Phụ huynh "toát mồ hôi, nổi da gà" vì thư ngỏ của Nhà trường

18/09/2015 05:15
Nguyễn Cao
(GDVN) - Cảm giác mỗi lần nhận được thư ngỏ của nhà trường khiến cho nhiều bậc phụ huynh phải nghi ngại.

LTS: Tình trạng các trường học hiện nay vận động phụ huynh đóng các loại tiền trường đã trở nên phổ biến kể cả ở nông thôn lẫn thành thị.
 
Tác giả Nguyễn Cao (ở An Giang) đã thấy rõ rằng mỗi lần nhận thư ngỏ của Nhà trường khiến nhiều bậc phụ huynh nghi ngại bởi đó là lời vận động đóng góp các loại tiền trường. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả những lo ngại này. 

  
Cho con đi học, điều dĩ nhiên phải đóng góp các chi phí học tập, đó là điều không thể bàn cãi. Bởi, số tiền đó giúp cho các trường học chỉnh trang khuôn viên, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị dạy học, hỗ trợ cho học sinh khó khăn, làm phần thưởng cho phong trào thi đua của trường…mà ngân sách của ngành chưa đáp ứng được. 

Tuy nhiên, tình trạng lạm phát tiền trường ngày một được phát sinh với nhiều loại quỹ hơn, số tiền năm sau lớn hơn năm trước và vận động thường xuyên của Nhà trường đã khiến cho một bộ phận phụ huynh học sinh ngao ngán và có những suy nghĩ lệch lạc về những người thầy, người cô đang trực tiếp giảng dạy con em họ.

Có phụ huynh từng nói rằng: Có những năm học mà anh nhận được đến 4 lần thư ngỏ (thư ngỏ xin phụ huynh hỗ trợ tiền lót nền sân trường; thư ngỏ xin hỗ trợ mua máy chiếu; thư ngỏ xin phụ huynh hỗ trợ văn nghệ nhà trường; thư ngỏ xin phụ huynh hỗ trợ học sinh khó khăn).

Trong đó, chưa kể các ngày nhà trường tổ chức văn nghệ, khai giảng, 20/11, tổng kết năm học mời phụ huynh đến dự (mà đã dự là phải có tiền). 

Phụ huynh "toát mồ hôi, nổi da gà" vì thư ngỏ của Nhà trường ảnh 1
Phụ huynh nghi ngại với bức thư ngỏ của Nhà trường (Ảnh: vietnamnet.vn)

Có nhiều lần đến dự thấy nhà trường kê hẳn bàn đón tiếp với mấy giáo viên nữ làm thư ký ngồi để nhận phong bì của phụ huynh!

Trong các thư ngỏ gửi cho phụ huynh, có những thư ngỏ do trực tiếp Ban giám hiệu nhà trường kí, nhưng cũng có thư ngỏ do Đại diện cha mẹ học sinh kí kêu gọi hỗ trợ. 

Nhưng nội dung thư nào cũng thống thiết, cũng quan trọng, nào là: “Trong những năm qua, nhà trường luôn đạt được những thành tích đáng khích lệ.

Đó là: tỉ lệ học sinh giỏi các cấp tăng, nhiều giáo viên đạt Sáng kiến kinh nghiệm, làm Đồ dùng dạy học, thi giáo viên giỏi, nhà trường đã tổ chức được nhiều sân chơi bổ ích như;Tổ chức đêm văn nghệ, thi Hội khỏe Phù Đổng… 

Để đạt được thành tích như trên là sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, trong đó có sự đóng góp, hỗ trợ không nhỏ về tinh thần, vật chất của Hội cha mẹ học sinh. 

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dạy và học hơn nữa…để các em không phải chịu cảnh dột nát; để các em không phải học theo cách dạy truyền thống; để tạo sân chơi bổ ích cho các em; để tạo sân chơi lành mạnh và giao lưu học hỏi cho các em; để các em có khuôn viên xanh -sạch - đẹp…nhà trường rất mong tiếp tục nhận được sự chung tay của qúy vị
”.

Một đồng nghiệp của tôi than rằng: chị có một cháu đang học mẫu giáo tại một trường công lập của thành phố. Hôm đón cháu, cô giáo đưa cho một cái thư ngỏ, kêu gọi hỗ trợ tùy tâm, nhưng nhà trường tính sẵn số tiền cần trong năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Hỗ trợ nhiều thì không có nên chị đang băn khoăn không biết sẽ hỗ trợ như thế nào cho phù hợp…

Phụ huynh "toát mồ hôi, nổi da gà" vì thư ngỏ của Nhà trường ảnh 2

Người thầy và lòng tự trọng

(GDVN) - Đối với người thầy dạy người, dạy chữ, lòng tự trọng tỉ lệ thuận với phẩm giá và nhân cách, với sự ngưỡng mộ và yêu kính của học trò và nhân dân.

Trong lúc kinh kế đất nước còn khó khăn, ngân sách của ngành giáo dục còn hạn hẹp, việc chung tay của phụ huynh cùng nhà trường để xã hội hóa giáo dục là cần thiết. Nhất là đầu tư cho giáo dục, cho tương lai của con em mình. 

Nhưng, với cách kêu gọi liên tục của nhà trường, cộng với đủ các khoản tiền trường như học phí, học thêm, bảo hiểm, quỹ lớp, quỹ hội, tiền đồng phục, tiền bảo trì máy vi tính, tiền mua ghế chào cờ, tiền tài liệu học tập…như hiện nay, liệu một bộ phận phụ huynh có đủ tiền để đóng cho con em mình ăn học? 

Thiết nghĩ lãnh đạo ngành giáo dục và lãnh đạo địa phương sở tại cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn và giám sát việc thu và vận động tiền trường như một số trường học hiện nay đang làm. 

Nguyễn Cao