Quản lý, vận hành khai thác & bảo trì đường cao tốc: Chuyên ngành đầy tiềm năng

25/07/2024 06:25
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Nhu cầu tổ chức vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường ngày càng có yêu cầu cấp thiết, đặc biệt đối với hệ thống đường cao tốc.

Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc là chuyên ngành mới được Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (UTT) chính thức tuyển sinh từ năm 2024. Đây được đánh giá là một chuyên ngành quan trọng và đóng vai trò không chỉ là một phần cấu trúc quan trọng trong hệ thống giao thông mà còn là cầu nối thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Trực tiếp tham gia vào xây dựng và duy trì hệ thống giao thông huyết mạch của Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Bá Thắng – Phó Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (UTT) nhận định, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đường cao tốc tại Việt Nam, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này đang ngày càng tăng, đặc biệt đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Theo học chuyên ngành Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc, người học sẽ trực tiếp tham gia vào việc xây dựng và duy trì hệ thống giao thông huyết mạch của Việt Nam.

Quản lý, vận hành khai thác & bảo trì đường cao tốc.png
Hiện nay, nhu cầu tổ chức vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường ngày càng có yêu cầu cấp thiết, đặc biệt đối với hệ thống đường cao tốc. Ảnh: Doãn Nhàn

Thực tiễn đã chứng minh, đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội văn minh hiện đại. Với mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Việt Nam đang tiếp tục dành nguồn lực lớn và hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, đặc biệt là mạng lưới đường bộ cao tốc.

Hiện nay, công tác quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 với nội dung Đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài 9.014 km. Theo đó, ngành Giao thông vận tải đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đến năm 2030 có 5.000 km đường bộ cao tốc.

Như vậy, nhu cầu tổ chức vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường ngày càng có yêu cầu cấp thiết, đặc biệt đối với hệ thống đường cao tốc.

“Tuy nhiên để nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ, đáp ứng những đột phá cho ngành xây dựng Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và cẩn thận.

Bởi vậy, với sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, đa ngành, đa lĩnh vực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành giao thông vận tải và của đất nước, năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải chính thức đưa vào giảng dạy chương trình đào tạo trong lĩnh vực quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc”, Phó Trưởng khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải chia sẻ.

Giảng viên và sinh viên Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tham quan thực tế tại công trình cầu Sông Vệ - cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: UTT
Giảng viên và sinh viên Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tham quan thực tế tại công trình cầu Sông Vệ - cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: UTT

Thông tin về chương trình học, Tiến sĩ Phùng Bá Thắng cho hay, chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc kéo dài 4.5 năm, bao gồm các khối kiến thức cơ bản, chuyên ngành và các môn học bổ trợ. Mục tiêu của chương trình là đào tạo các kỹ sư có khả năng thiết kế, xây dựng, vận hành khai thác, bảo trì và quản lý hệ thống giao thông đường cao tốc. Sau khi tốt nghiệp người học được cấp bằng kỹ sư.

Cụ thể, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu từ công nghệ thiết kế, xây dựng cầu đường bộ, đặc biệt, sinh viên còn được tiếp cận và sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong quản lý và vận hành giao thông như hệ thống giao thông thông minh (ITS), mô hình thông tin xây dựng (BIM) và các công cụ mô phỏng giao thông hiện đại. Điều này không chỉ nâng cao kỹ năng chuyên môn mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giao thông.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc có cơ hội tìm việc làm bao gồm tại cơ quan quản lý giao thông, công ty tư vấn thiết kế cầu đường, các tổ chức đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, các trường đại học, cũng như tại các nhà thầu có dự án xây dựng và bảo trì đường cao tốc. Cụ thể, từ vị trí tập sự kỹ thuật đến các vị trí quản lý giao thông thông minh, chuyên gia lập kế hoạch bảo trì, chuyên gia bảo trì công trình, chuyên gia an toàn giao thông hay các vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hay cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ cao tốc.

Phát huy tối đa năng lực người học

BOTT0572(1).jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải. Ảnh: UTT

Với truyền thống gần 80 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải là một trong những cơ sở đào tạo lớn và uy tín, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải ở nước ta.

