Nhiều đại biểu đã tham gia hội thảo: "góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục" tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8/12 đã đề nghị ban soạn thảo phải lưu ý vấn đề này để điều chỉnh cho phù hợp.
Rối rắm với phân cấp quản lý
Tại hội thảo, vấn đề phân cấp quản lý trong giáo dục được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia góp ý bởi đây là vấn đề rối rắm giữa ngành giáo dục và các cấp chính quyền.
Việc phân cấp quản lý giáo dục đang nảy sinh nhiều bất cập và cần phải điều chỉnh hợp lý trong "dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục". Ảnh: TT |
Ông Hà Thanh Quốc – giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam góp ý, việc phân cấp phải được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Trong đó, phải quy định cụ thể là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh sẽ quyết định những vấn đề gì, chứ không thể chung chung như hiện nay.
Có thể là quyết định về ngân sách, con người, chuyên môn hoặc là chỉ quyết về ngân sách, nhân sự thôi, còn chuyên môn thì phải giao cho ngành.
Lãnh đạo phòng giáo dục kêu khó do thay đổi phân cấp quản lý |
“Theo tôi, phải sửa đổi làm sao đó để cho khi trở thành Luật rồi thì quản lý chung phải thuộc về ngành giáo dục: từ con người, tài chính, các vấn đề bổ nhiệm, đề bạt phải do ngành giáo dục chủ trì”.
Cũng theo ông Quốc thì phải có luật nhà giáo, bởi nghề giáo là một ngành nghề đặc thù, vậy tại sao bắt chúng tôi phải thực hiện theo luật viên chức?
Như vừa rồi thi tuyển giáo viên ở Quảng Nam nhưng phải căn cứ vào luật viên chức, nên rất bất cập, trắc trở đủ điều.
Cô Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng trường mầm non ở Hội An (Quảng Nam) góp ý, hiện bậc học mầm non cũng đang xảy ra nhiều bất cập do vướng mắc về luật.
"Có một bất cập là sinh viên Đại học, Cao đẳng ra trường về dạy tại các trường mầm non thì họ được nhận mức lương theo bằng cấp.
Nhưng khi thi tuyển công chức, nếu đậu thì họ phải quay về hưởng mức lương trung cấp theo quy định của bậc học mầm non (nhận lương theo theo khung lương của bậc học – pv).
Nên có nghịch lý là giáo viên vừa muốn thi tuyển đậu lại vừa muốn không vì sợ bị hạ mức lương. Luật cần điều chỉnh hợp lý hơn", cô Xuân nói.
Ông Ngô Quang Hưng – Phó giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên thì cho rằng, trong phân cấp quản lý, một số chỉ đạo về tài chính, con người, mỗi địa phương lại thực hiện một kiểu và không thực hiện đúng mức như chỉ đạo của Chính phủ.
Chính vì vậy, nên đưa vào nội dung, Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, Chính phủ vì nếu tỉnh, huyện không thực hiện sẽ vi phạm luật. Có như vậy thì mới tạo được sự đồng bộ giữa các cấp.
“Uỷ ban nhân dân huyện, tỉnh quyền lực quá lớn”
Thầy giáo Nguyễn Hồng Phong - giáo viên một trường Trung học cơ sở ở Thừa Thiên Huế góp ý, theo luật quy định thì thẩm quyền bổ nhiệm hiệu trưởng, tuyển dụng giáo viên là của Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh.
Trong khi ở cấp huyện, tỉnh quá nhiều việc và chức danh chủ tịch chỉ có nhiệm kỳ 5 năm nhưng được trao quyền rất lớn là bổ nhiệm hiệu trưởng, tuyển dụng giáo viên.
Thực tế đã nảy sinh nhiều hạn chế do việc phân cấp quản lý không hợp lý này khi ngành giáo dục có những đặc thù riêng, không thể quản lý theo cách hành chính bình thường.
“Nên thay đổi quyền hạn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, tỉnh bằng trưởng phòng giáo dục và sở giáo dục có quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng và tuyển dụng giáo viên.
Vì giáo dục là ngành đặc thù nên giao cho lãnh đạo ngành quyết định sẽ đúng đắn hơn”.
Thầy Phong cũng dẫn ra câu chuyện về hơn 30 năm công tác ở trường học đã chứng kiến nhiều bất cập do việc phân cấp quản lý bất hợp lý này gây ra.
“Ở trường học có thầy giáo chuyên môn rất vững, đạo đức tốt... được mọi người đề bạt làm hiệu trưởng nhưng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không chấp nhận.
Trong khi đó lại đưa một anh giáo viên dạy thể dục hoặc nhạc họa lên làm Hiệu trưởng”.
Đó chỉ là một nghịch lý, còn có trường thầy Hiệu trưởng muốn tuyển dụng một sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm học hệ chính quy về giảng dạy nhưng không được chấp nhận.
Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện lại điều về trường một sinh viên ngành khác nhưng có tín chỉ sư phạm về trường giảng dạy.
Thầy Phong bức xúc nói: "Nếu cứ làm như vậy thì làm sao bảo đảm chất lượng giáo dục?".
Liên quan đến những bất cập trong phân cấp quản lý giáo dục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có nhiều bài viết phản ánh những bức xúc của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục cấp phòng, sở.
Mới đây, tại hội nghị “giao ban thủ trưởng các đơn vị, trường học lần thứ nhất, năm học 2017-2018” do sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 26/10, nhiều cán bộ quản lý giáo dục đã nêu lên những bất cập của vấn đề này.
Trong đó, hầu hết các vấn đề về nhân sự, giáo viên, tài chính, con dấu, khen thưởng… đều chuyển về cho Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý.
Còn phòng giáo dục chỉ được làm công tác chuyên môn nhưng khi xảy ra sự cố như: bạo hành trẻ hay dạy thêm trái phép, chất lượng giáo viên yếu… thì phòng giáo dục phải đứng ra chịu trách nhiệm.
Do đó, nhiều đại biểu đã kiến nghị đưa vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục để khắc phục tình trạng trên.