Phát giấy khen tiên tiến cho nhiều em không xứng đáng, giáo viên cũng ngượng

29/08/2021 06:50
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mình đỡ mắc cỡ khi phải trao giấy khen cho những học sinh chưa xứng đáng; Hay, cũng may không còn phải khen học sinh tiên tiến nữa để đỡ thấy tờ giấy khen rẻ rúng

Trước thông tin Thông tư 22/2021 đã bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến, một số đồng nghiệp của tôi đã nói thế này: May quá! Mình đỡ mệt khi phải viết giấy khen; Mình đỡ xấu hổ khi phải trao giấy khen cho những học sinh chưa xứng đáng; Hay, cũng may không còn phải khen học sinh tiên tiến nữa để đỡ thấy tờ giấy khen rẻ rúng quá.

Không còn danh hiệu học sinh tiên tiến từ năm học 2021-2022 (Ảnh: Báo Lao động)

Không còn danh hiệu học sinh tiên tiến từ năm học 2021-2022 (Ảnh: Báo Lao động)

Tuy nhiên vẫn chưa sốc bằng chuyện có thầy cô còn bật mí đã không ít lần chính họ đã phải “ém”, phải giấu những tờ giấy khen tiên tiến vì không dám trao cho học trò do lực học thật sự của học sinh ấy ở lớp khá thấp.

Những chuyện như thế nếu không phải chính người trong nghề nói ra chắc cũng chẳng ai biết được, đôi khi nghe nói rồi cũng sẽ có người hồ nghi. Vì sao lại thế?

Vì sẽ có người ngoài ngành cảm thấy thật sự quá vô lý. Nhưng xin thưa, tất cả những điều đó đều là sự thật do những quy định để đạt danh hiệu học sinh tiên tiến của Thông tư 58/2011 quá dễ dàng.

Xếp loại học sinh tiên tiến đã không còn phù hợp

Thông tư 58/2011 về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông được ban hành từ năm 2011 đến nay đã hàng chục năm.

Thông tư 26/2020 sửa đổi bổ sung một số điều trong Thông tư 58 cũng không sửa đổi Điều 13. Tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học. Vì thế, việc xếp loại học sinh khá vẫn được giữ nguyên như cũ nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 6,5 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 6,5 trở lên;

b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 5,0;

c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.

Học sinh đạt học lực loại khá quá dễ dàng vì sao?

Nếu như hàng chục năm về trước, để đạt được học sinh loại khá kèm danh hiệu học sinh tiên tiến không hề dễ dàng gì. Một lớp nhiều nhất cũng chỉ vài em học sinh giỏi, vài em đạt học sinh tiên tiến. Có lớp, không có học sinh giỏi chỉ có vài em đạt học sinh tiên tiến.

Lý do, giáo viên cho điểm khá chặt tay và điều quan trọng nhất là tình trạng học thêm chưa phổ biến.

Học thêm ít sẽ không có chuyện nhá đề, mớm đề, ưu ái cho những học sinh học thêm và vì thế đã không xảy ra tình trạng mưa điểm 9,10 như hiện nay. Học sinh phần nhiều tự học nên điểm số đạt được cũng rất khiêm tốn.

Nhiều năm trở lại đấy, nhiều trường học còn áp chỉ tiêu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến phải đạt ít nhất 70% trở lên.

Để đạt được chỉ tiêu cao ngất ngưởng ấy, giáo viên phải dễ dàng hơn khi cho điểm mà chúng tôi quen gọi là “phóng tay cho điểm”.

Bên cạnh đó, dạy thêm đã trở thành nguồn thu nhập chính nên nhiều thầy cô giáo đua nhau dạy. Để hút học sinh vào lớp học thêm của mình, có giáo viên đã dùng đến thủ thuật như nhá đề, mớm đề.

Vì thế, những bài kiểm tra học sinh dễ dàng lấy điểm 9, 10, những học sinh chậm hơn chút cũng dễ đạt 7, 8 điểm. Thế nên số lượng học sinh khá, giỏi tăng cao, điểm trung bình môn của học sinh cũng được cải thiện rõ rệt nhưng lực học thật sự của các em thì chỉ thầy cô giáo mới hiểu rõ.

Đã có không ít trường hợp, học sinh A. (B; C…) liên tục bị giáo viên mời phụ huynh do không chịu học bài, do thái độ học tập chưa tốt, do kiến thức nắm không chắc, học đâu quên đó… Thế mà, cuối năm A. vẫn dễ dàng đạt điểm tổng kết trung bình môn 6.5 và đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Cũng đã có những phụ huynh khi thấy con đạt danh hiệu học sinh tiên tiến thì quay qua trách móc thầy cô kiểu như nó học sinh tiên tiến chứ có phải dốt đâu mà cô (thầy) cứ gọi phụ huynh nhắc nhở miết.

Đây cũng chính là lý do một số thầy cô giáo không dám trao giấy khen học sinh tiên tiến cho A. vì chính thầy cô cũng cảm thấy em chưa thật sự xứng đáng.

Khen thưởng là phải xứng đáng, trao danh hiệu không xứng đáng làm rẻ rúng danh hiệu đã trao

Chỉ tiêu của nhiều trường học đưa ra, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến khoảng 70% trở lên. Thế nhưng ngoài thực tế, số lượng này còn cao hơn rất nhiều. Có lớp đạt gần 100%, lớp ít hơn cũng khoảng 80%.

Nếu tính một trường khoảng 1 ngàn học sinh thì đã có ít nhất 700 em đạt học sinh khá và giỏi, thậm chí là 800 em. Trong đó, học sinh giỏi khoảng gần 200 em, còn học sinh tiên tiến chiếm hơn 500 đến 600 em quả là con số không hề nhỏ.

Trước đây, khi số lượng học sinh tiên tiến còn ít, nhiều trường học cũng tổ chức trao giấy khen hoành tráng lắm. Như việc gọi tên lên cột cờ nhận giấy khen, phần thưởng và nhận tràng pháo tay chúc mừng.

Khi số lượng học sinh tiên tiến khá nhiều (có lớp ngoài vài học sinh giỏi thì gần như ai cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến) việc trao giấy khen và phần thưởng cho học sinh tiên tiến cũng đã khác.

Học sinh tiên tiến không có phần thưởng mà giấy khen cũng đưa cho giáo viên chủ nhiệm phát trong lớp. Ông bà xưa cũng từng nói: “Một miếng giữa đàng còn hơn một sàng xó bếp”.

Việc giáo viên phát giấy khen trong lớp, cùng với không có phần thưởng đi kèm và nhìn sang gần như bạn nào cũng như mình đã làm cho chính người nhận danh hiệu này thấy thờ ơ vì không còn vinh dự gì.

Bởi thế, bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến và thêm danh hiệu học sinh xuất sắc cùng với việc thay đổi cách xếp loại học lực, hạnh kiểm và danh hiệu thi đua.

Xóa bỏ đánh giá dựa trên trung bình các môn mà chỉ dựa vào số lượng môn trên 2/3 để xếp loại là cách làm hay để đưa việc khen thưởng về thực chất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết