Trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập trường (5/7/2025), Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã tổ chức lễ khánh thành Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia dùng chung Cơ điện tử và Ứng dụng.
Đây là dự án được được phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 884/QĐ-BGDĐT ngày 21/3/2024 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Ngô Đông Hải; nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.
Phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Lương Nguyễn Minh Triết; đồng chí Đoàn Ngọc Hùng Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố; đồng chí Tô Văn Hùng - Thành ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy Uỷ ban Nhân dân Thành phố; Đại tá Nguyễn Văn Tăng - Thành ủy viên, Phó Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan tham mưu Thành ủy, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố.
Về phía Đại học Đà Nẵng có sự hiện diện của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Thành uỷ viên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng; Tiến sĩ Phan Minh Đức - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Đại học Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và các trường đại học thành viên.
Về phía Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Lâm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; các đồng chí nguyên Hiệu trưởng và các cựu sinh viên, các bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.
Bên cạnh đó là sự tham dự của gần 1.000 đại biểu từ các tỉnh thành khu vực miền Trung, các trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng bày tỏ: “Suốt hành trình 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã đào tạo hàng chục vạn kỹ sư, kiến trúc sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Đây là những minh chứng sống động cho chất lượng đào tạo của nhà trường, đồng thời là lực lượng góp phần quan trọng kiến tạo nên một Việt Nam hiện đại, sáng tạo và phát triển bền vững”.
Theo chia sẻ của thầy Hiếu, sau một hành trình xây dựng và trưởng thành, phát huy truyền thống giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của các thế hệ đi trước, nhà trường tiếp tục chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực và hoạt động khoa học công nghệ, đóng góp đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo đó, từ 3 khoa chính khi thành lập, đến nay nhà trường đã có 14 khoa và 9 phòng, đơn vị chức năng, 11 trung tâm nghiên cứu và dịch vụ, đã đảm bảo cho mọi hoạt động của nhà trường diễn ra thông suốt.
Đồng thời, nhà trường cũng sở hữu đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao bộ máy tổ chức của nhà trường có thể đáp ứng việc quản trị một trường đại học hiện đại trong điều kiện mới.
Tính đến nay, đơn vị là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm khoảng 3800 sinh viên, đào tạo 16 chuyên ngành tiến sĩ, 18 chuyên ngành thạc sỹ và 41 chuyên ngành kỹ sư cho các chuyên ngành về kỹ thuật và công nghệ, với quy mô khoảng 16.000 sinh viên. Nhà trường cũng vinh dự đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn châu Âu HCERES năm 2018 và chu kỳ 2 vào năm 2024.
"Ghi nhận từ thực tế, hầu hết sinh viên đều có việc làm ngay từ khi mới ra trường. Đây là minh chứng phản ánh kết quả nỗ lực của nhà trường trong hoạt động đào tạo”, thầy Hiếu nhấn mạnh.

Để phục vụ và duy trì hoạt động đào tạo, nhà trường đã xây dựng được một cơ sở tương đối khang trang với 1 khu nhà làm việc, 5 khu giảng đường có hơn 130 phòng học, hệ thống 132 phòng thí nghiệm, 06 xưởng thực tập, 10 phòng máy tính với hơn 1000 máy, phòng phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Nhiều phòng thí nghiệm được trang bị mới các thiết bị hiện đại đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong khuôn khổ buổi lễ kỷ niệm thành lập trường, đơn vị đã khánh thành Phòng thí nghiệm trọng điểm Cơ Điện tử và Ứng dụng được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư với kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Cơ điện tử phục vụ cho nền sản xuất công nghiệp của đất nước.
Đồng thời, thúc đẩy chính sách sử dụng chung trang thiết bị thí nghiệm, thực hành để thu hút, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo.

