ Dũng tìm đến nhà báo tin, tôi sững sờ” - bà Trần Thị Nê, mẹ Điệp, nói.  Vượt qua mặc cảm, bà quyết định vay nóng 1 triệu đồng với lãi suất 10.000 đồng/ngày, một mình bắt xe lên nhà người bị hại để xin lỗi, cúng viếng. Xét xử sơ thẩm, tòa tuyên Điệp phải bồi thường khoảng 40 triệu đồng, bà Nê chạy vạy khắp nơi được 15 triệu đồng gửi gia đình người bị hại.

“Gia đình đã bán rẫy cà phê sau nhà để chạy chữa thuốc men cho ba Điệp vì ông bị bệnh khớp nặng. Nhiều năm nay, một mình tôi làm thuê lo thuốc thang cho chồng, lo cho đứa con gái út học cao đẳng, nay phải trả nợ thay con. Con dại cái mang, giá nào cũng cố bồi thường thiệt hại cho người ta... Những khoản tiền lãi của 1 triệu đồng trước đây và 15 triệu đồng sau này đến nay vẫn chưa trả được, chỉ sợ sức tàn, tôi ngã xuống rồi, ai sẽ trả nợ thay con?” - bà quệt nước mắt nói.

“Tội ác nào cũng đều phải trả giá. Mong sao những ai có ý định phạm tội hãy nhìn vào kết thúc cay đắng mà bị cáo và gia đình họ phải gánh chịu để kịp thời thức tỉnh, dừng tay trước khi quá muộn” - một người dân tham dự phiên tòa nói.
Bài và ảnh: THU HỒNG/Người lao động