Phú Quốc, Lý Sơn thi tại chỗ, sao Phú Quý cứ phải tập trung học trò vào đất liền

03/08/2020 06:46
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Bộ chuyển đề qua thư điện tử. Chỉ cần khóa mã là đảm bảo bí mật. Đến trước thời điểm thi, điểm thi ngoài đảo mở khóa và in sao đề tại chỗ".

Nỗi khát vọng bao năm, học sinh Phú Quý được thi tốt nghiệp ngay tại quê nhà mà không phải vượt sóng, vượt gió, vượt qua cả những cơn say đến lả người để vào đất liền thi tập trung, đến nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Năm nào học trò cuối cấp phổ thông ở huyện đảo Phú Quý cũng phải vào bờ tập trung thi tốt nghiệp, nhiều em say sóng lả người. Ảnh: Đỗ Quyên.

Năm nào học trò cuối cấp phổ thông ở huyện đảo Phú Quý cũng phải vào bờ tập trung thi tốt nghiệp, nhiều em say sóng lả người. Ảnh: Đỗ Quyên.

Những lý do của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận

Thứ nhất, phương tiện vận chuyển và di chuyển đến huyện đảo Phú Quý chỉ độc đạo duy nhất là đường biển không có phương án vận chuyển dự phòng khác ví dụ như đường hàng không…

Vì vậy việc vận chuyển và bảo quản đề thi với yêu cầu tuyệt đối an toàn và bảo mật, nếu có sự cố bất thường nào xảy ra thì ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức thi trên toàn quốc;

Thứ hai, đội ngũ làm công tác thi như: Trưởng phó điểm thi, cán bộ coi thi, thanh tra thi, cán bộ giám sát, trật tự viên…được điều động từ đất liền ra huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến an toàn của kỳ thi trên phạm vi toàn quốc.

Thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ có 01 ngày để vận chuyển đề thi đến các điểm thi. Việc bảo quản và vận chuyển bài thi của thí sinh sau kỳ thi cũng là một nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đồng thời đảm bảo về mặt thời gian và tiến độ chấm thi theo thời gian quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng trên toàn quốc.

Kiên Giang, Quảng Ngãi làm được, vì sao Bình Thuận lại không?

Học sinh ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được thi ngay quê nhà của mình từ rất nhiều năm nay.

Được biết, để an toàn cho kỳ thi, giám thị phải khởi hành trước vài ngày, đề thi cũng được vận chuyển, bảo quản hết sức công phu.

Ông Đỗ Văn Phu – Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ngãi trả lời phóng viên Giáo dục Việt Nam, khác với các điểm thi ở đất liền, đề thi đã được niêm phong cẩn mật, vận chuyển đến cảng Sa Kỳ để chuyển ra Lý Sơn, sớm hơn một ngày so với kế hoạch.

Toàn bộ đề thi được bao bọc bằng túi nilon cẩn thận, đóng kín trong các thùng sắt, đề phòng nước biển xâm nhập, gây hư hại.

Lực lượng công an sẽ đi theo tàu cao tốc, áp tải đề thi ra tận điểm thi tại Trường Trung học phổ thông Lý Sơn (cách đất liền hơn 15 hải lý). Ngoài ra, Sở cũng thuê một chuyến tàu cao tốc riêng để chuyên chở cán bộ, giám thị coi thi ra đảo sớm hơn một ngày”.

Theo thầy Phu, suốt nhiều năm qua, dù việc tổ chức thi tại huyện đảo này gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục Quảng Ngãi vẫn cố gắng duy trì.

Chỉ có một năm là chúng tôi không thi ở đảo mà đưa tất cả thí sinh vào đất liền tham dự kỳ thi. Nhưng làm như vậy thì rất vất vả, tốn kém cho các em và gia đình.

Nên suốt nhiều năm qua, Quảng Ngãi đã điều động cán bộ áp tải đề thi ra đảo, tổ chức các điểm thi ngay tại địa phương, dù rằng công việc này rất gian nan” thầy Phu chia sẻ.[1]

Làm thế nào để học sinh được thi tại đảo mà vẫn an toàn cho kỳ thi như quy định?

Nói về chuyện làm thế nào để học sinh thi tại đảo Phú Quý nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho kỳ thi, trao đổi với người viết, Tiến sĩ Châu Minh Hùng, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn đặt câu hỏi:

“Sao lại gọi là vận chuyển khó khăn khi đã sang cái thời kỹ thuật số, chỉ cần 30 giây là đề đã đến nơi?

An toàn đề thi có quan trọng hơn sức khỏe và tính mạng của hàng trăm em học sinh trong thời điểm thời tiết biển đầy sóng gió không?”.

Thầy Châu Minh Hùng cũng nêu một giải pháp mà người viết cho rằng hoàn toàn khả thi, đó là: “Bộ chuyển đề qua thư điện tử. Chỉ cần khóa mã là đảm bảo bí mật. Đến trước thời điểm thi, điểm thi ngoài đảo mở khóa và in sao đề tại chỗ".

Cùng quan điểm với thầy Châu Minh Hùng, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ quan điểm:

“Nếu mà khỏi thi mà công nhận tốt nghiệp thì tốt hơn trong hoàn cảnh hiện nay.

Còn nếu phải thi thì cũng có nhiều cách chuyển đề thi qua mạng với các giải pháp bảo mật nghiêm nhặt.

Vấn đề là phải thông qua những con người đáng tin cậy. Không khó về công nghệ, chỉ cẩn trọng về con người thôi. Hoàn toàn có thể và nên làm để các em học sinh khỏi phải vào đất liền tập trung nguy hiểm”.

Mong rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận sẽ học hỏi kinh nghiệm tổ chức thi an toàn tại các huyện đảo lân cận và tiếp thu ý kiến của dư luận để những học sinh không còn phải lo vượt trùng dương mỗi kỳ mưa bão vào đất liền nằm chờ ngày thi như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hanh-trinh-ap-tai-de-thi-vuot-bien-ra-dao-nguoc-xuoi-mien-nui-post177501.gd

Đỗ Quyên