Liệu Thông tư 22 có làm giáo viên viết nhận xét đánh giá học sinh mỏi tay?

27/08/2021 08:55
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tập trung quá nhiều vào việc ghi phê lời nhận xét cho hàng trăm học sinh vào nhiều loại hồ sơ, giáo viên sẽ chẳng còn thời gian để nghiên cứu bài dạy.

Năm học 2021 – 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục 2018) được triển khai ở khối lớp 6, cùng với đó việc đánh giá học sinh cũng có nhiều điểm mới hơn so cách đánh giá của chương trình hiện hành (cụ thể được quy định rõ trong Thông tư 22/2021).

Những lời nhận xét của giáo viên trên phần mềm học sinh không bao giờ đọc được (Ảnh: K.O)

Những lời nhận xét của giáo viên trên phần mềm học sinh không bao giờ đọc được (Ảnh: K.O)

Có những môn học sẽ không đánh giá bằng điểm số (cả đánh giá thường xuyên và định kỳ), chỉ đánh giá bằng nhận xét với 2 mức: đạt và chưa đạt. Đó là các môn: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Những môn học còn lại sẽ được đánh giá bằng điểm số, kết hợp nhận xét.

Thông tư cũng quy định, việc đánh giá bằng nhận xét là giáo viên dùng hình thức lời nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh;

Nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

Trong các bài kiểm tra, dự án học tập, sản phẩm học tập khi cho điểm cũng phải đi kèm đánh giá bằng nhận xét, để học sinh biết quá trình tiến bộ của mình để phát huy và điều chỉnh.

Bài học đánh giá bằng nhận xét của giáo viên tiểu học

Nhớ lại những ngày đầu khi Thông tư 30 quy định việc đánh giá học sinh bằng nhận xét thay điểm số ở một số môn học thì cũng từ ngày đó giáo viên chúng tôi phải dành thời gian ngồi ghi nhận xét học sinh nhiều hơn cả thời gian dành cho việc chuẩn bị bài và giảng dạy.

Để cho kịp ghi nhận xét, có giáo viên đôi khi phải “ăn cắp” cả thời gian giảng dạy trên lớp để ngồi cặm cụi, miệt mài ghi lời phê. Hết nhận xét vào vở học, vở bài tập lại nhận xét vào sổ ghi chép, số theo dõi học sinh, vào bài kiểm tra, sổ liên lạc, nhận xét viết bằng tay và ghi lời nhận xét trên hệ thống Vnedu…

Đã thế còn quy định, lời nhận xét không được ghi chung chung, phải ghi đủ chủ vị, không được dùng những từ ngữ thiếu tính tích cực mang tính chê bai mà phải có sự khuyến khích các em…ví như học yếu phải ghi nắm bài chưa chắc hay học chưa tốt, lười học phải ghi chưa được chăm…

Một lần nhận xét, giáo viên chủ nhiệm mệt ít vì chỉ nhận xét cho vài chục em với vài trăm lượt nhưng có những giáo viên bộ môn dạy gần ngàn học sinh thì việc nhận xét chi tiết như thế chẳng khác nào một cực hình.

Giải pháp được nhiều thầy cô giáo áp dụng là đặt những mẫu nhận xét có sẵn để dùng đánh dấu vào bài của các em khi cần nhận xét, cách làm nhanh gọn đỡ vất vả nhưng lại khá vô cảm, làm cho có.

Sau những phản ánh về áp lực nhận xét, ngành giáo dục đã phải mở biết bao cuộc họp chuyên môn để hướng dẫn việc đánh giá bằng nhận xét sao cho hiệu quả vừa đỡ mất thời gian của giáo viên, vừa khuyến khích được học sinh.

Giáo viên cũng được tập huấn, thực hành biết bao lần rồi cuối cùng đi đến thống nhất chú trọng việc nhận xét bằng lời, bỏ việc ghi nhận xét theo tuần, theo tháng vào sổ sách…Cuối kỳ, cuối năm, giáo viên chỉ nhận xét trong bài kiểm tra là đủ.

Năm học 2020-2021, giáo viên bậc trung học cơ sở cũng đã “tẩu hỏa nhập ma” khi phải viết nhận xét quá nhiều

Những giáo viên dạy môn ít tiết nên phải dạy nhiều lớp vì thế số lượng học sinh cần nhận xét quá nhiều. Có giáo viên trung học cơ sở cho biết phải ghi lời nhận xét cho cả gần ngàn em. Không chỉ ghi 1 cuốn sổ, nhiều trường yêu cầu giáo viên phải có 2 loại sổ như sổ theo dõi (cá nhân) và sổ theo dõi chính thức của trường.

Giáo viên phải ghi đủ những lời nhận xét học sinh để nhà trường kiểm tra trước khi vào sổ chính thức. Đó là chưa kể, còn rất nhiều hồ sơ sổ sách cần lời nhận xét như sổ theo dõi, bài kiểm tra, sổ liên lạc…

Có giáo viên bức xúc kể rằng: “Trường mình có gần 800 học sinh và 32 giáo viên. Các giáo viên phải viết phiếu nhận xét từ trước Tết nguyên đán đến giờ chưa xong”.

Có trường còn có thêm cuốn sổ trên phần mềm Vnedu, cuối kỳ, cuối năm giáo viên cũng phải ghi đầy đủ.

Nay thực hiện chương trình mới, sợ rằng việc nhận xét lại “trăm hoa đua nở”

Giáo viên đã có những phản ánh, báo chí cũng đã viết bài và kết thúc năm học 2020-2021 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản khẳng định:

Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), học bạ học sinh.

Việc đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học, hoạt động giáo dục theo quy định được giáo viên bộ môn thực hiện trong quá trình dạy học và ghi vào sổ theo dõi đánh giá học sinh (sổ cá nhân của giáo viên).

Bộ Giáo dục đề nghị các Sở giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và giáo viên hiện đúng quy định tại Thông tư 26; đặc biệt lưu ý giữ nguyên các mẫu sổ điểm và học bạ theo quy định hiện hành, không phát sinh thêm hồ sơ, sổ sách không thiết thực, gây quá tải cho giáo viên. [1]

Tuy nhiên, đó là những yêu cầu Bộ Giáo dục đề nghị các Sở giáo dục chỉ đạo, hướng dẫn các sở giáo dục và giáo viên hiện đúng quy định tại Thông tư 26.

Nay, chương trình lớp 6 lại thực hiện theo Thông tư 22/2021, một số môn học không đánh giá bằng điểm số (cả đánh giá thường xuyên và định kỳ), chỉ đánh giá bằng nhận xét với 2 mức: đạt và chưa đạt…nên vẫn rất cần sự chỉ đạo cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ghi nhận xét đánh giá học sinh để tránh mỗi địa phương thực hiện mỗi khác và gây quá tải, áp lực cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thanhnien.vn/giao-duc/co-giao-vien-phai-ghi-hon-500-phieu-nhan-xet-hoc-sinh-bo-gd-dt-chan-chinh-1384053.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên