Hàng năm, thường thì số học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh năm sau đều cao hơn năm trước. Năm học 2022 – 2023 sắp đến, số học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài tình trạng này.
Phường 120.000 dân nhưng chỉ có một trường trung học cơ sở
Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh được nêu tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố hồi tháng 7 vừa qua, trong năm học mới 2022-2023, số học sinh của thành phố ở các bậc học, cấp học vào khoảng 1,7 triệu em, tăng khoảng hơn 21.800 em.
Trong đó, bậc trung học cơ sở tăng nhiều nhất là hơn 13.600 em, bậc trung học phổ thông tăng hơn 12.700 em, bậc mầm non tăng khoảng 6.600 em.
Là một trong những quận luôn chịu áp lực về tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho hay, dự kiến, năm học tới đây, số học sinh của quận tăng khoảng 5.000 em, nhất là ở bậc mầm non và trung học cơ sở.
Do điều kiện cơ sở vật chất trường lớp chưa thể nào “đuổi kịp” với tốc độ gia tăng dân số cơ học, nên hàng năm, cứ chuẩn bị vào năm học mới, lãnh đạo các quận đều rất “căng não” để sắp xếp chỗ học cho con em trong địa bàn, sao cho phù hợp và thuận tiện nhất đối với các em học sinh.
Số học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học mới tiếp tục tăng cao (ảnh minh họa: P.L) |
Ông Ngô Văn Tuyên nêu ví dụ tại phường Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân có khoảng 120.000 dân, có khi tương đương với dân số của một quận, nhưng chỉ có duy nhất một trường trung học cơ sở là Trần Quốc Toản.
Một số em phải được bố trí qua trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, Lạc Long Quân, Bình Trị Đông ở những trường nằm ở các phường lân cận.
Ông Ngô Văn Tuyên giải thích, quy hoạch đất dành cho giáo dục là có hết rồi, nhưng có lẽ là bị vướng giải phóng mặt bằng do kinh phí đền bù quá lớn.
Hiện tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày của quận chỉ đạt dưới 50%, còn học sinh bậc trung học cơ sở chỉ khoảng 20%.
Thành phố Hồ Chí Minh cần tuyển hơn 5.200 giáo viên các bậc học
Trao đổi với phóng viên, ông Tống Phước Lộc – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong năm học mới sắp tới, thành phố dự kiến sẽ tuyển hơn 5.200 giáo viên của các bậc học, từ mầm non đến trung học phổ thông.
Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là tiểu học (2.355 nhân sự), trung học cơ sở (1.698 nhân sự), còn lại là trung học phổ thông và mầm non.
Hiện công tác tuyển dụng vẫn đang được ráo riết thực hiện. Trong đó, phía Sở sẽ tuyển 386 nhân sự cho ngành giáo dục ở bậc trung học phổ thông (296 giáo viên và 90 nhân viên). Những bậc học còn lại sẽ do các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đảm trách.
Tại quận Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo của quận cho hay, năm học mới, quận có nhu cầu tuyển 380 giáo viên ở tất cả các môn. Hiện kế hoạch tuyển dụng đang được trình lãnh đạo quận, và sẽ tiến hành trong những ngày sắp đến.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, việc tuyển dụng như vậy có trễ, ảnh hưởng đến việc giảng dạy của năm học mới hay không, ông Ngô Văn Tuyên nói rằng, có lẽ sẽ trễ hơn một chút so với năm học mới bắt đầu, có thể trong tháng 9 sẽ hoàn thành.
Những môn khó tuyển giáo viên nhất vẫn là Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học.
Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cũng thực hiện việc tuyển giáo viên với quy mô cả nước, với số lượng 324 viên chức, gồm 241 giáo viên và 85 nhân viên. Trong đó, nhu cầu tuyển nhiều nhất là trung học cơ sở, tiểu học rồi đến bậc mầm non.
Nhu cầu tuyển giáo viên của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học mới rất cao (ảnh minh họa: P.L) |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, việc tuyển dụng không xét đến hộ khẩu nơi cư trú nhằm để tăng mức độ cạnh tranh giữa các ứng viên với nhau, nhằm thu hút được nguồn nhân lực tài giỏi của ngành giáo dục cả nước đến với quận Tân Bình giảng dạy.
Trong đợt 1 vừa qua, quận đã tuyển được 24/80 giáo viên có hộ khẩu ở tỉnh, đã đồng ý về quận đứng lớp, lập nghiệp.
Nhiều trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, khi thiếu giáo viên ở bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trường trung học phổ thông Bình Chiểu (thành phố Thủ Đức) đã lên phương án hợp đồng với giáo viên bên ngoài ở những môn này, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về kinh phí, do phải lấy từ nguồn thu của trường.
Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận 3) do thiếu giáo viên ở những môn này, thậm chí có thể chưa thực hiện việc giảng dạy môn Nghệ thuật trong năm học mới sắp tới, mà chỉ có thể tổ chức thành từng câu lạc bộ khác nhau như thanh nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật.