Hình ảnh vệ tinh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 17 tháng 6 năm 2015. Trung Quốc đang bồi lấp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp và tiến hành quân sự hóa đối với đá ngầm này. |
Trung Quốc cần kiềm chế hành vi ích kỷ
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 17 tháng 6 đưa tin, Chính phủ Trung Quốc ngày 16 tháng 6 thông qua người phát ngôn của họ là Lục Khang tuyên bố cái gọi là "sắp hoàn thành công trình lấn biển ở một số đảo đá Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam)" đã gây sự chú ý của dư luận.
Bài báo tuyên truyền, có phân tích cho rằng, việc Trung Quốc công khai tiến triển xây dựng đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông vừa "phản hồi có hiệu quả" sự quan ngại của bên ngoài đối với vấn đề Biển Đông, cũng thể hiện "độ minh bạch" trong xây dựng đảo đá của Trung Quốc.
Nhiều bài viết trên báo chí Trung Quốc giật tít, cho rằng, Trung Quốc làm như vậy là đã "nhượng bộ", “làm giảm tình hình căng thẳng ở Biển Đông” - PV.
Tuy nhiên, truyền thông các nước lại để ý tới hành động leo thang tiếp theo của Trung Quốc đó là Trung Quốc sẽ chuyển sang xây dựng công trình quân sự ở các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez |
Như vậy, Chính phủ Trung Quốc đang dùng chiến thuật ngôn từ để phục vụ cho ý đồ bành trướng, thực dân mang tên “đường lưỡi bò”. Tính chất “thực dân” kiểu mới và mang đặc sắc Trung Quốc là lấn chiếm dần dần lãnh thổ của nước khác - PV.
Chính phủ và truyền thông Trung Quốc tiếp tục tìm mọi cách tuyên truyền đánh lừa nhân dân Trung Quốc và đòi đánh lừa cộng đồng quốc tế, cho rằng: "Trung Quốc lúc nào bắt đầu, lúc nào hoàn thành, lúc nào kết thúc (xây đảo nhân tạo bất hợp pháp) đều là quyền lợi trong phạm vi chủ quyền của mình, không liên quan đến nước khác".
Ngay sau khi Trung Quốc ngang nhiên đưa ra tuyên bố trên, tờ "Philippine Daily Inquirer" dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không được áp dụng những hành vi ích kỷ này, cân nhắc yêu cầu của các nước, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển".
Ông còn tuyên bố: "Chúng tôi tái khẳng định, nếu hành vi của họ không dừng lại, chỉ có thể làm cho thế giới đến gần hơn tính không xác định tiếp theo, càng đến gần hơn sự kiện có hậu quả không thể cứu vãn".
Trung Quốc đang dùng chiến thuật ngoại giao và ngôn từ để lắt léo vượt qua áp lực dư luận quốc tế, trong khi vẫn từng bước làm thực dân (cướp dần biển đảo) ở Biển Đông. Đây là một thủ đoạn nguy hiểm đối với khu vực. |
Hội đàm song phương có thể dính bẫy của Trung Quốc
Tờ "Nhật báo Phố Wall" Mỹ ngày 16 tháng 6 cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc đúng vào ngày cuối cùng Bắc Kinh có thể đệ trình văn kiện lên Tòa án trọng tài Liên hợp quốc đang xem xét yêu cầu của Philippines.
Tòa án trọng tài ở La Hay vào tháng tới sẽ tổ chức điều trần về việc có quyền thụ lý vụ kiện của Philippines hay không. Philippines đưa vấn đề Biển Đông lên tòa án quốc tế đã khiến cho Chính phủ Trung Quốc rất tức tối. Trung Quốc nói rằng họ không chấp nhận, không tham gia và nghĩ rằng, tòa án này không có quyền thụ lý.
Mạng tin tức Rappler Philippines cho biết, Chính phủ Philippines sẽ phản bác yêu cầu của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông ở La Hay vào đầu tháng tới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 15 tháng 6 cho biết: "Trước mắt, chúng tôi đang chuẩn bị cho công tác giải trình tiến hành ở La Hay từ ngày 7 đến ngày 13 tháng 7. Các đoàn đến từ Manila và Mỹ sẽ bay tới đó".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose |
Cùng ngày, Charles Jose còn tuyên bố, dự đoán, hành động lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) của Trung Quốc đã gây ra tổn thất 200 triệu USD, tương đương khoảng 80 héc-ta đá san hô.
Tờ "Philippines Star" cho rằng, thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Carpio ngày 15 tháng 6 cảnh cáo, cần thận trọng khi tổ chức hội đàm song phương với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, một khi đàm phán xảy ra, "Philippines có thể rơi vào bẫy của Trung Quốc".
Nhật Bản và Philippines tập trận chung ở gần Trường Sa kiềm chế Trung Quốc
Theo đài truyền hình NHK Nhật Bản, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Takei Tomohisa ngày 17 tháng 6 trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, từ ngày 21 đến ngày 27 tháng này, Nhật Bản sẽ cử một chiếc máy bay tuần tra P-3C đến Biển Đông, cùng Hải quân Philippines tổ chức tập trận chung.
Vùng biển diễn tập quân sự nằm ở vùng biển quốc tế, tây bắc đảo Palawan của Philippines, cách quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) - nơi Trung Quốc đang tiến hành lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) khoảng 130 km về phía đông.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng vừa lên tiếng đối với việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố "sắp hoàn thành công trình lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) ở Trường Sa", cho rằng, Nhật Bản rất quan ngại đối với hành động đơn phương gây ra tình hình căng thẳng khu vực này và cho biết, Nhật Bản không cho phép Trung Quốc xây đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông thành sự thực đã rồi. |
Takei Tomohisa cho biết, Nhật Bản và Philippines tổ chức cuộc diễn tập này là để nâng cao năng lực cứu hộ, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Hải quân Nhật Bản-Philippines, không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Nhật Bản như tờ "Asahi Shimbun" và tờ "Nihon Keizai Shimbun" đều cho rằng, lúc này, Nhật Bản và Philippines tăng cường hợp tác ở Biển Đông là để kiềm chế Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Chu Phong tưởng tượng cho rằng, do một số quốc gia xúi giục, thổi phồng, đấu tranh dư luận quốc tế xung quanh Biển Đông sẽ không kết thúc.
Chu Phong muốn Trung Quốc kiên trì nguyên tắc "hợp lý, hợp tình, hợp pháp" (?), vừa tiếp tục xây dựng theo kế hoạch đã định vừa bảo đảm "mở cánh cửa lớn" cho trao đổi và đối thoại, "kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia", đồng thời giảm khả năng "lau súng cướp cò" (xung đột).
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Trung Quốc lấn biển, xây đảo và xây dựng các công trình dân dụng, quân dụng bất hợp pháp ở đó đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, an ninh quốc gia Việt Nam, đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố của các bên về hành vi ứng xử ở Biển Đông (DOC), xâm phạm nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. |