Theo Tiến sĩ Phùng Bá Thắng, một trong những thế mạnh của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải là đơn vị trực thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải nên có nhiều lợi thế về việc tiếp thu chỉ đạo đào tạo, nhu cầu việc làm cũng như việc cập nhật ứng dụng các công nghệ tiên tiến về xây dựng, quản lý, bảo trì công trình giao thông.

Đặc biệt, đội ngũ giảng viên của trường đều là các thầy cô được đào tạo bài bản từ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước. Trong đó, có nhiều chuyên gia đầu ngành nghiên cứu nhiều công trình cấp Bộ, ngành, cấp Nhà nước, đã được áp dụng vào thực tiễn.

Hệ thống cơ sở vật chất lớp học, ký túc xá, khu vực thí nghiệm, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia. Phòng thí nghiệm hiện đại, trang bị đầy đủ thiết bị và công nghệ mới nhất phục vụ cho việc nghiên cứu và thực hành của sinh viên.

“Ngoài ra, với mạng lưới hợp tác, kết nối doanh nghiệp rộng rãi của nhà trường, sinh viên có nhiều cơ hội được tiếp cận với doanh nghiệp ngay từ sớm. Cụ thể, các em sẽ được thực tập tại các doanh nghiệp lớn trong ngành giao thông, từ các công ty xây dựng và bảo trì đến các tổ chức tư vấn kỹ thuật thuộc mạng lưới hợp tác của nhà trường. Đây là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm thực tế và mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng được khuyến khích tích cực tham gia các dự án thực tế của nhà trường, các dự án nghiên cứu khoa học cùng giảng viên, giúp phát triển kỹ năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề thực tế”, Tiến sĩ Phùng Bá Thắng chia sẻ thêm.

5(1).png
Với mạng lưới hợp tác, kết nối doanh nghiệp rộng rãi của nhà trường, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải có nhiều cơ hội được tiếp cận với doanh nghiệp ngay từ sớm. Hình ảnh đoàn cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa Công trình chụp hình lưu niệm với đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh: UTT

Khẳng định đây là chuyên ngành học đầy tiềm năng cho những bạn đam mê với giao thông vận tải, Tiến sĩ Phùng Bá Thắng cho hay, ngày nay, sinh viên có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm, nghiên cứu và học tập kiến thức về công nghệ kỹ thuật xây dựng, thiết kế cầu đường bộ thông qua hệ thống dữ liệu phong phú trên internet, hay từ sách, giáo trình,...

“Mặc dù chuyên ngành Quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc có những khó khăn và thách thức nhất định, nhưng đổi lại là những cơ hội phát triển nghề nghiệp, mức thu nhập hấp dẫn, và niềm vui khi thấy rõ thành quả của công việc. Những tố chất cần có và sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp sinh viên vượt qua những khó khăn này và đạt được thành công trong ngành”, vị Phó Trưởng khoa khẳng định.

Giảng viên và sinh viên Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tham quan thực tế tại hầm số 1, tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: UTT
Giảng viên và sinh viên Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tham quan thực tế tại hầm số 1, tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: UTT

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Huynh - Trưởng phòng Hành Chính - Nhân sự Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng cho rằng ngành học mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm phong phú cho người học.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huynh chia sẻ: “Thực tế, hiện nay nhân lực phục vụ công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc có nhiều vị trí được tuyển ngang, từ đó chúng tôi phải tiếp tục đào tạo lại để có nhân lực đúng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc”.

Bởi vậy, ông Huynh kỳ vọng chuyên ngành học này sẽ cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, có năng lực và chuyên môn để tiếp tục tham gia vào công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc.

“Lĩnh vực này bao gồm rất nhiều công việc khác nhau, vì vậy nhu cầu về vị trí công việc cũng cực kỳ đa dạng như kỹ sư cầu đường, vận hành hệ thống giao thông thông minh, vận hành hệ thống điện, giám sát hậu kiểm, điều hành trung tâm, vận hành làn thu phí,...

Nhất là trong bối cảnh thực hiện mục tiêu của Chính phủ phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các bạn có đam mê với ngành giao thông vận tải và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đánh giá.

Doãn Nhàn