Quảng Nam, Đà Nẵng đỏ mắt tìm giáo viên trước thềm năm học mới

06/09/2019 06:57
AN NGUYÊN
(GDVN) - Từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Quảng Ngãi… cùng nhiều địa phương khác đang “đau đầu” vì tình trạng thiếu giáo viên khi năm học mới đã cận kề.

Mặc dù đã tiến hành nhiều đợt thi tuyển giáo viên, kết hợp xét tuyển đặc cách trong thời gian vừa qua, nhưng nhiều địa phương vẫn thiếu giáo viên trầm trọng. Trong đó, thiếu nhiều nhất là ở bậc mầm non, tiểu học.

Quảng Nam thiếu 2.100 giáo viên

Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, năm học 2019-2020, trên địa bàn còn thiếu gần 2.100 giáo viên từ bậc mầm non đến trung học phổ thông.

Nhiều địa phương đang thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Ảnh: AN
Nhiều địa phương đang thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là bậc mầm non và tiểu học. Ảnh: AN

Trong đó, bậc mầm non thiếu 616 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 1.042 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu 273 giáo viên và bậc trung học phổ thông thiếu 162 giáo viên.

Là một trong những huyện thiếu giáo viên lớn nhất của tỉnh Quảng Nam, năm học mới, thị xã Điện Bàn thiếu hụt khoảng 300 giáo viên.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Điện Bàn cho hay, việc thiếu giáo viên ở bậc tiểu học đang khiến ngành giáo dục huyện này rất khó khăn, lâm vào cảnh “giật gấu vá vai” để đảm bảo việc dạy học.

Những con số giật mình về tình trạng thiếu giáo viên của các địa phương
Những con số giật mình về tình trạng thiếu giáo viên của các địa phương

Hiện Ủy ban nhân dân thị xã đã giao cho Hiệu trưởng các trường chủ động hợp đồng với giáo viên theo tiết dạy (do Ủy ban chi trả tiền hợp đồng) để đảm bảo đội ngũ.

Tại các huyện miền núi như: Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My… việc thiếu giáo viên cũng khiến cho việc bố trí giáo viên giảng dạy rất khó khăn.

Nhiều trường hiện không có đủ giáo viên để phân công chủ nhiệm lớp, có trường 15 lớp nhưng chỉ có 11 - 12 giáo viên, không đảm bảo mỗi lớp một giáo viên đứng lớp theo quy định.

Theo đại diện một phòng giáo dục thì ngoài việc thiếu hụt giáo viên thì đa số giáo viên hợp đồng chưa thể yên tâm công tác vì mức lương chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, việc thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước chứ không riêng gì tỉnh Quảng Nam. Trong đó, thiếu số lượng lớn ở bậc mầm non và tiểu học.

“Nhưng việc thiếu giáo viên này cũng không ảnh hưởng đến năm học mới hay việc học sinh đến trường sau ngày khai giảng.

Bởi ngành giáo dục cũng đang có nhiều giải pháp để thực hiện đảm bảo việc giảng dạy”, ông Quốc khẳng định.

Tại Quảng Ngãi hiện cũng đang thiếu hơn 200 giáo viên cũng rơi vào bậc mầm non và tiểu học.

Hiện tỉnh này đang tổ chức thi tuyển 845 giáo viên từ bậc mầm non đến bậc trung học phổ thông nhưng phải đến cuối tháng 9, việc thi tuyển mới xong.

Đà Nẵng cũng “đỏ mắt” tìm giáo viên

Trước khi vào năm học mới, sở Giáo dục Đà Nẵng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện của địa phương này cũng đồng loạt triển khai các kỳ thi tuyển giáo viên.

Nếu tuyển chưa đủ, Đà Nẵng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng giáo viên hợp đồng
Nếu tuyển chưa đủ, Đà Nẵng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng giáo viên hợp đồng

Trong đó, kỳ thi tuyển giáo viên của sở Giáo dục đã có 77 thí sinh trúng tuyển, các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn cũng bổ sung thêm đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương này vẫn diễn ra. Nguyên do một phần là không tuyển đủ chỉ tiêu cần thiết và số lượng học sinh tăng trên 6.000 học sinh so với năm học trước.

Tại huyện Hoà Vang hiện đang thiếu 58 chỉ tiêu. Cụ thể, bậc học Tiểu học chỉ tiêu 70 giáo viên nhưng chỉ có 35 người trúng tuyển,  bậc mầm non có 46 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 23 giáo viên.

Tương tự, quận Ngũ Hành Sơn được giao 86 chỉ tiêu nhưng qua thi tuyển chỉ tuyển được 55 chỉ tiêu giáo viên. Quận Hải Châu cũng thiếu gần 30 giáo viên.

Trước đó, cũng tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã xảy ra tình trạng giáo viên trúng tuyển nhưng không đến nhận công tác. 

Nguyên nhân là do yêu cầu thi tuyển mà quận này đặt ra đối với giáo viên mầm non, Tiểu học là phải có trình độ Đại học trở lên. Nhưng khi đã trúng tuyển, vào giảng dạy thì chỉ được hưởng lương trình độ trung cấp theo quy định.

Chính những bất cập về chính sách này đã khiến nhiều giáo viên trúng tuyển nhưng không đến nhận nhiệm sở.

Trước tình trạng này, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đồng ý hạ tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên bậc học mầm non là phải có bằng Cao đẳng trở lên (thay vì phải có bằng Đại học như trước đây).

Năm học mới đã chính thức bắt đầu, vậy các địa phương sẽ phải đối phó với tình trạng thiếu giáo viên ra sao để đảm bảo công tác dạy học? Mời các bạn đón đọc trong số sau.

AN NGUYÊN