Cấu trúc đề thi hợp lý, sự phân hóa tương đối rõ
Đánh giá cấu trúc đề thi năm nay hợp lý, cô Lương Thị Kim Thanh - Trường Trung học phổ thông Đống Đa, Hà Nội phân tích: Ngữ liệu phần Đọc hiểu khá hay thuộc văn bản vừa có tính logic khoa học vừa có tính hàm nghĩa, liên tưởng của văn chương, tạo hứng thú cho người đọc.
Các câu hỏi theo thang tư duy nhận biết, thông hiểu, vận dụng, thuận lợi để học sinh thể hiện năng lực. Câu 4 hỏi về bài học lẽ sống rút ra từ văn bản là câu rất hay, tạo điều kiện để học sinh bộc lộ nhận thức của bản thân một cách phong phú, sâu sắc.
Theo Thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh (Tổ trưởng tổ Văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên), cấu trúc đề thi ổn định trong những năm trở lại đây, học sinh đã quen với cấu trúc này nên không cảm thấy bỡ ngỡ. Sự phân hóa của đề thi được thể hiện tương đối rõ. Câu hỏi được ra với những dạng quen thuộc, học sinh đã được chuẩn bị nhiều nên không cảm thấy bất ngờ.
“Theo tôi, tuy đề thi vẫn được ra theo lối cũ, không có gì phá cách, sáng tạo nhưng về cơ bản, một đề thi như vậy đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tôi đánh giá đề thi năm nay cao hơn năm trước” - thầy Nguyên Minh chia sẻ.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, nội dung đề Ngữ văn không gây bất ngờ với học sinh, tập trung vào phần trọng tâm kiến thức cơ bản (ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Phân tích về sự phân hóa của đề, cô giáo Vũ Thị Bình, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường trung học phổ thông Trần Phú, Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận định: Nội dung không gây bất ngờ với học sinh, tập trung vào phần trọng tâm kiến thức cơ bản. Đáng chú ý, đề thi có cả phần cơ bản và phần nâng cao để phân loại học sinh
Theo cô Bình, phần đọc hiểu hay, với ngữ liệu là một đoạn văn bản nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông; sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại khá rõ ranh giới của các cấp độ nhận thức. Câu 1, 2 là câu hỏi nhận biết, học sinh dễ đạt điểm tối đa. Mặc dù đề thi Ngữ văn năm nay không mới về cấu trúc nhưng đòi hỏi học sinh phải tư duy mới làm được tốt câu 3 và câu 4.
Dự đoán phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 - 8 điểm
Đi vào phân tích cụ thể, cô giáo Vũ Thị Bình nhận định, vấn đề nghị luận quen thuộc, tuy nhiên phù hợp với lẽ sống cống hiến thời nào cũng cần, có ý nghĩa giáo dục đối với thanh niên, học sinh.
Cùng chung quan điểm, cô giáo Lương Thị Kim Thanh nhấn mạnh phần viết đoạn yêu cầu trình bày về sự cần thiết phải biết cống hiến có tính định hướng trong giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ trong bối cảnh xã hội hiện nay rất tốt. Nếu học sinh nhận thức, suy nghĩ sâu sắc sẽ bày tỏ tốt. Học sinh nào còn suy nghĩ hời hợt cũng sẽ bộc lộ rõ. Từ đó giúp phân loại học sinh tốt.
Cũng theo cô Thanh, phần viết bài văn nghị luận văn học hướng về vấn đề gần gũi với học sinh đó là cội nguồn của tình yêu, đặc trưng bí ẩn của tình yêu, cảm xúc suy tư của người con gái trong tình yêu...
Đề bài hướng đến kĩ năng cảm nhận phân tích một đoạn thơ trữ tình là thuận lợi để học sinh bộc lộ năng lực viết, tăng cường sự thấu hiểu tâm hồn người phụ nữ, từ đó thêm trân trọng con người. Đề có tính phân loại học sinh khá giỏi, yêu cầu học sinh nhận rõ đặc điểm phong cách thơ Xuân Quỳnh là vẻ đẹp nữ tính thể hiện qua tâm tư, giọng điệu, cảm xúc...
Cô Vũ Thị Bình dự đoán, với nội dung đề thi năm nay, phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 - 8 điểm, sẽ có nhiều điểm giỏi cho những học sinh có năng lực, đảm bảo đáp ứng 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.