Trọng tài ‘thiên vị’ M.U: Có gì mà ầm ĩ

30/10/2012 07:22
Việt Anh
(GDVN) - “M.U gặp may thì gọi là “rùa tai đỏ”, còn Chelsea thắng may mắn thì chẳng lẽ gọi là “rùa tai xanh” sao?”
Trên đây là ý kiến của một bạn đọc gửi về Báo Giáo Dục Việt Nam để phản hồi bài viết về trọng tài Mark Clattenburg đã có những quyết định có lợi cho M.U. Dẫn chứng sống động nhất là trận đấu ngày 3/4/2010, M.U tiếp Chelsea trên sân nhà Old Trafford trong trận quyết định của mùa giải và phút 79, Didier Drogba đã ghi bàn nâng tỷ số lên 2-0 cho Chelsea từ đường chuyền của Salomon Kalou ở một pha bóng mà Drogba đã rơi vào thế việt vị rất rõ. Federico Macheda sau đó rút ngắn tỷ số cho M.U nhưng đã quá muộn. The Blues vượt qua M.U và lên ngôi vô địch Premier League.

Trọng tài Mark Clattenburg đã có những quyết định có lợi cho M.U…
Trọng tài Mark Clattenburg đã có những quyết định có lợi cho M.U…

Ngày ấy, chẳng ai gọi Chelsea là “rùa tai xanh” cả. Dĩ nhiên là M.U và Chelsea đều từng hưởng lợi hoặc bất lợi từ những quyết định của các ông vua áo đen. Có thể United được hưởng lợi nhiều hơn, nhưng không thể vì thế mà phán xét ‘Quỷ đỏ’ không xứng đáng với những gì mình giành được.

Một cái cớ quan trọng khiến các antifan M.U chỉ trích mạnh mẽ hơn là bởi mới đây, ông David Gill, CEO của đội bóng đã được bầu làm phó chủ tịch FA. Và theo họ, đó là lý do khiến Red Devils được trọng tài ưu ái, và Gill có thể ‘thò tay’ vào công tác phân công trọng tài, giúp United được phân công những trọng tài ‘thân’ mình, hoặc gây tác động để các ông vua áo đen có những tiếng còi méo với người hưởng lợi là đội bóng thành Manchester (!?)

Chelsea cũng từng thắng M.U với một “bàn thắng ma”.
Chelsea cũng từng thắng M.U với một “bàn thắng ma”.

Tuy nhiên, cần phải biết rằng hệ thống tổ chức của FA cũng như BTC Premier League rất chặt chẽ và chuyên nghiệp nên không hề dễ dàng có chuyện một cá nhân thâu tóm cả tổ chức. Ở FA, chỉ một sai sót nhỏ có thể khiến một quan chức mất chức dễ dàng, chẳng hạn cựu chủ tịch Lord Triesman từng “bay ghế” chỉ vì một vài câu bình luận không đúng lúc đúng chỗ. Mà vị thế của Triesman so với Gill khác xa nhau. Triesman trước khi gia nhập FA là một chính khách cao cấp, từng giữ chức Bộ trưởng và phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Anh dưới thời thủ tướng Tony Blair. Vậy mà ông Triesman cũng có lúc trả giá, huống hồ Gill chỉ đơn thuần là một “người làm thuê” và không đủ quyền lực để gây ảnh hưởng lên FA.

David Gill không phải là trường hợp hiếm hoi một quan chức cấp CLB giữ một chức vụ ở liên đoàn. David Dein, phó chủ tịch Arsenal trước đây cũng từng làm phó chủ tịch FA trong một thời gian dài nhưng Arsenal khi ấy không hề được hưởng lợi từ trọng tài, nếu không muốn nói rằng các CĐV của Pháo thủ vẫn thường than phiền vì bị trọng tài xử ép trong những lần đối đầu M.U.

Một trường hợp tương tự xảy ra LĐBĐ Pháp (FFF) khi cả chủ tịch và hai phó chủ tịch đều là chủ tịch của các CLB. Noël Le Graët được bầu làm chủ tịch FFF khi đang đương chức chủ tịch CLB Guingamp và cho tới nay ông vẫn kiêm nhiệm nhưng Guingamp chẳng hề được ưu ái chút nào khi vẫn ngụp lặn ở tận giải hạng 3 Pháp.

Dưới quyền ông Le Graët, các phó chủ tịch FFF hiện nay là Gervais Martel, Jacques Rousselot cũng là chủ tịch RC Lens và AS Nancy. Vậy mà chẳng thấy ai phàn nàn về việc đội bóng của họ được trọng tài ưu ái.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến về bài viết này.
Việt Anh