Theo dự kiến, ngày 16/9 tới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La sẽ đưa ra xét xử vụ án liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.
Đây là vụ án rất nghiêm trọng, được dư luận chú ý suốt 1 năm qua. Đặc biệt, vụ án này có nhiều tình tiết vẫn chờ đợi làm rõ trong phiên tòa tới đây như nghi án nhận tiền nâng điểm hay việc nhiều con lãnh đạo được nâng điểm.
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (ảnh nguồn báo Người Lao động). |
Bày tỏ kỳ vọng vào phiên toàn tới đây, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng, ông tin tưởng vào các vị thẩm phán, cũng như các vị chủ tọa sẽ tiếp nhận được tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, dư luận để thận trọng, nghiêm túc trong quá trình xét xử vụ việc gian lận thi cử.
Ông Cuông cho rằng, riêng vụ án này dư luận quan tâm theo dõi, giám sát cho nên tòa án cũng phải trên cơ sở hồ sơ, chứng cứ, nghiên cứu kỹ và làm rõ được những vấn đề mà dư luận quan tâm. Cho nên hy vọng kết quả phiên tòa xét xử sẽ đáp ứng được mong mỏi đó.
Đợi phiên tòa làm rõ vai trò của phụ huynh trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La |
Ông Lê Văn Cuông nêu vấn đề, phiên toàn sẽ làm rõ vấn đề động cơ của việc nâng điểm.
Không phải tự nhiên nhiều thí sinh được nâng điểm mà phải có nguyên nhân sâu xa. Tại sao chỉ có con quan chức, nhà giàu mới được nâng điểm còn con người nghèo lại không?
Hơn nữa, nếu không được cung cấp số báo danh, đặt vấn đề danh tính thì làm sao có thể biết để mà nâng điểm cho người này mà không nâng cho người kia.
“Nếu như tòa làm rõ được những vấn đề này thì nó mới logic, thuyết phục. Còn như lời khai của người trong cuộc, bao biện thì sẽ thất bại và không thể thuyết phục.
Tôi từng nói, việc phụ huynh cho rằng không liên quan gì đến việc nâng điểm mà người ta tự nâng điểm thì đến trẻ con cũng không thể tin được. Dứt khoát phụ huynh phải có trách nhiệm về vấn đề này.
Không ai tự dưng đi nâng điểm cho con người khác rồi chấp nhận vào vòng lao lý. Dứt khoát phải có đặt vấn đề, người nâng điểm cho thí sinh không vì các mối quan hệ, quyền lực thì cũng vì tiền tài.
Rõ ràng có lửa mới có khói, mà logic vấn đề phải đúng như thế” – ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Cuông cho rằng, tòa phải đưa phụ huynh ra đối chất với bị can. Khi làm rõ được vấn đề, xác nhận được có mối quan hệ, nhờ vả, tiền bạc trong việc nâng điểm thì mới đúng bản chất và làm cho dư luận chấp nhận được.
Nếu phiên tòa xét xử nhưng không làm rõ được cái bản chất, cơ bản quan hệ giữa phụ huynh và người nâng điểm mà cho là việc nâng điểm do bị can mà phụ huynh không có trách nhiệm đứng ngoài cuộc là không được.
Tôi mong Tòa án Sơn La sẽ làm rõ được việc đưa tiền để nâng điểm |
Cuối cùng ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Vấn đề tòa phải làm rõ, chứng minh được vấn đề nâng điểm là có lý do phụ huynh đặt vấn đề.
Xét xử phải quy được trách nhiệm và làm rõ được thì phiên tòa mới thành công, có ý nghĩa và thuyết phục dư luận”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, vụ án gian lận thi cử ở Sơn La sẽ có 8 bị can được đưa ra xét xử gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);
Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga (trưởng phòng, phó phòng và chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);
Đặng Hữu Thủy (Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu); Cầm Thị Bun Sọn (Phó phòng chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La);
Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá) và Đinh Hải Sơn (nguyên thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La).
Để phục vụ xét xử, Tòa án tỉnh Sơn La triệu tập 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gồm phụ huynh có con được nâng điểm) và 43 người làm chứng đến tòa.
Trong đó có ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La), ông Nguyễn Duy Hoàng (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).