Dự án gồm các Phòng thí nghiệm (PTN) thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: PTN Robots, PTN IoTs, PTN Khoa học vật liệu, Khuôn mẫu, Thiết kế mô phòng.
“Hiện, nhà trường đang được chủ trương để hình thành khu thí nghiệm phục vụ chip bán dẫn hơn 80 tỷ đồng, sẽ là nguồn cơ sở vật chất quan trọng để nhà trường tiếp tục có điều kiện phát triển”, Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cho biết nhà trường xác định nhiệm vụ phát triển đội ngũ giảng viên là động lực, tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình phát triển. Theo đó, đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên ngày càng tăng về số lượng và chất lượng.
Hiện nay, tổng số công chức - viên chức trong toàn trường gần 600 người, trong đó có 446 giảng viên, 64 Giáo sư, Phó Giáo sư; 212 Tiến sĩ. Đây là đội ngũ thầy cô giáo, các cán bộ quản lý, các nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm nhiệt huyết trong hoạt động đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất.
Đồng thời, tỷ lệ trên 70% giảng viên là Tiến sĩ là một tỷ lệ ấn tượng, đứng trong nhóm đầu các trường đại học trong cả nước. Hiện nhà trường có gần 50 giảng viên đang học tập sau đại học, thực tập trên 20 nước trên thế giới. “Đây là lực lượng giảng viên đủ năng lực, trình độ tiếp tục phát triển nhà trường trong giai đoạn hội nhập mới”, thầy Hiếu kỳ vọng.
Về hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã không ngừng tăng cường mở rộng các hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín trên thế giới. Hiệu quả cao của hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường được thể hiện thông qua số lượng các văn bản hợp tác (MOU) đã được ký kết cũng như việc triển khai các hoạt động chung như đồng tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế.
Cụ thể, nhà trường thường xuyên tiếp nhận nhiều chuyên gia các trường đối tác đến giảng dạy, nghiên cứu cũng như tiếp nhận hằng năm hàng trăm các sinh viên quốc tế đến học tập và thực tập ngắn hạn. Nhà trường đã xác định giảng dạy và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là công việc không thể tách rời của một giảng viên. Nhận thức này đã dần thay đổi tích cực, đã tạo một động lực lớn cho các cán bộ, đặc biệt là các cán bộ giảng dạy trẻ không ngừng hoàn thiện kiến thức chuyên môn của mình thông qua các hoạt động nghiên cứu, chủ yếu tập trung vào các đề tài giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra.
Do đó, nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, nâng cao vị thế của nhà trường.

Chiến lược phát triển trong kỷ nguyên mới
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu nổi bật của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là vai trò tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Thứ trưởng nhấn mạnh một số định hướng quan trọng cho giai đoạn tiếp theo, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy và xây dựng mô hình đại học tự chủ gắn với phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, thực hiện dân chủ để khơi dậy trí tuệ và tâm huyết toàn trường.
Đồng thời, nhà trường cần đẩy mạnh đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chủ động chuyển đổi số trong giảng dạy và quản lý. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt là thu hút các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước, cũng được xác định là yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị nhà trường tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ, và nâng cao chất lượng công bố quốc tế. Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường kết nối học thuật với các đại học, viện nghiên cứu uy tín trên thế giới cũng là một trọng tâm.
Cùng với đó, việc đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm hiện đại, và xây dựng mô hình đại học đổi mới sáng tạo gắn với vùng động lực miền Trung – Tây Nguyên sẽ góp phần đưa nhà trường trở thành trung tâm tri thức, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ số, năng lượng tái tạo, môi trường, đô thị thông minh.

Trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc và để xứng tầm là một đại học trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, đã có nhiều thách thức mới được đặt ra cho Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Đây vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển của nhà trường. Và với những giải pháp đơn vị đặt ra sẽ giúp nhà trường nâng cao vị thế trong tương lai gần”.
Trước tiên, nhà trường sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức đặc biệt là giảng viên. Hoàn chỉnh và thực hiện các chính sách để đào tạo giảng viên từ sinh viên xuất sắc của nhà trường đồng thu hút các giảng viên xuất sắc trong nước và quốc tế về tham gia giảng dạy hoặc làm nghiên cứu.
Thứ hai, phát triển các chương trình đào tạo tài năng, chú trọng các chuyên ngành, chú trọng chất lượng đào tạo và phát triển quy mô đào tạo sau đại học. Phân tầng mạnh mẽ hơn nữa trong đào tạo đại học,cũng như phân luồng đào tạo sau đại học theo hướng nghiên cứu và hướng chuyên nghiệp. Đào tạo nguồn lực đa dạng, đáp ứng yêu cầu cao của xã hội, đặc biệt những lĩnh vực mà đất nước cần.
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ trong hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.Từng bước thực hiện liên thông nhiều chương trình đào tạo với các trường đại học có uy tín trên thế giới.
Đồng thời, tích cực chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng hệ thống quản lý nhà trường hiện đại. Phát triển được một đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lư, phục vụ có tŕnh độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.

Cuối cùng, đơn vị sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, phát huy hơn nữa thành tích đạt được trên chặng đường 50 năm phát triển, với một tập thể trí tuệ, đoàn kết, năng động.
“Tôi tin rằng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển và đạt được các mục tiêu đề ra, luôn xứng đáng là một trong những trường hàng đầu của đất nước về khoa học công nghệ.
Với chiến lược cụ thể, rõ ràng của đơn vị sẽ góp phần đưa uy tín học hiệu của Trường Đại học Bách khoa vươn xa. Hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu kỳ vọng.